Để ngăn chặn tình trạng lạm thu tại một số trường học, các địa phương nên quy định công khai, rõ ràng và minh bạch về các khoản được thu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Một trường tại Sóc Trăng thu phí ôn thi tốt nghiệp 2022 thiếu minh bạch

Một trường tại Sóc Trăng thu phí ôn thi tốt nghiệp 2022 thiếu minh bạch

Tại TP Sóc Trăng, trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương đã thông báo thu phí ôn thi của các học sinh lớp 12 gần 800.000 VNĐ

1. Đặc biệt xử lý nghiêm các sai phạm về thu chi…

Chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2022 - 2023 của thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm các sai phạm trong các đơn vị giáo dục trên địa bàn. “Đặc biệt, các sai phạm về thu, chi, dạy hêm, học thêm, vi phạm đạo đức nhà giáo”, chỉ thị nêu.

Từ nhiều năm gần đây, Sở GD-ĐT Hà Nội đều nhắc lại yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.

Sở GD-ĐT Hà Nội quy định có 7 khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu, cụ thể: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất...

Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các nhà trường khi thu tiền của người học phải trả chứng từ thu kịp thời, đầy đủ, đúng quy định; tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền.

Bên cạnh đó, nhà trường cần quan tâm, thực hiện các chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các chế độ khác cho học sinh theo quy định, đặc biệt là với những học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tuyệt đối không được để học sinh vì gia đình khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học. Các nhà trường cũng cần lưu ý thực hiện việc giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm.

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi, tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Các tỉnh thành nên ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học bằng cách nào? - Ảnh 1

Các tỉnh thành nên ngăn chặn tình trạng lạm thu trong trường học bằng cách nào?

2. Quy định rõ từng khoản thu, mức thu

Sở GD-ĐT Nam Định vừa có hướng dẫn chi tiết các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2022 - 2023.

Ví dụ, tiền nước uống cho học sinh các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX có mức thu tối đa 10.000 đồng/tháng, thu theo số tháng thực học, thời gian thực hiện không quá 10 tháng/năm học.

Khoản thu dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có mức thu tối đa 18.000 đồng/tháng, thu theo số tháng thực học, thời gian thực hiện không quá 10 tháng/năm học. Khoản thu trên được dùng để trả cho người lao động thực hiện vệ sinh phòng học, nhà vệ sinh học sinh. Gồm tiền công thuê người làm vệ sinh, công cụ, dụng cụ lao động, hoá chất.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Nam Định quy định các khoản thu dịch vụ như chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè: 30.000 đồng/ngày. Dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học là 4.000 đồng/học sinh/tiết với nông thôn và 5.000 đồng/học sinh/tiết với thành phố.

Dạy thêm, học thêm các môn văn hoá (kể cả dạy trực tuyến); dạy kỹ năng sống trong các trường THCS quy định: nông thôn thu 4.000 đồng/học sinh/tiết; thành phố thu 5.000 đồng/học sinh/tiết. Với các trường THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN - GDTX thu 5.000 đồng/học sinh/tiết ở nông thôn; còn ở thành phố thu 6.000 đồng/học sinh/tiết.

Cơ sở giáo dục tổ chức học, nuôi ăn bán trú cho học sinh. Tiền trả công thuê người nấu ăn bán trú đối với các cấp học có mức thu tối đa: 100.000 đồng/tháng. Thu theo số tháng thực tế nuôi ăn bán trú. Khoản thu trên được dùng để thuê người nấu ăn, phục vụ nuôi ăn bán trú và các khoản đóng góp bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Tiền quản lý, chăm sóc trẻ buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính đối với trường mầm non và tiểu học: mức thu tối đa: 6.000 đồng/ngày. Thu theo ngày thực tế nuôi ăn bán trú. Khoản thu trên được dùng để chi trả cho giáo viên trực tiếp chăm sóc, công tác quản lý buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính.

Tiền đóng góp lần đầu tiên phục vụ nuôi ăn bán trú nhà trẻ, mẫu giáo và các cấp học mua mới, mua bổ sung (chăn, gối, đệm, giường, tiền mua dụng cụ nhà bếp ăn bán trú... thực hiện theo nguyên tắc thu đủ chi) do cơ sở giáo dục thoả thuận với cha mẹ học sinh để quy định. Thực hiện theo năm học, thu thực tế theo trẻ tham gia ăn bán trú...

Sở GD-ĐT Ninh Bình yêu cầu đối với mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục, các cơ sở giáo dục phải xây dựng dự toán thu, chi đồng thời tổ chức công khai, thống nhất và thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh làm căn cứ triển khai thực hiện.

Cắt giảm tối đa các chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa thực sự cấp bách và cần thiết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu’’ đầu năm học. Phân kỳ các khoản thu hợp lý trong năm học để phù hợp với khả năng đóng nộp của học sinh và cha mẹ học sinh.

Phòng GD-ĐT có trách nhiệm tổng hợp các khoản thu đầu năm học báo cáo UBND các huyện, thành phố và sở GD-ĐT trước ngày 1.10. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện các khoản thu chi năm học 2022 - 2023.

Sở GD-ĐT Đắk Lắk cũng ban hành văn bản hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học này.

Văn bản cũng hướng dẫn chi tiết cho từng khoản thu, kể cả thu hộ; quy định mức chi và khấu trừ đối với các khoản. Nếu thủ trưởng các đơn vị tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

> Học sinh tại Nghệ An đã trở lại trường sau một tuần bị ngăn cản vì sáp nhập

> Một số thí sinh đăng ký nhầm phương thức xét tuyển đại học 2022

Theo Báo Thanh Niên