Cứ mỗi năm học sinh lớp 1 tựu trường, phụ huynh lại phải đóng những khoản "tự nguyện" như mua sắm máy lạnh, máy chiếu. Vậy năm nào cũng mua mới, những máy cũ sẽ đi về đâu?
> Áp lực chọn trường cho con, trường điểm hay trường thường?
> Mong con không phải cắm mặt vào sách vở mà được học nhiều kỹ năng hơn
Những ngày qua, có rất nhiều thông tin phản ánh của phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP HCM) về việc phụ huynh đóng góp lắp điều hòa không khí cho các bé lớp 1 thì nhà trường cho biết không được sử dụng hết 5 năm học mà kết thúc năm học lớp 1 sẽ thuộc tài sản chung của nhà trường, trường toàn quyền xử lý.
Trường Tiểu học Đống Đa (Bình Thạnh, TP. HCM) bị phụ huynh phản ánh về việc đóng góp tiền mua máy điều hòa, máy chiếu hàng năm cho học sinh lớp 1
Máy lạnh năm trước đang ở đâu?
Tình trạng này cũng đã xảy ra với lớp 1 năm trước, có phụ huynh đã đến yêu cầu trường tháo máy điều hòa mang theo phòng học của con nhưng trường từ chối. Điều phụ huynh thắc mắc là cứ lớp 1 vào lại phải trang bị điều hòa mới vậy điều hòa năm trước (5 lớp, mỗi lớp 2 cái) đã biến đi đâu?
Một phụ huynh phản ánh, phụ huynh của lớp 1 đã thống nhất lắp máy lạnh tốt cho con với yêu cầu con được sử dụng trong vòng 5 năm. Khi các bé ra trường thì 2 điều hòa đó sẽ thuộc về nhà trường. Tuy nhiên, hiệu trưởng không đồng ý với lý do không thể gỡ máy lạnh đi theo 5 năm học của các em vì sẽ ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của nhà trường.
Đáng chú ý, nhà trường yêu cầu phụ huynh phải cam kết sau khi thực hiện lắp điều hòa xong thì đây sẽ là tài sản chung của nhà trường. Nhà trường sẽ có toàn quyền bố trí, sắp xếp để việc sử dụng điều hòa đúng với mục đích phục vụ tốt cho học sinh. Bản cam kết lắp điều hòa là tự nguyện và do phụ huynh trình lên ban giám hiệu nhưng thực chất phụ huynh bị ép buộc với những điều khoản trong bản cam kết do nhà trường soạn thảo. Vì sợ nhà trường không cho lắp nữa nên phụ huynh đã đồng ý ký vào cam kết lắp 2 cái điều hòa với giá 15 triệu đồng/lớp.
Chị Thanh, phụ huynh một trường tiểu học tại quận 2, TP HCM cũng phản ánh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm mới đây, nhà trường thông báo học sinh bậc tiểu học không phải đóng học phí và tiền cơ sở vật chất. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm của lớp cho biết riêng mục cơ sở vật chất bán trú phải lấy ý kiến phụ huynh, đó là có nên lắp mỗi lớp 2 máy lạnh, máy chiếu, lót sàn gỗ cho mỗi lớp hay không? Nếu phụ huynh đồng ý thì mức đóng góp đề xuất bao nhiêu? Theo chị Thanh, từ đây nảy ra cuộc tranh luận giữa 30 phụ huynh trong lớp, có người đồng ý và ngược lại. Sau cùng, mức đóng góp được đưa ra là 3 triệu đồng/người với cam kết là năm học sau học sinh vẫn được học tại lớp cũ và tiền bảo trì, sửa chữa do phụ huynh đóng thêm. "Như vậy, tính thêm khoản tổ chức phục vụ bán trú là 250.000 đồng/tháng và các khoản không tên khác, mỗi phụ huynh đầu năm đóng khoảng 5 triệu đồng" - chị Thanh tính toán.
Nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Tráng Việt B (huyện Mê Linh, Hà Nội) những ngày qua cũng rất bức xúc vì phải đóng nhiều khoản tiền đầu năm không đúng quy định. Theo phản ánh của các phụ huynh, vào đầu năm học, mỗi phụ huynh có con vào lớp 1 tại trường đóng 900.000 đồng phí điều hòa; 600.000 đồng phí máy chiếu; 500.000 đồng thiết bị bán trú (riêng thiết bị bán trú đóng 5 năm). Theo hóa đơn, tiền chi cho việc mua và lắp điều hòa cho 1 phòng học khoảng 24 triệu đồng song số tiền các phụ huynh phải đóng lên khoảng 36 triệu đồng, cao hơn nhiều so với thực tế.
