Tập cho con các kỹ năng sống cơ bản đầu đời như thế nào?


Tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho trẻ

Cha mẹ nào sinh con ra cũng mong con mình khỏe mạnh, thông minh và cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển. Tuy nhiên bên cạnh việc chăm sóc để con phát triển thể chất, dạy dỗ con để con học hành giỏi giang, nhiệm vụ giúp con định hướng, xây dựng và phát triển các kỹ năng sống cơ bản là không thể thiếu được. Chúng ta đã được chứng kiến rất nhiều học sinh thông minh, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng vì thiếu, yếu các kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nên gặp rất nhiều khó khăn trong học tập và quá trình xin việc, đi làm.

Muốn có được kết quả tốt nhất trong định hướng, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng sống cho trẻ phụ huynh phải hiểu rõ con, hiểu rõ những kiến thức giáo dục kỹ năng sống cần thiết. Mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt về khả năng, có trẻ sinh ra đã tự tin hơn trẻ khác, có trẻ lại dễ dàng hòa đồng hơn, trong khi có bạn lại rất có khả năng lãnh đạo… Bồi dưỡng cho trẻ những kỹ năng sống, những thói quen tốt không phải là việc một sớm một chiều mà là cả một quá trình và phải chọn đúng thời điểm thích hợp với độ tuổi của trẻ để bắt đầu mới có kết quả tốt nhất.

Bao giờ thì nên bắt đầu dạy cho trẻ kỹ năng sống?

Ngay từ khi mới sinh ra, con người đã được học kỹ năng sống. Từ lúc biết nói, cha mẹ đã dạy cho trẻ ngôn ngữ giao tiếp như “chào ông, chào bà, ạ cô, ạ chú,…”. Đó chính là kỹ năng giao tiếp đầu đời mà các em được rèn luyện. Lớn lên, khi trẻ đến trường đến lớp, mối quan hệ xã hội được mở rộng bởi ngoài gia đình, các em còn được làm quen, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô.

Đây là giai đoạn mà trẻ cần được rèn luyện các kỹ năng cơ bản để đối phó với thực tế và môi trường xung quanh. Các em cần được trang bị các kỹ năng cần thiết khác như rèn luyện và phát triển thể chất, khám phá bản thân, xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để hoàn thiện nhân cách,… hay các kỹ năng xã hội khác như: giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm,… Do đó, nếu không có sự trang bị tốt về kỹ năng sống cho trẻ hay có sự định hướng không đúng đắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các em.

Vấn đề bộc lộ kỹ năng sống ở mỗi đứa trẻ là khác nhau tùy theo hoàn cảnh và độ tuổi. Tuy nhiên, để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần, khi ở độ tuổi quan trọng như mẫu giáo, đặc biệt là giai đoạn chuẩn bị bước vào lớp 1, trẻ cần được trang bị kỹ năng sống. Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để giáo dục kỹ năng sống cơ bản cho trẻ một cách khoa học và có chiến lược.

Tham khảo 4 kỹ năng sống cơ bản mà người Nhật dạy cho trẻ con

1. Kỹ năng sinh tồn.

Ở Nhật Bản, việc tạo điều kiện cho trẻ thích nghi với môi trường sống là điều hết sức quan trọng. Chúng ta sẽ bắt gặp những bà mẹ cùng những cô bé, cậu bé hai tháng tuổi tại các công viên của Nhật Bản. Chúng ta cũng sẽ bắt gặp những cậu bé 4-5 tháng tuổi đầu đội trần đi dưới trời nắng hiu. Và chúng ta cũng sẽ bắt gặp những em học sinh lớp một tập thể dục dưới trời nắng hay mưa mà không có thứ gì che chắn. Với người Nhật, đó là để tôi luyện bản năng sinh tồn. Khi trẻ lớn hơn một chút, người Nhật sẽ dạy trẻ cách để ứng phó khi có động đất, sóng thần. Họ dạy trẻ cách kiềm chế sợ hãi, bình tĩnh để xử lý tình huống. Người Nhật cho rằng: để có thể làm tốt những việc sau này, việc đầu tiên con cần làm được là tự biết cách bảo vệ bản thân mình trước những biến đổi của cuộc sống. Đó cũng là cơ hội để người Nhật dạy con tính kiên cường, tự lực cánh sinh.

