GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | HỌC ĐƯỜNG

Dư luận đang xôn xao chuyện hai nhà văn từ chối giải thưởng của Hội Nhà văn VN. Một nhà phê bình lên án gay gắt đề nghị phế truất giải thưởng tập thơ vì… đạo văn. Còn ở khối văn hóa - nghệ thuật mùa tuyển sinh năm nay, môn văn bị “đuổi” khỏi đề thi khiến nhà thơ Trần Đăng Khoa bức xúc.

Cơm áo không đùa với khách thơ

Dường như giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm nào cũng gây sóng gió dư luận. Chuyện dạy văn và học văn ở bậc phổ thông cũng không kém phần… bão tố.

Câu chuyện thứ nhất đã có lời giải. Hai nhà văn đã “trình bày” rõ lý do từ chối: Lý do đơn giản- mà ai cũng thấy- là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là văn học.

 

mon ngu van, xet tuyen, tuyne sinh, thong tin tuyen sinh, mon nang khieu, lo luyen thi, nguoi lao dong

 

Câu chuyện thứ hai: Bộ đã quyết định đối với khối nghệ thuật không phải thi môn văn, chỉ xét điểm văn thi tốt nghiệp và điểm ba năm học THPT. Các trường có lý khi đề nghị không thi môn văn vì có những thí sinh điểm văn thì cao ngất, trong khi điểm năng khiếu lại thấp. Tuy nhiên, tổng điểm của thí sinh lại đủ nhập học. Trong khi môn văn ở bậc học phổ thông… ai cũng hiểu chất lượng dạy và học như thế nào. Ngoài thí sinh khối C, D thì 100% học môn văn chỉ để… thi tốt nghiệp. Có sinh viên báo chí tham gia trò chơi truyền hình đã không trả lời nổi câu hỏi về tên thật của Kim Đồng, cũng “tậm tịt” khi được hỏi địa danh trong câu thơ “Chùa Tân Thạnh năm canh ưng đóng lạnh” thuộc địa phương nào. Câu thơ nổi tiếng “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành” cũng không biết của nhà thơ nào.

Nhưng nhà thơ Trần Đăng Khoa không đồng ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông viết: “Đuổi văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường thuộc khối văn hóa- nghệ thuật là cách tiêu diệt môn văn một cách hữu hiệu nhất. Không thi thì không học. Ở ta vẫn như vậy. Đấy là lý do vì sao hai môn văn và sử lại chiếm tỉ lệ điểm kém cao đến vậy trong các kỳ thi. Nhiều bài văn của học trò khiến công luận dở cười dở khóc. Nhiều năm trong kỳ thi, có hàng ngàn thí sinh bị điểm 0 về sử…”.

Sau khi viện dẫn tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi khối C, có nơi ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm chưa đến 2%..., nhà thơ đã quả quyết: Và “cách giải quyết” mới nhất là loại văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa, nghệ thuật. Với cách hành xử như vậy thì các em học sinh không bỏ văn mới là chuyện lạ (?).

Không chỉ nhà thơ mà cả xã hội cũng như những người làm công tác giáo dục rất trăn trở trước thực trạng là khối C đang bị học sinh xa lánh; nhưng để tìm ra câu trả lời thì vẫn chỉ là… nguyên nhân và thực trạng.

Vẫn biết, văn học là nhân học. Dạy văn là dạy người; nhưng chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn lại “chặng đường” dạy và học văn của bậc học phổ thông (từ chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy và học) thì sẽ có cái nhìn, đánh giá một cách khách quan.Vì sao ban C đến “nông nỗi” này?

Đề án phân ban ở bậc THPT đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm rồi lại ngừng, lại thí điểm nhưng vẫn không thành công. Không có học sinh đăng ký học, buộc bộ phải “cân đối” bằng cách “đẻ” thêm ban cơ bản để đáp ứng nhu cầu của học sinh.

Vì sao thí sinh không lựa chọn ban C?  “Người trong cuộc” lý giải trên diễn đàn rằng vì ít ngành học, đầu ra rất khó xin việc. Chỉ có những học sinh có năng khiếu mới đủ can đảm để lựa chọn theo học khối này. Cuộc sống mưu sinh buộc người học phải lựa chọn,  “cơm áo không đùa với khách thơ”. Điều đó đã được chứng minh, trong khi khối C thì èo uột thí sinh thì ngược lại, các ngành quản trị kinh doanh - tài chính ngân hàng thì trường trường đều mở, thí sinh nộp đơn đông như “trẩy hội”. Tuyển sinh năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải giảm  chỉ tiêu  những ngành học “thời thượng” này.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"

Nguyên nhân nào dẫn môn văn bị “tiêu diệt”?