Thêm vào đó, nhiều phụ huynh phản ánh thiết bị máy chiếu đã được học sinh các lớp tốt nghiệp 3 năm trước để lại nên nhà trường không phải lắp đặt đồ mới. Nhưng 3 năm nay, học sinh lớp 1 nào vào trường cũng phải đóng ngay từ thời điểm học hè. Riêng năm học này, có 3 chiếc máy chiếu bị hỏng nên mới phải thay.
Nhiều phụ huynh cũng cho hay thêm các cháu ở trường phản ánh thời gian các cô sử dụng máy chiếu để giảng dạy rất ít, thậm chí không sử dụng, trong khi lớp nào cũng trang bị máy chiếu. Những bức xúc của các phụ huynh đã được phản ánh tới lãnh đạo huyện Mê Linh, Hà Nội.
Có thật sự là "tự nguyện"?
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa, cho rằng việc lắp điều hòa là tự nguyện của mỗi phụ huynh, nhà trường không thu tiền và không gợi ý. Nhà trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), phụ huynh lớp nào muốn con mát hơn thì lắp thêm điều hòa vì mỗi lớp của trường dao động từ 45 đến 56 em, vào những tháng nóng sẽ rất khó để tất cả các em được mát mẻ.
"Phụ huynh muốn lắp máy điều hòa thì phải cam kết với nhà trường để nhà trường toàn quyền quản lý, trường phải cân nhắc mang những điều hòa đó vào phục vụ chung cho tập thể chứ không thể phục vụ riêng cho cá nhân nào. Phụ huynh cần nghĩ sâu hơn chứ không thể thiển cận như vậy, nếu phụ huynh yêu cầu máy điều hòa phải đi theo con suốt 5 năm thì mời lên đem máy về nhà chứ trường không đồng ý" - bà Trang nói.
Cũng theo bà Trang, máy điều hòa năm trước trường đã mang lên những phòng học có máy cũ để thay thế, những máy điều hòa cũ thì trường sẽ thanh lý. Về những khoản thu khác để trang trí lớp học, nhà trường cũng đã quán triệt với giáo viên chủ nhiệm, chỉ để hội phụ huynh thu những khoản nằm trong khả năng cho phép.
Bà Trang cũng khẳng định việc lắp máy điều hòa và nhà trường toàn quyền quản lý, sử dụng là phù hợp với Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh và Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT về việc nhận tài trợ cho cơ sở giáo dục, bởi nhà trường chỉ nhận hiện vật là điều hòa chứ không nhận hiện kim hay tiền bạc và trên tinh thần phụ huynh tự nguyện, nhà trường không lạm thu trong giáo dục.
Trả lời báo chí, ông Lê Việt Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tráng Việt B (Mê Linh), cho biết việc thu tiền mua máy điều hòa và máy chiếu là do ban phụ huynh các lớp thống nhất rồi thu.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho hay sau khi làm việc với nhà trường và lắng nghe phản ánh của các phụ huynh, huyện Mê Linh đã yêu cầu nhà trường giải trình rõ về các khoản đóng góp này cũng như làm rõ việc huy động tiền mua máy điều hòa và máy chiếu là ép buộc hay tự nguyện. "Quy trình mua máy điều hòa, máy chiếu của trường chưa thật công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường. UBND huyện sẽ xác minh, nếu các phụ huynh không đồng thuận thì sẽ trả lại tiền" - ông Tuấn nói. Đến thời điểm này, lãnh đạo Trường Tiểu học Tráng Việt B đã yêu cầu ban phụ huynh phải trả lại số tiền đã thu để mua máy chiếu và máy điều hòa.
Xử lý nghiêm ngặt khi có trường hợp lạm thu
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết ngay từ đầu năm học 2019-2020, Hà Nội đã tập trung quản lý tốt vấn đề thu chi. Năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội không đi kiểm tra theo các đoàn như mọi năm mà khi phát hiện trường nào để xảy ra lạm thu thì sẽ xử lý nghiêm. Cũng theo ông Quang, tất cả các nội dung thông tin về thu chi của nhà trường cần công khai, minh bạch. Với những trường để xảy ra lạm thu, nhằm bảo đảm quyền lợi của cha mẹ học sinh, trước hết Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ yêu cầu trường phải trả lại cho học sinh những khoản thu sai. Sở sẽ xử lý nghiêm theo quy định và không loại trừ một trường hợp sai phạm nào.
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, nghiêm cấm các trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Trong đó, ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện. Không thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Theo Người Lao Động