Một số lưu ý đơn giản dưới đây có thể giúp cho học sinh, sinh viên tiết kiệm đáng kể và sử dụng hiệu quả thời gian học tập.
1. Đừng làm nhiều việc cùng lúc
Các chuyên gia về giáo dục đã chỉ ra rằng những người cùng một lúc làm nhiều việc thì không thể hiệu quả bằng người chỉ chuyên tâm làm một việc.
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có người cùng lúc làm tốt nhiều công việc nhưng con số này không nhiều.
Đơn giản là họ có khả năng nhanh chóng chuyển đổi sự tập trung sang những công việc khác nhau. Ở mỗi công việc, họ đều chuyên tâm thực hiện. Vấn đề mấu chốt vẫn là mỗi cá nhân phải rèn luyện khả năng tập trung.
Nếu khả năng tập trung không cao, bạn chỉ nên tập trung làm một việc duy nhất và hoàn thành dứt điểm rồi mới làm việc khác. Tránh để tình trạng một lúc còn nhiều thứ đang dở dang, không hiệu quả mà còn tốn thì giờ.
2. Hạn chế sử dụng nhiều ngăn kéo
Nghe có vẻ không được nề nếp, song những người có trí nhớ không tốt thì nên hạn chế để đồ đạc trong những chiếc tủ nhiều ngăn kéo.
Cảnh tượng mỗi lần cần tìm một tài liệu nào đó, bạn phải lần lượt hết ngăn kéo này đến ngăn kéo khác sẽ rất tốn kém thời gian và dễ làm bạn sinh ra cáu giận, bực bội trong người.
Hãy để đồ đạc gọn gàng trên các kệ, bàn nằm trong tầm quan sát của bạn. Dùng xong, bạn phải cất món đồ đó vào chỗ cũ.
3. Dọn dẹp gọn gàng chỗ ở
Điều này không chỉ đảm bảo cho bạn môi trường sống và học tập trong lành, nó hạn chế việc đồ đạc chồng chất, che khuất lẫn nhau.
Mỗi lần tìm một vật gì, y rằng, cảnh tượng “đào bới”, ném vứt tung tóe đồ đạc là không thể tránh khỏi. Căn phòng đã bừa bộn lại càng bừa bộn hơn sau mỗi lần tìm kiếm mất thì giờ.
4. Tránh xa các thiết bị giải trí trong khi học
Các bạn học sinh, sinh viên hiện nay đang sống trong thời đại công nghệ số và rất dễ dàng tiếp cận với các thiết bị giải trí như ti vi, internet và điện thoại thông minh.
Nhiều người cảm thấy bản thân sẽ bức bối, khó chịu nếu sống trong một không gian tĩnh lặng mà trong tay không có bất kì thứ gì như máy tính hoặc điện thoại.
Tuy nhiên, qua thời gian, khoa học chứng minh rằng bất kì âm thanh nào lọt vào tai hay một chuyển động nào mà mắt thấy cũng làm cho con người bị phân tâm. Thậm chí, quan niệm âm nhạc cổ điển giúp con người tăng cao khả năng tập trung cũng đã bị khoa học bác bỏ.
Không tập trung tuyệt đối vào học tập chỉ làm tốn thời gian và không thể đạt kết quả cao. Nhiều học sinh không có tính tự giác có thể ngồi từ sáng tới tận tối và loay hoạy trong một mớ bài tập, chẳng giải quyết dứt điểm được bài nào. Thay vào đó, hãy hoàn thành việc học thật chú tâm rồi hẵng nghĩ tới những thú vui chơi.
5. Không để sự mệt mỏi kéo dài
Điều tồi tệ nhất với những người luôn muốn tiết kiệm thời gian đó là sự mệt mỏi đang len lỏi trong cơ thể họ.
Trong khi bạn đang muốn nhanh chóng làm cho xong bài tập hay việc nhà nhưng cơ thể lại trở nên trì trệ, đình công.
Đừng quá tham công, tiếc việc, bạn hãy dành hẳn ra 1 tiếng đồng hồ để ngủ một giấc. Sau khi thức dậy, cơ thể sẽ thực sự được làm mới, sảng khoái và cho năng suất học tập, lao động cao và nhanh hơn.