Đầu tháng 1 vừa qua, hội thảo quốc gia về dạy và học môn văn đã bộc lộ rõ nguyên nhân vì sao học sinh lại chán môn văn. Nhóm nghiên cứu báo cáo tại hội thảo đã tìm ra câu trả lời sau khi khảo sát 3.085 bài văn của học sinh 15 trường (THCS, THPT của trường chuyên, dân lập, trên địa bàn nông thôn và thành phố) có đến 75% số bài văn ở bậc THPT; 58,1% số bài ở bậc THCS đạt điểm khá, giỏi. Con số này nói lên điều gì; có trái ngược với sự trăn trở của nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng như sự lo lắng của xã hội?

Nhà giáo Dương Phương Hồng (Trường THPT Lê Trực - Kiên Giang) đã chỉ ra: Trên thị trường sách có quá nhiều sách học tốt môn ngữ văn, trả lời sẵn các câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài của SGK. Khi được hỏi, các em trả lời đúng y sì trong sách hướng dẫn. Lớp có 40 em thì có 40 câu trả lời giống nhau.

Bài văn mẫu ai viết? Người thầy. Lớp 2 đã có bài văn mẫu. Muốn bài văn hay, được điểm tốt thì chỉ có học thuộc lòng. Năm 2006, dư luận đã bất ngờ về bài văn dự thi vào Đại học Đà Nẵng được điểm 10. Khi bài văn được đưa trên phương tiện truyền thông thì “bí quyết” học giỏi môn văn của thí sinh này đã bị  phát hiện giống hệt bài văn mẫu in trong cuốn “Kiến thức cơ bản văn học 12”. Hội đồng tuyển sinh đã bị đặt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhận định thí sinh này không có lỗi, không vi phạm quy chế tuyển sinh nên vẫn phải công nhận điểm cho thí sinh.

Ông Trần Phò - giáo viên văn (TPHCM)- nói rằng: Tôi không trách học sinh làm bài giống y trong sách. Điều tôi bức xúc là cách ra đề thi và chấm thi bao năm nay vẫn như cũ. Đó là cách đánh giá đầy mâu thuẫn và nguy hiểm. Nó đẻ ra hàng loạt người “giỏi mà không giỏi” và ngược lại. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hà (khoa Văn, ĐH Sư phạm TPHCM) bày tỏ: Trong trường hợp này thí sinh chỉ là nạn nhân… Lỗi ở đây thuộc về cách ra đề thi, cách dạy và học đã tồn tại nhiều năm nay. Theo tôi, cần thay đổi ngay cách ra đề thi, không thể học gì thi nấy, năm nào cũng chỉ có bấy nhiêu bài. Đến người ra đề cũng chán ngấy chứ đừng nói gì đến gợi cảm hứng cho thí sinh.

Nhà giáo Nguyễn Hà (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM) thì chỉ ra một bất cập: Với đáp án chi ly, chính xác từ 15 - 20 cột điểm, giám khảo thành những "thợ chấm", “máy chấm” vô hồn. Giám khảo không chỉ ngán ngẩm vì đọc quá nhiều bài na ná nhau rút ra từ bộ đề, sách văn mẫu, mà còn vật vã với những phép cộng, phép chia tới hai số lẻ, thì còn đâu hứng thú hay chấm với "con mắt xanh".

Thầy và trò dạy và học văn đều đi đến mục đích: Đáp ứng cho thi cử. PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nam (khoa Sư phạm-ĐH Cần Thơ) “cay đắng”: Với cách thi cử, đánh giá như hiện nay thì học sinh chỉ có một cách hiểu duy nhất với những tác phẩm được giảng dạy trong trường phổ thông. Vì vậy các em chán học văn là tất yếu.

Thầy “văn” cũng không mấy còn nhiệt huyết, PGS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và đào tạo)- “tiết lộ”: Tất cả tổ phương pháp văn trong các khoa văn trường sư phạm trên cả nước đều là tổ yếu nhất. Trong khi lẽ ra ở đó phải quy tụ những người giỏi nhất mới đào tạo được đội ngũ làm nghề cho ra nghề.

Phải chăng đây cũng là nguyên nhân sâu xa mà các trường nghệ thuật đặt nặng điểm thi năng khiếu và việc xét điểm thi văn tốt nghiệp và điểm ba năm học có phần “xác đáng” hơn, chứ không phải “đuổi” môn văn khỏi kỳ thi.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Lao Động