Mục tiêu của chương trình tiếng Anh tiểu học là giúp học sinh (HS) hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó chủ yếu là nghe, nói. Sau khi học xong chương trình tiếng Anh tiểu học, HS có thể đạt trình độ tiếng Anh tương đương cấp độ A1 của khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ. Tổng số tiết của 3 năm học là 420 tiết (4 tiết/tuần).

Cụ thể, có thể hiểu và sử dụng các kiểu diễn đạt quen thuộc hàng ngày và những cụm từ đơn giản nhằm thỏa mãn nhu cầu giao tiếp cụ thể; có thể tự giới thiệu bản thân hoặc người khác, có thể hỏi và trả lời các câu hỏi về thông tin cá nhân như người đó sống ở đâu, những người mà người đó biết và những thứ người đó có; có thể giao tiếp một cách đơn giản với điều kiện người khác nói chậm, rõ ràng và sẵn sàng trợ giúp...

Kết quả học tập của HS được thực hiện qua hai phương thức kiểm tra: thường xuyên và định kì, dựa trên bằng chứng về năng lực giao tiếp HS đạt được trong quá trình học tập. Việc đánh giá còn dựa trên cơ sở quan sát và nhận xét của của giáo viên trong suốt cả năm học. 

Các hình thức kiểm tra đa dạng, bao gồm kiểm tra nói và kiểm tra viết. Đánh giá kết quả học tập của HS phải được thực hiện thông qua cả 4 kĩ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.

Luyện kỹ năng học anh văn cho trẻ - Ảnh 1


Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9 năm 2008.

Để triển khai Đề án, Bộ GD-ĐT đã quyết định triển khai các nội dung của Đề án này đối với tiếng Anh đầu tiên, sau đó sẽ tiếp tục triển khai đối với các ngoại ngữ khác.

Bộ GD-ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm xây dựng Chương trình Tiếng Anh cho giáo dục phổ thông, trong đó bước đầu là Chương trình Tiếng Anh Tiểu học.

Dự thảo Chương trình Tiếng Anh Tiểu học do một nhóm các chuyên gia về Tiếng Anh của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiến hành biên soạn. Việc biên soạn này được sự tư vấn của một số chuyên gia Anh quốc.

Dự thảo đã được hoàn thiện nhiều lần dựa theo sự đóng góp ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, nhà chuyên môn, các nhà giáo về Tiếng Anh tại hai Hội thảo quốc gia được tiến hành tại Hà Nội và TPHCM. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chương trình Tiếng Anh Tiểu học này, Bộ GD-ĐT tiếp tục xin ý kiến của các nhà quản lý, nhà chuyên môn, nhà giáo xem xét và đóng góp ý kiến với chương trình.



Hồng Hạnh – biethet.com