VN có kế hoạch triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.
Ở một quán cà phê thuộc Q.Tân Phú, TP.HCM, thấy có trẻ đang độ tuổi tiểu học bưng bê cà phê, chúng tôi hỏi chủ quán sao các cháu này không đi học? Chủ quán trả lời gia đình bố mẹ các cháu ở Bạc Liêu, gia đình khó khăn nên gửi lên đây phụ giúp công việc để kiếm sống. Trong một tiệm phở ở Q.Tân Bình, TP.HCM, có một số trẻ ở lứa tuổi tiểu học, THCS phụ giúp bưng bê, chúng tôi hỏi vợ chồng chủ tiệm thì được biết các cháu ở miền Bắc, gia đình bố mẹ khó khăn gửi vào phụ việc trước để kiếm sống, sau học nghề nấu phở.
Năm 2013, chúng tôi làm việc với TP.Cần Thơ thì nảy sinh vấn đề là một số thanh niên khám nghĩa vụ quân sự có trình độ học vấn chưa hết tiểu học, trong khi huyện đạt chuẩn về phổ cập giáo dục THCS. Đại diện Phòng GD-ĐT cho biết những thanh niên này theo bố mẹ đến Bình Dương làm ăn và bỏ học luôn. Một vài năm sau quay về quê và bị thất học.
Những câu chuyện vừa nêu trên hoàn toàn có thể thấy nhan nhản ở các thành phố lớn. Tại sao chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thuê lao động chưa hết THCS nhưng vẫn không bị xử phạt? Tại sao cha mẹ bắt con bỏ học từ tiểu học, gửi đến các thành phố lớn tham gia lao động mà vẫn không bị chính quyền can thiệp?
Bởi hiện nay chúng ta chưa có luật giáo dục bắt buộc mà chỉ mới thực hiện phổ cập giáo dục.
Phổ cập không phải là nền tảng vững chắc
Đến nay, VN đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác xóa mù chữ toàn diện. 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2014, năm 2010 phổ cập THCS mức độ 1 và đang tiến đến mức độ 2 và 3. Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục vẫn tạo ra một số bất cập nên nếu không thực hiện giáo dục bắt buộc sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực của VN.
Báo cáo kết quả điều tra dân số và nhà ở vào tháng 4.2014 cho thấy, dân số từ 15 tuổi trở lên đến 82,8% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 6,9% ĐH, 2,6% CĐ, 5,8% trung cấp và 1,8% sơ cấp. Chỉ số đào tạo và giáo dục bậc cao trong đánh giá chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015 cho thấy VN đứng thứ 95/140 là quá thấp (đứng thứ 7 trong các nước Đông Nam Á, chỉ cao hơn Lào, Campuchia và Myanmar).
Như vậy, phổ cập giáo dục THCS chưa thực sự tạo được nền móng vững chắc về giáo dục cơ bản cho mọi người (vẫn còn một tỷ lệ người dân chưa học hết THCS). Còn nếu áp dụng giáo dục bắt buộc miễn phí 9 năm sẽ đảm bảo nền tảng vững chắc về giáo dục cơ bản vì mọi người bắt buộc phải học ít nhất đến lớp 9, nếu không sẽ bị xử phạt.
Thí điểm từ các tỉnh thành lớn
Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư khóa 11 xác định là nâng cao chất lượng phổ cập, triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.
Lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT cũng như hiệu trưởng trường THCS cho rằng áp dụng giáo dục bắt buộc 9 năm miễn phí cấp THCS là rất tốt, đảm bảo mọi người được tiếp cận giáo dục, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà nước trợ cấp ăn học.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là về tài chính. Hiện nay ngân sách nhà nước cấp không đủ cho các trường hoạt động (chủ yếu là trả lương cho giáo viên), vì vậy các trường phải thu thêm học phí và các khoản khác. Mặt khác, trong tình hình hiện nay, chi cho giáo dục trong tổng chi ngân sách đạt 20% và so với GDP là 6,3% là quá cao nên ngân sách không thể cung cấp thêm để làm giáo dục bắt buộc.
