Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
Tin liên quan:
Các em bé vùng cao được chọn lọc tự nhiên
Ở Pả Vi nếu học sinh nghỉ học một hôm sẽ bị phạt 10.000 đồng. Nhưng có em vừa bỏ trường là theo về nhà chồng luôn...
Quy luật chọn lọc tự nhiên
Chúng tôi theo chân đoàn từ thiện báo Giáo dục Việt Nam lên điểm trường khó khăn bậc nhất của huyện Mèo Vạc – Hà Giang một ngày giữa đông. Hình ảnh đầu tiên bắt gặp là những cô bé, cậu bé chân trần trên đất, áo rách mong manh, còng lưng gùi bó củi, bó cây.
Lạ thay, cứ mỗi khi thấy ô tô đi qua, dù đang gùi nặng đến đâu chúng cũng đứng thẳng lên mà… vẫy tay chào đoàn xe. Những hình ảnh đáng yêu, đáng quý ấy chúng tôi chưa từng được cảm nhận ở nơi nào khác.
Điều làm đoàn từ thiện của chúng tôi day dứt là những đứa trẻ này còn đang tuổi cắp sách tới trường mà sao các em không có một tuổi thơ bình yên để học hành? Sao các em đã phải sớm vật lộn với cuộc sống, với thiên nhiên đến thế?
Khi bước chân vào cổng trường Tiểu học Pả Vi chúng tôi mới thấu hiểu một phần rất nhỏ hoàn cảnh, số phận của các em học trò này. Sáng thứ 2 đầu tuần, các em phải thức giấc từ 3h, 4h sáng, đi bộ vượt mấy ngọn đồi, trèo qua mấy quả núi. Trên lưng nhỏ bé của em nào là sách vở, quần áo nào là chút lương thực được gia đình tiếp tế.
Khu nội trú của trường có 99 em học sinh, thế mà cứ chiều thứ 6 lại vắng hoe. Học xong các em lại rồng rắn kéo nhau về bản. Rồi ngày thứ 7 hôm sau có khi thày trò lại giáp mặt nhau ngoài chợ với những mớ rau, bó củi trên lưng. Các em lại vượt đoạn đường tính bằng vài quả núi lên chợ huyện bán rau.
Thày giáo Đỗ Trung Dũng (người đã gắn bó với trường 5 năm nay) nghẹn ngào tâm sự rằng: Trẻ ở đây ngày học hai buổi. Những lúc rảnh rỗi hết giờ lên lớp, các em lại cùng thầy cô tăng gia sản xuất. Đất trên vùng cao nguyên núi đá này quý đúng như câu tấc đất tấc vàng ấy. Nên các em chia nhau mỗi người một mảnh nhỏ trồng vài cây rau giúp cải thiện bữa ăn. Nếu được tốt tươi, các em lại tranh thủ hái rau ra chợ bán. Đồng tiền ấy có lẽ chả là bao nhưng các em tự kiếm ra như vậy thấy đáng trân trọng quá.”
Thương lắm những hình hài nhỏ bé co ro trong những manh áo sờn màu đã lâu. Cơm ăn chẳng được no, cả tuần mới được cải thiện một bữa bằng mấy miếng thịt mỡ, một bữa cá mắm, còn lại cả tuần em chỉ ăn cơm với rau, với muối, hoặc sang thì được bát canh nấu mì tôm vụn.
Nước ở đây mùa này thiếu trầm trọng. Trường phải gồng mình chi 400.000 đồng cho 4 khối nước dùng tiết kiệm lắm. Các học trò cả tuần cũng không biết đến một giọt nước sinh hoạt là gì. Đồng nghĩa với cả tuần em không biết rửa tay, rửa chân, tắm gội, giặt giũ...
Khó khăn, thiếu thốn là thế vậy mà các em vẫn khỏe mạnh, rắn chắc như núi, như cây rừng vậy. Cô Nguyễn Thị Hương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Pả Vi) tâm sự rằng: “Các em từ bé đã được chọn lọc tự nhiên rồi. Khi còn ẵm ngửa chúng đã được bố mẹ tha ra nương, cho ngồi nghịch dưới những tán cây. Vì thế đứa nào mà qua được thì sức sinh tồn của em đó sẽ mạnh mẽ lắm.”
Người Mông ở đây bảo rằng: trời sinh voi sinh cỏ, trời không cho ta ăn cơm trắng thì ta ăn ngô hẩm, ăn rau đắng. Rằng sống trong đá quen rồi nên cũng chai thành đá, chống chọi lại với đá. Rồi sau này chết đi lại vùi trong đá, trở về với cát bụi.
Lớp 5 đã theo chồng bỏ cuộc chơi
Sức chịu đựng với thiên nhiên của học sinh Mèo Vạc cũng như mọi miền núi khác đều rất mạnh mẽ. Thế nhưng việc học hành thì chẳng mấy khi các em kiên trì. Hầu như các em đều nghĩ rằng mình không cần học nhiều, mà về nhà lên nương giúp bố mẹ. Rồi hủ tục tảo hôn khiến sự học của các em càng dang dở.
Có nhiều em còn đang học lớp 5 đã “theo chồng bỏ cuộc chơi. Thày Trung Dũng bảo rằng: ở cấp hai, thầy cô không chỉ có nhiệm vụ dạy chữ cho các em, mà còn phải vượt rừng vào tận thôn bản để “đòi” học sinh. Tình trạng các em học sinh cấp 2 nghỉ học là rất phổ biến. Thày cô phải đi thuyết phục, năn nỉ bố mẹ và các em đến khản cả cổ.”
Có những em bé lớp 5 đã bỏ học lấy chồng
Để đảm bảo phổ cập giáo dục tiểu học nên trường phối hợp với thôn bản thực hiện quy định phạt 10.000 đồng/học sinh/lần nghỉ. Số tiền ấy là không nhỏ đối với những gia đình nơi xóm núi này.
“Các em cũng chỉ nghĩ rằng nghỉ học ở nhà để đi nương kiếm củi, tra ngô phụ thêm cho bố mẹ, nhưng cũng chẳng đủ tiền để mà nộp phạt nên các em vẫn được ở lại trường, học thêm được cái chữ” – thầy Dũng chia sẻ.
Vì vậy số học sinh cấp 1 bỏ học ở huyện Mèo Vạc là rất hiếm. Tuy nhiên với những trường hợp các em nữ sinh bỏ học về nhà là lấy chồng luôn thì nhà trường cũng đành “bó tay”.
Thày Dũng kể: “Tình trạng tảo hôn ở miền núi không phải là hiếm. Có trường hợp học sinh nữ lớp 5 vừa mới tuần này đi học bình thường, cuối tuần về nhà lấy chồng và ở nhà luôn. Với những trường hợp đó thì các thầy cô cũng không còn cách nào khác.”
Thế là cuộc sống quẩn quanh lại đeo bám lấy đôi chân trần của các em. Rồi 1 năm nữa sẽ có một đứa trẻ ra đời, mong manh trong tấm áo rách sờn. Nó sẽ bò nghịch nơi trên nương ngô giữa giá rét của đại ngàn Hà Giang…
Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế
Kenhtuyensinh (giaoduc.net.vn)
Bài: Nạn Tảo hôn ở Pả Vì