Sự kiện: Đào tạo, luyện thi, ôn thi, thông tin tuyển sinh
Dẫu không còn cảnh ùn ùn đổ về thành phố luyện thi cấp tốc như nhiều năm trước đây, song cứ sau kỳ thi tốt nghiệp, hoạt động luyện thi lại được hâm nóng dưới nhiều hình thức.
Đa dạng hình thức luyện thi
Với lợi thế là ngày càng có nhiều thông tin hơn từ bạn bè, anh chị và qua internet, các học sinh muốn luyện thi không cần rẽ vào bất kỳ một bàn đăng ký nào để ghi danh, nộp tiền như trước đây. Thay vào đó các em cũng như phụ huynh cân nhắc rất cẩn thận và tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn trước khi bỏ ra một khoảng lớn thời gian và công sức trước kỳ thi.
Các thí sinh đăng ký học tại một trung tâm luyện thi gần Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ảnh: Huyền Vũ |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hà Nội Mới, dù không nhộn nhịp như xưa, song các điểm luyện thi lâu năm và có uy tín vẫn tập trung quanh các trường ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn... Ngoài ra, vài năm nay, một số điểm khác cũng thu hút nhiều học sinh như khu vực Chùa Bộc gần Học viện Ngân hàng, khu vực Chùa Láng gần ĐH Ngoại thương và Học viện Ngoại giao. Các lò luyện thi môn năng khiếu tụ quanh Trường ĐH Kiến trúc hay đường Đê La Thành - gần Trường ĐH Văn hóa, ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Mỗi trung tâm đều có một vài chuyên gia "tên tuổi" và thường được trưng tên ngay trên các biển hiệu để thu hút học viên.
Tuy nhiên, nhiều điểm luyện thi cấp tốc này không "trống giong cờ mở" như trước đây song vẫn có nhiều người tới ghi danh, bởi các học sinh muốn luyện thi đã tìm hiểu về các thầy và các khóa học từ trước kỳ thi tốt nghiệp. Nguồn tin được tham khảo nhiều và tin cậy nhất là từ các học sinh trường chuyên hoặc khối chuyên của các trường ĐH lớn hoặc sinh viên ĐH vừa thi các năm trước. Với sự phổ biến của internet, học sinh ngoại tỉnh cũng có thể tiếp cận được những thông tin này một cách không mấy khó khăn nên vai trò của các trung tâm luyện thi ngày càng bớt quan trọng. Các giảng viên có uy tín giờ có thể độc lập mở các lớp luyện thi ngay tại nhà. Với quy mô không kém gì các lò luyện chuyên nghiệp.
Trong khi đó, các lớp học có quy mô lớn tới 200 học sinh/lớp, với cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ từ quạt điện, máy điều hòa đến hệ thống âm thanh... là điểm chung của các lò luyện thi cấp tốc hiện nay. Chi phí luyện thi trọn gói cả 3 môn khoảng 1,5 triệu - 2 triệu đồng/khóa. Mỗi ngày, các em học 2-3 ca, mỗi ca học kéo dài 90-120 phút. Để tăng sức cạnh tranh, các điểm luyện thi khá linh hoạt khi cho thí sinh được học thử hoặc đóng tiền học theo từng ca (khoảng 30 nghìn đồng/ca). Bên cạnh xu hướng "phình to" của lớp luyện thi, rất nhiều phụ huynh muốn bổ sung kiến thức cho con với hình thức gia sư, một thầy một trò ngay tại nhà. Chi phí cho việc dạy kèm này dao động từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng cho mỗi môn học, tùy thuộc vào người dạy là sinh viên hay giáo viên.
Thi thử khó hơn thi thật
Nói chung, học sinh tự ôn luyện ở nhà đang là xu hướng chủ đạo của những mùa thi ĐH gần đây. Trước tiên bởi các em đã biết lượng sức học hơn và nhắm tới trường có điểm đầu vào phù hợp với học lực của mình. Đặc biệt, đề thi từ nhiều năm nay có cấu trúc ổn định và thường sát với chương trình học nên chỉ cần học lực khá, nắm vững kiến thức cơ bản và chịu khó ôn luyện thì việc đạt điểm sàn ĐH không phải là điều quá khó. Bên cạnh đó, việc ôn thi tại nhà cũng rất thuận lợi với sự trợ giúp của các trang luyện thi trực tuyến và nhiều tài liệu ôn luyện được đưa lên mạng miễn phí tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh.
Trong tình cảnh trên, các trung tâm luyện thi vẫn có các chiêu trò riêng để thu hút thí sinh. Có nơi quảng cáo "bảo đảm đậu", nếu không đậu ĐH thì trả lại chi phí. Tuy nhiên, sự bảo đảm này dường như không hấp dẫn lắm, bởi các trung tâm chỉ hứa hẹn chung chung chứ không nói rõ là đậu ở mức điểm bao nhiêu hay đỗ trường nào, trong khi, như đã phân tích ở trên, việc đạt mức điểm sàn ĐH không phải là quá khó.
Song việc vẫn lựa chọn tới các trung tâm, ít nhất là để được tham gia các cuộc "thi thử" để có thêm trải nghiệm về tâm lý trường thi và rèn luyện kỹ năng làm bài là lựa chọn của không ít học sinh. Các đề thi thử nói chung đều do các chuyên gia đảm nhiệm nên thường bảo đảm được về mặt chuyên môn. Thế nhưng, có một thực tế mà nhiều học sinh và giáo viên ghi nhận là đa phần bài thi thử thường khó hơn bài thi thật khá nhiều. Không ít học sinh cảm thấy rất "khớp" trước bài thi thử và lo lắng khi đạt điểm thấp. Có ý kiến cho rằng, đề khó là chủ ý để học sinh quen với áp lực, sẽ làm bài tốt hơn khi thi thật. Song một giáo viên có kinh nghiệm đã bày tỏ sự nghi ngại: Liệu đây có phải là một "chiêu trò" của các trung tâm khiến học sinh hoang mang mà cảm thấy có nhu cầu phải luyện thi hay không?
Theo Khánh Vũ Báo Hà Nội Mới