Trong tọa đàm "Học tiếng Anh như thế nào, tại sao?" do Học viện Phát triển tư duy và kỹ năng IEG tổ chức ngày 27/5, anh Nguyễn Chí Hiếu, sinh viên xuất sắc nước Anh năm 2004 và top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006 thẳng thắn chỉ ra cách nghĩ không đúng của phụ huynh về việc học tiếng Anh.
Theo một nghiên cứu của Bộ Giáo dục Mỹ suốt 20 năm, ba kỹ năng tạo nên một sinh viên thành công ở bất kỳ đại học nào của Mỹ là tư duy phản biện, giải quyết vấn đề đa chiều và viết lập luận, phân tích. Tuyệt nhiên không một giáo sư đại học nào coi khả năng ngôn ngữ (tiếng Anh) là yếu tố quyết định. Và trong một khảo sát của tổ chức kinh tế thế giới với các nhà tuyển dụng, kết quả về các kỹ năng họ cần ở nhân viên cũng tương tự.
Từ những nghiên cứu trên, anh Chí Hiếu cho rằng việc học sinh nói tiếng Anh chuẩn 100% không quan trọng bằng năng lực của mỗi đứa trẻ. "Hôm nay con nói không tốt nhưng chỉ cần đặt vào môi trường tiếng Anh hai năm là con có thể nói giỏi. Vì vậy, học chuyên tiếng Anh không phải là mục tiêu dài hạn để phụ huynh tập trung cho con học trong suốt 12 năm", anh Hiếu khẳng định.


Việc học tiếng Anh của học sinh hiện nay đi theo xu hướng cấp 1 học giao tiếp, cấp 2 học ngữ pháp, đọc hiểu và luyện thi, cấp 3 sẽ tập trung vào luyện thi. "Tôi không dám nói cách đi này sai hoàn toàn nhưng nó không thể giúp học sinh phát triển toàn bộ năng lực", anh Hiếu nói và cho rằng học tiếng Anh để phát triển kiến thức, tư duy và tính cách mới là quan trọng.Cựu sinh viên Đại học Stanford đặt câu hỏi nhiều phụ huynh đăng video con nói tiếng Anh như gió lên mạng và được nhiều người khen học giỏi, thiên tài nhưng nếu so với hàng trăm triệu người dân bản xứ thì có giỏi hay không. Theo anh, học sinh cấp 1 đang bị giới hạn phải học được giao tiếp. Điều này không xấu nếu coi giao tiếp là một trong những mục tiêu. Còn nếu coi giao tiếp tiếng Anh thành thạo là mục tiêu duy nhất học sinh cấp 1 phải đạt được thì hoàn toàn sai.


bí quyết học Tiếng anh hiệu quả từ cực sinh viên xuất sắc nước Anh


"Ở độ tuổi cấp 1, phụ huynh nên tìm cách tạo môi trường và thói quen cho con hơn là ép con chỉ học nguyên giao tiếp", anh Hiếu nói và phân tích thêm một môi trường để con tiếp xúc với tiếng Anh tự nhiên là cần thiết nhất. Bên cạnh đó, cần tạo cho con thói quen nghe, nói, đọc, viết hàng ngày.
"Nếu phụ huynh có điều kiện cho con học ở trung tâm, thuê người nước ngoài đến nhà nói chuyện, tự nói chuyện với con bằng tiếng Anh nếu đủ khả năng ngôn ngữ thì rất tốt. Nếu không có điều kiện thì mở video trên Youtube cho con học cũng được, miễn sao tạo được một môi trường và thói quen đều đặn cho con", anh Hiếu nói.
Giai đoạn cấp 2 là lúc học sinh học nhiều về ngữ pháp, kỹ năng đọc hiểu ở trường. Theo khảo sát, học sinh hiện nay làm các câu hỏi ngữ pháp thì tốt nhưng cho viết bài văn lại không viết được. Quan điểm của anh Hiếu, ngữ pháp chỉ là tương đối, trong nhiều ngữ cảnh việc phá vỡ quy luật ngữ pháp lại đem đến một bài viết hay.


"Với kỹ năng đọc hiểu cũng vậy. Học sinh có thể đọc một đoạn văn và trả lời đúng tất cả câu hỏi nhưng đưa một cuốn sách 200 trang thì không biết đọc mấy năm mới xong và khi xong thì chắc không đọng lại được gì", anh Hiếu nói thêm.
Cuối cấp 2 và cấp 3, phụ huynh bắt đầu có tâm lý lên lịch luyện thi dày đặc cho con với các kỳ thi học sinh giỏi, thi chuẩn hóa SAT, IELTS, TOEFL. Anh Hiếu cho rằng mỗi kỳ thi đều có một giá trị riêng nếu coi đó là động lực để con kiểm tra trình độ, là áp lực ngắn hạn hay để ghi nhận công sức của con. Tuy nhiên, việc luyện thi kéo dài khiến con mất thời gian làm việc khác trong khi phụ huynh lại không biết kỳ thi đó kiểm tra năng lực gì của con.
"Luyện thi trong suốt 3 năm cấp 3, thậm chí từ những năm cấp 2 nhưng đi thi chưa chắc con có kết quả tốt vì con không được trang bị nền tảng kiến thức từ các cấp dưới", anh Hiếu nhận định.


Theo anh Hiếu, cấp 2 là giai đoạn mở rộng kiến thức và tư duy cho con ở mọi lĩnh vực và tiếng Anh lúc này chỉ là công cụ để lấy kiến thức nền và phát triển tư duy. Thay vì cho con học ngữ pháp hàng ngày và luyện thi, phụ huynh cần cho con đọc các tài liệu bằng tiếng Anh như sách học thuật, truyện, báo. Với môi trường và thói quen được trang bị từ cấp 1, các con sẽ quen dần và có thể đọc được những tài liệu dài hơn, khó hơn.
"Một học sinh lớp 9 đọc Harry Potter. Nếu phụ huynh hỏi truyện có chỗ nào không hợp lý về mặt kinh tế hay tôn giáo mà con trả lời được thì đó mới là biết đọc và tư duy, giải quyết vấn đề nhiều chiều. Tư duy đó có được vì trong 4 năm cấp 2, học sinh này đã tích lũy đủ kiến thức nền", anh Hiếu lấy ví dụ và cho rằng không điểm số nào có thể so sánh với khả năng tư duy đó.


Ở cấp 3, học sinh cần có nhận thức xã hội đúng đắn, hiểu được giá trị của chính mình và phải xác định học tiếng Anh để phục vụ điều này. Anh Hiếu nhận định nhiều học sinh được học bổng đi du học Mỹ nhưng không biết mình là ai dẫn đến nhanh chóng bị stress. "Các nhà tuyển sinh và cả nhà tuyển dụng rất tinh. Họ chỉ hỏi một câu bạn là ai hay ai ảnh hưởng nhiều nhất đến bạn là có thể đoán hiểu biết xã hội của bạn đến đâu", anh Hiếu nói.
Xác định được mục tiêu học tiếng Anh ở mỗi giai đoạn, phụ huynh và học sinh sẽ tự tìm ra phương pháp học đúng đắn. "Một lần nữa tôi phải nói tiếng Anh chỉ là công cụ để phát triển kiến thức, tư duy và tính cách cho học sinh", anh Hiếu nhấn mạnh.


Theo vnexpress.net