>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Hôm nay 25-4, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội họp phiên toàn thể. Trong phiên họp lần này có nội dung thẩm tra đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới.

Lùi thời hạn trình đề án đổi mới sách giáo khoa

Tuy nhiên, cuối ngày 24-4, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhận được công văn của Ban soạn thảo đề án xin lùi thời hạn, chưa trình đề án này ra tại kỳ họp Quốc hội tới như dự định. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.

Phóng viên: Ông có bất ngờ với việc xin lùi thời hạn trình Quốc hội về đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông?

-  Sau khi báo cáo tại UBTVQH, đề án về đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông đã bị dư luận xã hội phản ứng, nhất là về thông tin cần tới trên 34.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông, Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông đã xin lùi thời hạn, chờ hoàn thiện hồ sơ, chờ Chính phủ thẩm định dự thảo đề án trước khi trình Quốc hội. Tôi không bất ngờ, vì chính bản thân tôi cũng khuyên Bộ GD-ĐT nên lùi lại, hoàn thiện thêm hồ sơ để việc trình đề án đạt đồng thuận cao.

Lùi thời hạn trình đề án đổi mới sách giáo khoa

Lùi thời hạn trình đề án đổi mới sách giáo khoa

Vậy ông ủng hộ việc lùi thời hạn trình nội dung này?

Lùi là đúng, vì hồ sơ mà Bộ GD-ĐT được Chính phủ ủy quyền trình sang UBTVQH chưa đầy đủ, báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình - SGK giáo dục phổ thông chưa có, báo cáo tác động cũng sơ sài.

Về nguyên tắc, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT không thể thiếu báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình - SGK giáo dục phổ thông hiện hành, thế nhưng báo cáo này chưa hề có. Bộ GD-ĐT phải hiểu là báo cáo giám sát của Quốc hội không thể thay thế báo cáo tổng kết của bộ được. Mà muốn có báo cáo tổng kết, Bộ GD-ĐT phải tổ chức tổng kết từ cơ sở lên, vì vậy cần phải có thêm thời gian để làm việc này. Ngoài ra, hồ sơ về đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông cũng cần phải hoàn thiện thêm, chuẩn bị đầy đủ hơn.

Nguyên nhân chính có phải vì dư luận phản ứng mạnh với con số 34.000 tỷ đồng để làm đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông?

Ngoài vấn đề hồ sơ chưa hoàn thiện như tôi đã nói ở trên, một trong những lý do phải lùi đề án này lại còn vì đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông chưa được Chính phủ thẩm định về kinh phí triển khai. Con số 34.000 tỷ đồng mới chỉ do các chuyên gia nghiên cứu đưa ra và Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành có ý kiến. Khi Chính phủ chưa thẩm định lại đề án thì chưa nên trình dự thảo Nghị quyết đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông ra Quốc hội (vì đề án khả thi là căn cứ để Quốc hội quyết định có ban hành Nghị quyết hay không). Chính vì vậy, trước phản ứng của dư luận và các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xoay quanh vấn đề này.

Mặt khác, ngày 25-4, chúng tôi họp phiên toàn thể để thẩm tra đề án này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tài liệu để nghiên cứu, trong khi theo quy định phải gửi trước nội dung thẩm tra cho Ủy ban để các ủy viên nghiên cứu.

- Cảm ơn ông!