2. Kỹ năng tự nhận thức bản thân.

Không chỉ trong gia đình, trẻ được tự do thể hiện bản thân mình mà ở trường học, trẻ em cũng được giáo dục về sự tự nhận thức bản thân. Điều này ta thấy rất rõ ở trong môn đạo đức của học sinh Nhật Bản. Những cuốn sách luôn được mở đầu bằng những câu hỏi như: Bạn thích ăn món gì? Bạn thích đi đâu? Bạn muốn làm điều gì nhất? Ở mỗi năm học, chính trẻ sẽ nhận ra sự thay đổi trong sở thích của chính mình. Qua những câu hỏi này, trẻ sẽ dần hình thành khả năng tự nhận thức bản thân, hiểu về người khác và tự tin thể hiện những điểm mạnh của mình. Trong gia đình, trẻ luôn được tôn trọng trong những quyết định liên quan đến bản thân: ăn uống, sở thích,… Điều này, cũng góp phần giúp trẻ thêm tự tin khi đưa ra những quyết định và có trách nhiệm với chính quyết định của bản thân.

3. Kỹ năng giao tiếp – ứng xử

Người Nhật coi trọng kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là những ứng xử trong các mối quan hệ gia đình. Kỹ năng sống cho trẻ đầu tiên ở Nhật Bản về ứng xử là “mỉm cười” và nói lời cảm ơn. Trong suốt cấp tiểu học và trung học cơ sở, học sinh Nhật Bản đều được học về cách để ứng xử nhã nhặn và đúng mực. Những giờ học của học sinh Nhật Bản trong môn học đạo đức thường có những thời gian thảo luận để các bạn bày tỏ ý kiến, quan điểm về cách ứng xử tốt và chưa tốt. Tại gia đình, trẻ được dạy cách ứng xử lễ phép với những người thân trong gia đình, học cách nói lời cảm ơn và thành thật nhận lỗi khi mắc lỗi.


Nên tập cho con trẻ những kỹ năng sống cơ bản nào?

Nên tập cho con trẻ những kỹ năng sống cơ bản nào?

4. Kỹ năng tự lập cho trẻ

Trẻ em ở Nhật Bản 1 tuổi rưỡi đã bắt đầu học làm những việc cá nhân như học xúc cơm, đi dép, kéo khóa áo, cất dọn đồ dùng cá nhân. Khi trẻ được 3 tuổi, trẻ gần như hoàn toàn tự làm những công việc liên quan đến phục vụ bản thân. Trẻ em lớp 4-5 ở Nhật Bản thường tự dọn bàn ghế, lấy bát và tự xúc và chia thức ăn.

Cha mẹ Nhật luôn khuyến khích con thử làm mọi việc. Họ kiên nhẫn chờ đợi những thành quả nhưng đôi khi là kiên nhẫn để giải thích và cùng con làm lại những việc mà con chưa làm được. Ngoài ra, việc ngủ riêng cũng được cha mẹ coi là một trong những yếu tố giúp cho con trẻ sớm tự lập hơn.


Các nguyên tắc cha mẹ cần biết khi rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ

1. Kiến thức chỉ cần đủ để trẻ học những điều khác

Có một thực tế là mỗi khi trẻ từ trường về nhà, một câu nói quen thuộc cha mẹ hay hỏi con mình là "Hôm nay con được mấy điểm?". Trong khi đó đáng lẽ điều mà họ nên hỏi là "Hôm nay con học được cái gì?".

