Môn học kỹ năng sống đã thật sự hiệu quả?
Với những khoảng trống về cách ứng xử, kỹ năng thực hành xã hội nơi học sinh (HS), việc dạy kỹ năng sống (KNS) đã và đang trở thành một yêu cầu bức thiết trong trường học. Trong lúc các trường học đang loay hoay với vấn đề này thì bằng sự năng động trước nhu cầu thực tiễn, các tổ chức, công ty dạy KNS “mọc lên” và “len chân” vào trường học.
Tại Thanh Hóa, năm học 2016-2017 môn học này bắt đầu đến với các trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Big Ben (trụ sở tại số 11 Hàng Đồng, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) và Công ty Giáo dục New Sun (trụ sở ở 73A, Lê Hoàn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) đấu mối với phòng giáo dục các huyện, thị xã, thành phố và các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Những trò chơi dân gian trong giờ ngoại khóa chính là kỹ năng sống cho trẻ
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Big Ben sử dụng phần mềm giáo dục KNS PoKi còn Công ty Giáo dục New Sun có phần mềm giáo dục KNS GaiA.
Tuy nhiên, dường như nhiều phụ huynh không “mặn mà” khi cho con học môn này. Nguyên nhân chính là giáo trình môn học này chưa chính thức được thống nhất của Bộ GD-ĐT mà lấy lại từ một số công ty tự biên soạn nên. Không những vậy, mức đóng phí cho môn học này quá cao cũng là nguyên nhân khiến phụ huynh tỏ ra băn khoăn khi cho con theo học.
Học phí cho môn học này với mức 50.000 đồng/HS/tháng. Trong khi 1 tháng, HS chỉ được học 4 tiết. Tính ra 1 tiết học, mỗi em phải nộp cho công ty 12.500 đồng, trung bình một lớp 32 em phải nộp 400.000 đồng/tiết học để “học cách sống ở đời”.
Điều đáng nói, tại nhiều trường, tình trạng “núp bóng tự nguyện” nhưng lại bắt buộc HS theo học môn học này đang tồn tại ở một số trường. Bởi thế, dù cho con đi học nhưng rất nhiều phụ huynh tỏ ra không hài lòng.
Nhiều phụ huynh cho rằng không nhất thiết dạy kỹ năng sống phải mua bài giảng từ các công ty trên thị trường mà có thể lồng ghép bài giảng vào các môn học chính khóa
“Tại lớp con tôi học, có nhiều buổi môn Đạo đức lại được thầy cô xin giờ để dạy môn khác như Toán, Tiếng Việt. Tại sao, thầy cô không xem môn học Đạo đức là môn kỹ năng sống và cho rằng môn này cũng cần thiết không khác gì những môn học chính như Toán, Tiếng Việt để dạy một cách thiết thực nhất thì nhà trường lại đưa môn KNS vào dạy rồi thu tiền. Trong buổi đi họp phụ huynh thấy giáo viên chủ nhiệm phổ biến viết đơn cho con học môn này, phụ huynh nào cũng ngại nói ra nên đành “tặc lưỡi” - chị N.T.D., một phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Thanh Hóa chia sẻ.
Cũng có con đang theo học một trường mầm non trên địa bàn TP Thanh Hóa, chị T.T.H tâm sự: “Ngày xưa mình đi học, thứ 2 tuần nào cũng chào cờ, thế nhưng bây giờ con đi học nói cả tháng mới chào cờ một buổi. Đầu năm phổ biến phụ huynh đóng quỹ lớp, quỹ phụ huynh với số tiền rất cao, quỹ lớp thì ngoài chi tiêu hoạt động của lớp thì bạn nào ốm lấy tiền đó đi hỏi thăm, quỹ phụ huynh thì dùng mua quà cho cô giáo nhân ngày lễ, tết chứ HS không phải đi hỏi thăm bạn hay hỏi thăm thầy cô. Theo mình, đó cũng là KNS chứ là gì thế nhưng trường học không dạy KNS bằng thực tế đó mà thuê, mua những phần mềm của những công ty, vừa mất tiền của phụ huynh học sinh, vừa không có gì để tin tưởng được”.
Cũng theo vị phụ huynh này thì việc nhà trường lồng ghép giáo dục KNS vào nội dung bài giảng chính khóa ở những môn học như: Giáo dục công dân, sinh học... đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như: Nói chuyện về truyền thống quê hương, đất nước; kể chuyện về Bác Hồ; tổ chức các trò chơi dân gian... thì sẽ hiệu quả hơn nhiều việc mua phần mềm môn học này của những công ty trên thị trường.
Phụ huynh cũng cho rằng mức thu học phí quá cao trong khi nhân viên của các công ty giáo dục KNS không trực tiếp giảng dạy mà chỉ tập huấn cho giáo viên rồi truyền đạt lại cho HS. Còn bài giảng là phần mềm thuộc bản quyền của công ty.
Được biết, tổ chức môn học này, mỗi trường sẽ được nhận 20% phục vụ cho công tác quản lý, hỗ trợ cơ sở vật chất..., giáo viên giảng dạy nhận 50.000 đồng.
Theo tính toán, nếu một lớp học 32 HS thì sẽ thu 400.000 đồng/tiết học, nếu trừ 20% hỗ trợ nhà trường và trả tiền thù lao giảng dạy cho giáo viên hết 130.000 đồng, phần còn lại công ty nhận về 270.000 đồng/tiết học. Một tiết học của một lớp mà công ty đã nhận về số tiền 270.000 đồng, vậy một tháng với 4 tiết học ở nhiều lớp học và nhiều trường khác nhau thì số tiền mà công ty nhận về là không hề nhỏ, trong khi đó công ty không có nhân viên trực tiếp giảng dạy, chỉ hỗ trợ phần mềm.
Đó là chưa nói ngoài lệ phí học tập còn vấn đề về nội dung dạy học, rất nhiều phụ huynh băn khoăn về giáo trình dạy và việc những giáo viên không chuyên, không được đào tạo bài bản thì khi truyền đạt cho HS có thật sự hiệu quả?
Hiện công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Big Ben đã phối hợp với khoảng 50 trường học trên địa bàn tỉnh để dạy KNS cho HS, số trường này tập trung ở các địa phương, như: TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa... Riêng địa bàn TP Thanh Hóa có khoảng 50% đơn vị trường học thực hiện học chương trình KNS.
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết, Sở không kiểm định việc phần mềm xuất xứ từ đâu, qua xem xét thấy nội dung phù hợp, thiết thực với HS thì đồng ý cho dạy.
Còn ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nêu quan điểm: “Việc đồng ý cho một số công ty phối hợp với các nhà trường dạy KNS cho HS được thực hiện theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chủ trương của Sở là vừa thử nghiệm, vừa kiểm định. Đặc biệt, việc triển khai dạy KNS trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc HS, kinh phí phù hợp và không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng các môn học chính khóa. Kết quả dạy thí điểm là căn cứ để ngành giáo dục xem xét, quyết định có cho phép tổ chức dạy đại trà KNS cho HS hay không”.
Theo Dân trí