Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường
15 trưởng phó phòng GD-ĐT các quận huyện, thị xã và 5 phó giám đốc thuộc sở GD-ĐT Hà Nội làm trưởng đoàn thanh tra thu chi đầu năm. Năm nay, hiệu trưởng hay giáo viên để xảy ra tình trạng lạm thu sẽ phải chịu kỷ luật nặng.
Năm 2012 Hà Nội chỉ có 6 đoàn thanh kiểm tra. Sang năm 2013, lãnh đạo ngành giáo dục thủ đô quyết định thành lập 20 đoàn thanh kiểm tra công tác thu chi đầu năm trên toàn bộ 29 quận, huyện, thị xã.
Hà Nội kỷ luật nặng lạm thu trong nhà trường
Trưởng các đoàn thanh kiểm tra là 15 trưởng phó phòng GD-ĐT cùng 5 phó giám đốc của sở.
Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: "Sở đã họp với Trưởng phòng GD-ĐT của 29 quận, huyện, thị xã để phổ biến cụ thể về vấn đề này, yêu cầu các nhà trường ký cam kết thực hiện thu - chi theo đúng quy định, tuyệt đối không thu sai, nếu vi phạm sẽ phải chịu kỷ luật nặng".
GĐ Nguyễn Hữu Độ lưu ý: “Công tác thanh tra cần có sự bàn bạc để tránh rối loạn hoạt động nhà trường khi đoàn xuống kiểm tra. Cần chú trọng nguyên tắc thanh tra. Thanh tra phải như cái phanh, không phải làm cho xe chậm lại mà để cho người điều khiển thấy yên tâm, đi nhanh hơn Thanh tra phải làm cho giáo dục tốt lên, làm cho dân tin chúng ta hơn”.
Trước một số lo ngại của phụ huynh học sinh về các khoản thu chi đầu năm, ông Độ cho biết: “Sở nhận thức đây là vấn đề được nhân dân hết sức quan tâm. Đầu năm sở đã thành lập 20 đoàn thanh kiểm tra chỉ đạo quyết liệt công tác thu chi. Nơi nào đã kí cam kết mà vẫn để xảy ra sai phạm sẽ xử lí nghiêm khắc.
Hiện nay sở cũng đã có các văn bản cụ thể quy định rõ các khoản thu hộ, thu thỏa thuận và thu tự nguyện. Về khoản thu tự nguyện phải đảm bảo công khai, minh bạch. Quan trọng là nhà trường phải để phụ huynh thấy rõ việc huy động nguồn trong ngoài nhà nước là chăm lo cho giáo dục và thu thêm người hưởng lợi là học trò”.
Bản thân vị giám đốc mong mỏi tập thể hay cá nhân chỉ ra những sai phạm thu chi của các trường và khẳng định: "Việc bảo vệ danh tính cho người tố cáo sai phạm (nếu đúng) là trách nhiệm của không riêng ngành giáo dục".
“Tại sao nhân dân phải viết đơn? Vì họ chưa hiểu hoặc vì oan. Do đó phải tăng cường đối thoại. Nếu người dân chưa hiểu phải giải thích cho họ hiểu. Nếu có oan phải trả lại trong sạch cho họ. Nếu mình sai phải thẳng thắn thừa nhận và sửa; không sai phải giải thích để dân hiểu mình” - lời ông Độ.
Theo Văn Chung, VNN