Cha mẹ đang quá quan trọng hóa chuyện điểm số, kiến thức mà không biết rằng kiến thức chỉ là một phần nhỏ trong cái con người muốn, chỉ cần đủ để học cái khác. Có thể mượn những kiến thức đó làm cái cớ để dạy con kỹ năng sống.

2. Không áp đặt con phải làm gì, không được làm gì

Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là lúc nào cũng áp đặt con phải làm cái này, phải làm cái kia, phải chào, phải đánh răng... Nếu trẻ làm theo thì bảo "Ui, con ngoan quá", những trẻ cá tính không làm theo thì lại bảo con hư. Trẻ không làm theo thì bị phạt, mắng. Trong khi đó, những trẻ đối phó mới là trẻ khôn.

Thực tế, có những việc cha mẹ cấm nhưng trẻ vẫn làm. Lý do là vì trẻ làm theo là bị ép buộc chứ không phải tự giác làm, mà điều gì không phải do bản thân mỗi người tự giác làm thì sẽ không có tính bền vững. Hôm nay trẻ làm theo những gì người lớn bảo nhưng không ai đảm bảo rằng khi lớn hơn, trẻ cũng sẽ làm theo.

Cha mẹ không biết rằng chính sự áp đặt của mình có thể khiến bé khi lớn lên làm gì cũng sợ sai, không tư duy sáng tạo.

3. Cho con biết tại sao phải làm cái này

Để con nghe và làm theo thì trước hết chúng ta cần cho con biết tại sao chúng ta phải làm thế. Cha mẹ hãy bỏ qua những quy định tồn tại trước đó, tự đặt tình huống cùng bàn luận với trẻ, hãy để trẻ tự nói lên, tự viết ra những lý do vì sao phải làm thế. Chẳng hạn từ những việc đơn giản như tại sao phải đi vệ sinh, uống sữa đến học bài, rửa tay, đánh răng...

Khi đã hiểu, trẻ sẽ tự ra quyết định, tự viết nội quy, tự giác làm và tự giám sát. Trẻ làm không phải vì sợ mà vì đó là điều đúng, cần thiết. Kết quả đạt được là tập cho trẻ kỹ năng tự đưa ra quyết định, kỹ năng tự nguyện, tự giác.

4. Chọn việc dễ nhất để yêu cầu con làm

Cha mẹ hãy vứt hết những điều con mình chưa làm được, mà chọn ra một thứ dễ làm nhất để yêu cầu con thực hiện như: ăn xong phải cất bát. Việc này có thể rất lâu mới đi vào quy củ, thế nhưng một khi con đã thực hiện được thì những việc sau trẻ sẽ làm dễ dàng hơn.

Việc giáo dục kỹ năng sống cho con cần có kế hoạch, từ từ, chậm chạp, không được nóng vôi. Bên cạnh đó, cần tỏ ra tôn trọng con, ghi nhận và khuyến khích những gì trẻ làm được. Điều cha mẹ cần lưu ý là trẻ được quyền mắc lỗi, khi đó cha mẹ có thể giúp con tìm giải pháp tiếp theo chứ không đi vào việc tìm lỗi của ai.

"Đặc biệt không đổ lỗi tất cả cho trẻ. Trong 10 lỗi của trẻ, người lớn cũng cần tìm ra lỗi của mình. Mình đã quan tâm đến con chưa, đã lường trước được hành vi của trẻ chưa, đã tinh tế chưa...".

Kết luận:

Cha mẹ Việt Nam ngày nay ngày càng quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sống cho con trẻ từ sớm. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em là quá trình lâu dài mà cha mẹ chính là những người có vai trò cốt lõi. Phụ huynh nên dành thời gian để tương tác với con ở nhà, làm theo các hướng dẫn, gợi ý của giáo viên (nếu có) để mang lại những trải nghiệm kỹ năng sống tốt nhất cho bé.

Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng mềm, kỹ năng sống, kỹ năng sống cho trẻ, cách dạy kỹ năng sống của người Nhật, các kỹ năng sống cơ bản cho trẻ, lưu ý khi dạy kỹ năng sống.