So sánh cảm giác cố gắng chịu đựng để tiếp tục học với cảm giác học tập sau một giấc ngủ thoải mái, bạn sẽ thấy mình hoàn toàn không nên đối xử tệ với sức khỏe của chính mình.
6. Tự tạo áp lực thời gian
Cảm giác bị áp lực thời gian sẽ góp phần hối thúc bạn hoàn thành các bài tập một cách nhanh chóng. Mặc dù bước đầu không thể đánh giá được hiệu quả học tập, nhưng ít nhất, bạn đã giảm thiểu được đáng kể thời gian rảnh rỗi vô nghĩa.
Cụ thể, bạn có thể sử dụng các phương tiện sau và biến chúng thành đồng hồ đếm ngược hoặc lịch làm việc như điện thoại di động, đồng hồ báo thức, sổ tay hoặc các ứng dụng trên máy tính.
Nếu bạn đang có một bài luận nhàm chán cần viết, bạn hãy chia đều dung lượng và đặt ra một định mức thời gian để hoàn thành từng chút một. Ví dụ, cứ mỗi 40 phút lại viết thêm 10 câu trong bài luận. Bạn không thể biết được hiệu quả bài luận đến đâu nhưng ít nhất bạn đã tự khiến bản thân mình kỉ luật hơn, hoàn thành công việc sớm hơn và quan trọng nhất là không để thời gian rảnh rỗi trôi qua vô nghĩa.
7. Điều đó có thực sự cần thiết không?
Một điều rất kì lạ mà con người không để ý là đôi khi họ bỏ thời gian ra làm những việc không cần thiết nhiều hơn là những việc quan trọng.
Ví dụ, trong mùa thi, bạn dành nhiều thời gian lên mạng xã hội, đi hội chợ, đến buổi công chiếu phim hay thậm chí là thức trắng đêm để xem phim hoặc đọc truyện. Trong khi việc ôn tập trong giai đoạn đó đáng được ưu tiên nhất và những việc kể trên thì đều có thể thực hiện sau cũng không muộn.
Vấn đề ở đây là mỗi cá nhân phải tự biết ý thức và đánh giá tầm quan trọng, cần thiết giữa những việc phải làm. Từ đó, bạn mới biết cái gì làm trước làm sau.
8. Học thêm những mẹo vặt
Với một bài thi đọc môn tiếng Anh, nếu bạn học được kĩ năng đọc và một số mẹo vặt thì sẽ tốn ít thời gian hơn.
Ví dụ, nếu không có kĩ năng đọc, bạn sẽ đọc kĩ từng câu từ và đến khi chuẩn bị đọc câu hỏi để trả lời thì thời gian thi đã hết.
Cũng bài thi đó, có những người chỉ đọc lướt thật nhanh để nắm nội dung chính, khoanh vùng và tìm từ khóa quan trọng để trả lời câu hỏi. Ngoài ra, một số khác thì chọn cách đọc toàn bộ câu hỏi trước rồi mới đọc phần nội dung và dừng lại trả lời ở phần nội dung có chứa đáp án.
Hiện tại, trên mạng có rất nhiều những bài chia sẻ kinh nghiệm, mẹo vặt để đơn giản hóa một số vấn đề như đọc nhanh, nghe chính xác, nói trôi chảy hoặc phương pháp cải thiện trí nhớ. Bạn hoàn toàn có thể tự tham khảo, học tập và tìm ra những phương pháp riêng phù hợp với mình.
9. Sử dụng thành thục một số tổ hợp phím tắt
Với những dự án, bài thi khiến bạn phải sử dụng máy vi tính liên tục, việc sử dụng thành thục tổ hợp phím tắt trực tiếp trên bàn phím sẽ giúp bạn tiết kiệm được đáng kể thời gian.
Ví dụ, CTRL+A (chọn tất cả), CTRL+X (cut), CTRL+C (sao chép), CTRL+V (dán), CTRL+I (chữ in nghiêng), CTRL+B (tô đậm chữ), CTRL+U (gạch dưới chữ)…
Theo Tuổi trẻ Online