Vì vậy, theo các nhà quản lý giáo dục, có thể có các giải pháp cho vấn đề này: Các tỉnh thành lập các quỹ hỗ trợ học phí, kêu gọi sự đóng góp của doanh nghiệp, các tổ chức và người dân có điều kiện. Quỹ này sẽ hỗ trợ cho phần thiếu hụt ngân sách cho các trường vì không thu học phí. Các tỉnh, thành phố trước mắt thu học phí theo mức thấp nhất theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ về quản lý thu, chi học phí, mở rộng diện miễn, giảm học phí. Dần dần khoản thu học phí cấp THCS là không đáng kể nữa và đến một lúc sẽ miễn phí. Các tỉnh có điều kiện phát triển về kinh tế, xã hội thực hiện lộ trình miễn học phí từng cấp lớp đối với THCS. Các tỉnh, thành phố xin mở rộng dần thí điểm miễn phí đối với cấp THCS và đến năm 2020 Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi luật Giáo dục hoặc ban hành luật riêng về giáo dục bắt buộc 9 năm.
TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng… có thu nhập bình quân đầu người cao, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển cần phải tiên phong, đột phá đi đầu trong việc từng bước triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm.
Cách làm này giống như việc bỏ thi tiểu học và THCS trước đây. Năm 2002, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên thí điểm bỏ thi tiểu học, lấy kết quả thi học kỳ 2 môn toán và văn - tiếng Việt để xét tốt nghiệp. Năm 2003 có 11 tỉnh xin thí điểm và năm 2004 có 40 tỉnh, thành xin thí điểm. Cuối năm 2004, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 11 ban hành Nghị quyết số 37 đồng ý bỏ thi tiểu học từ năm học 2004 - 2005. Năm 2005 sửa luật Giáo dục và bỏ thi luôn THCS.
Câu chuyện từ Singapore và các nước xung quanhTP.HCM đến năm 2015 có thu nhập bình quân đầu người đạt 5.538 USD... Thành phố đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 24/24 quận huyện phổ cập giáo dục trung học năm 2015. Nhưng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao cho thành phố, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, cần đảm bảo cho mọi người dân có nền tảng vững chắc đối với giáo dục cơ bản. Vấn đề của TP.HCM hiện nay cũng như Singapore cách đây hơn 15 năm. Vào thời điểm đó, hầu hết người dân Singapore đã được phổ cập trung học. Nhưng có một bộ phận trẻ em không được học ở trường công và chính phủ rất lo ngại số trẻ này không được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để trở thành những công dân có năng lực trong một nền kinh tế tri thức. Vì vậy, Ủy ban Giáo dục bắt buộc Singapore được thành lập năm 1999, xem xét đề xuất luật Giáo dục bắt buộc. Luật này được quốc hội thông qua tháng 10.2000. Theo đó, giáo dục ở Singapore là 10 năm (6 năm tiểu học và 4 năm THCS). Học sinh học ở các trường công miễn phí, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp đi học, cha mẹ có điều kiện không cho con đi học trong độ tuổi bắt buộc sẽ bị phạt tiền đến 5.000 USD hoặc phạt tù đến 1 năm. Nhờ vậy, chất lượng nguồn nhân lực của Singapore rất cao, chỉ số đào tạo và giáo dục bậc cao trong báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015 Singapore đứng thứ 1/140 nước. Nhà nước Nhật Bản sớm có chính sách giáo dục bắt buộc từ tiểu học. Nhờ chính sách này mà tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng tăng, đến năm 1910 đạt đến 97% và sau đó là gần 100%. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hiến pháp mới của Nhật Bản ra đời năm 1946 quy định giáo dục bắt buộc 9 năm. Đây chính là điều kiện để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần đưa nước Nhật trở thành một cường quốc trên thế giới. Trung Quốc ban hành luật Giáo dục bắt buộc 9 năm vào năm 1986 đảm bảo mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường đều có quyền được hưởng giáo dục. Luật Giáo dục bắt buộc có quy định: bất cứ tổ chức hay cá nhân nào thuê trẻ em chưa hoàn thành giáo dục 9 năm là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải thực hiện giáo dục bắt buộc đồng loạt; tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng mà có định hướng mục tiêu và lộ trình thực hiện phù hợp. |
Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/nen-som-thi-diem-mien-hoc-phi-thcs-707997.html