Nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ ăn vạ trong siêu thị, ngay lập tức, bạn có thể dán nhãn đó là đứa trẻ hư. Trong trường hợp con bạn, bạn có thể nhìn theo cách nhìn toàn cảnh hơn. Bạn nhận ra con cáu kỉnh, mè nheo chỉ bởi vì chưa được ngủ đủ giấc và bạn nhớ tới cách con đã hành xử ngoan ngoãn, đáng yêu như thế nào trước đó.

Tuy nhiên, khi con bạn thể hiện hành vi xấu, cho dù có phù hợp lứa tuổi hay không, bạn cần tạo ra vài thay đổi để ngăn chặn hành vi xấu đó càng sớm càng tốt.

Elaine Rose Glickman, tác giả cuốn sách "Your Kid’s a Brat and It’s All Your Fault" (tạm dịch "Con bạn là đứa trẻ hư và tất cả đều do lỗi của bạn") cho biết: "Tôi nghĩ, phần lớn mọi người có thể đã biết khi nào con họ hư nhưng không muốn đối mặt với sự thật này. Rất nhiều vấn đề liên quan tới chuyện này là lỗi của cha mẹ hay ít nhất chúng trở thành trách nhiệm của cha mẹ".

Tác giả Glickman cũng chia sẻ bí quyết giúp cha mẹ nhận diện hành vi xấu và có cách xử trí hiệu quả.

Rất có thể khi đọc những dòng này, bạn đang cảm nhận được mối nghi ngờ dấy lên trong lòng. Tác giả Glickman giải thích: "Có một cảm nhận nảy sinh trong bạn, nhói lên trong ngực mình, có người thì thấy lòng dạ như quặn lại, nhưng bạn không nên bỏ qua mà hãy nhìn thẳng vào thực tế: có điều gì đó không đúng ở đây".


1. Không để trẻ lặp lại những cách nói thiếu lễ phép

Nếu con có xu hướng nói chuyện với bạn thiếu lễ phép, như khi đòi hỏi hay gắt gỏng bạn phải cho trẻ thứ gì đó, hãy đừng để trẻ quen làm như vậy. Chẳng hạn khi con bạn đang nằm dài trên ghế sofa và gọi bạn lấy nước cho bé, bạn sẵn sàng dừng việc mình đang làm lại và lấy nước cho con. Đó không phải cách hay. Bạn hãy giải thích cho con cách phù hợp để đề nghị ai đó làm gì cho mình và để trẻ biết rằng trẻ hoàn toàn có thể thực hành cách ứng xử phù hợp ấy.

Tác giả Glickman bày tỏ: "Khi bạn để con nói với bạn theo cách mà bạn không muốn chồng/vợ, bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên siêu thị hay bất cứ ai khác nói với bạn, đó là một dấu hiệu khác cho thấy con bạn đã có biểu hiện không tốt rồi".

Mẹo nhỏ giúp mẹ ngăn chặn thói quen xấu của trẻ - Ảnh 1
2. Yêu cầu sự tôn trọng trong mọi hoàn cảnh - cả nơi riêng tư lẫn chốn công cộng

Nếu con gọi bạn là "đồ ngốc" hay khi đòi hỏi thứ gì đó mà con nói trống không, như vậy đều không được. Nếu con lấy thứ gì đó bạn đưa cho mà không "cảm ơn", cũng cần chấn chỉnh ngay, dù ở nơi công cộng, con luôn hành xử rất đáng khen. Nếu con tỏ thái độ kém tôn trọng bạn trước mặt những người lớn khác hay trước mặt bạn bè của con, bạn cần nói chuyện nghiêm túc với con thay vì cố gắng tự mình lý giải hành động của con hay mất công giải thích cho người khác.


3. Không chấp nhận cách hành xử của con cho dù nó hợp tâm lý lứa tuổi

Nếu con không có hành vi hợp lứa tuổi, đừng chậc lưỡi cho qua và tự thuyết phục bản thân rằng, đó chỉ là một giai đoạn trong hành trình phát triển của con thôi mà. Tác giả Glickman nhấn mạnh: "Nếu con bạn cắn một đứa trẻ khác 1, 2 lần, đó là hành vi được xem là phù hợp xét trên sự phát triển của trẻ nhưng không có nghĩa là chấp nhận được. Nếu con bạn cào cắn, khóc lóc, rên rỉ, hay đánh đấm người khác và bạn chỉ là tự nhủ: ‘Chà, trẻ con thì làm thế là thường’ hay ‘Giai đoạn khủng hoảng này rồi cũng sẽ sớm qua thôi’ hoặc bạn chẳng có hình thức nhắc nhở, kỷ luật nào cho con ngoài việc ôm ấp và hỏi xem có phải con đang thấy buồn bực trong lòng, sẽ chẳng có cách nào giúp trẻ chịu trách nhiệm về hành vi của mình". Nhữnghành vi xấu này cứ thế sẽ tiếp diễn và ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian nếu bạn không đặt ra những kỳ vọng cụ thể cho cách ứng xử của con từ sớm.


4. Đừng xem nhẹ những cơn mè nheo nơi công cộng của con

Khi con bạn giận dữ, ăn vạ ở một nhà hàng hay siêu thị và bao ánh mắt người lạ đang nhìn vào con, bạn không thể chỉ đưa con tránh khỏi nơi đó là đã giúp xoa dịu tình hình. Khi bạn phớt lờ hành vi xấu của con, chúng nhanh chóng học được rằng, không những không cần nghe lời bạn mà còn chẳng còn tôn trọng mọi người xung quanh. "Nếu bạn đang ngồi trong nhà hàng, lướt mạng trên di động, còn con bạn chạy lung tung, vừa la hét vừa trêu chọc, làm phiền người khác và bạn chỉ mong người ta sẽ "xử lý" con để bạn có được vài phút bình yên thì chính bạn đang biến thiên thần nhỏ của mình trở thành một đứa trẻ hư", tác giả Glickman bổ sung.


5. Không chấp nhận hành vi xấu chỉ bởi vì đó là cách trẻ "thể hiện" bản thân

Ngay cả khi con bạn cáu kỉnh, giận dữ, chúng cần học được đâu là cách đúng và đâu là cách sai để đối mặt với những cảm xúc đó.

Tác giả Glickman cho biết: "Bạn nên khuyến khích con diễn tả cơn giận của trẻ, không nên để con khóa chặt cảm xúc giận dữ trong lòng. Nhưng có nhiều cách để trẻ diễn tả cảm xúc mà không phải cào cắn hay đấm đá. Cho dù bạn có thích hay không, với tư cách làm cha mẹ, chính bạn là người phải dạy con kỹ năng này".

Mẹo nhỏ giúp mẹ ngăn chặn thói quen xấu của trẻ - Ảnh 2
6. Không bỏ qua những khoảnh khắc xấu xí của trẻ

Không phải lúc nào con bạn cũng cư xử tệ. Do đó, bố mẹ dễ dàng tập trung vào những lần hành xử tốt của con và nhẹ nhàng bỏ qua những lần hành động xấu. Điều cực kỳ quan trọng là quan sát con bằng cái nhìn toàn diện, để nhận ra khi nào con có hành vi xấu và để trẻ có cơ hội học hỏi từ lỗi lầm của mình.

Nguồn: Popsugar