Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh
“Mục tiêu là đưa nền giáo dục đại học của chúng ta phát triển chứ không trì trệ và nhiều bất cập như hiện nay”Là một trong những người có kinh nghiệm, từng tham gia soạn thảo nhiều văn bản luật, đã có thời gian dài cống hiến trong ngành giáo dục đại học, ông Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng Giáo dục đại học, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết như trên khi nói về Dự thảo luật giáo dục đại học lần này.
Tin liên quan:
Để các trường tự chủ chứ không để độc tài
PV: Ông đánh giá như thế nào về tổng thể bản dự thảo luật giáo dục đại học mà bộ Giáo dục dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới?
PV: Ông đánh giá như thế nào về tổng thể bản dự thảo luật giáo dục đại học mà bộ Giáo dục dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới?
Ông Lê Viết Khuyến: Tôi thấy chưa đạt yêu cầu.
Thứ nhất, những vấn đề tiến bộ trong Nghị quyết lần thứ 14 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam cho giai đoạn 2006-2020 chưa được ban soạn thảo tham khảo. Trong Nghị quyết này chỉ rất rõ định hướng ra đời cho luật giáo dục đại học và bao hàm tất cả các yếu tố của nền giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, ban soạn thảo lại không thèm đọc.
Luật GD ĐH còn nhiều bất cập
Điều đó được thể hiện ở tờ trình gửi Quốc hội vừa qua. Như thế chẳng khác nào luật chỉ là ý chủ quan của người đưa ra.Thứ hai, dự thảo này đang đi chệch mục tiêu, phải đề cập tới hệ thống giáo dục đại học nhưng trong khi dự thảo lần này lại được soạn giống như luật các trường đại học. Luật các trường đại học chỉ được hiểu là những điều lệ, hiện nay chúng ta đã có điều lệ trường đại học rồi, như vậy là thừa.
Thứ ba, trong dự thảo lần này không có nói tới vai trò và trách nhiệm của hội đồng trường. Ở góc độ nào đó, phía Bộ Giáo dục cho rằng chủ tịch HĐQT của hội đồng trường đương nhiên là hiệu trưởng, như vậy là quá chồng chéo và không rõ nhiệm vụ. Ở các nước, hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, hiệu trưởng phải được hội đồng trường tuyển chọn và thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết của hội đồng trường. Nếu hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng trường như vậy là rất... quái thai. Lúc đó, hội đồng trường sẽ mất đi tác dụng và không có hiệu quả.
Nói như ông, nếu hội đồng trường có hiệu trưởng kiêm làm chủ tịch hội đồng. Lúc này tính tự chủ của trường sẽ do hiệu trưởng quyết định?
Ông Lê Viết Khuyến: Đúng vậy, các trường muốn phát triển được phải có quyển tự chủ. Nhà nước, Bộ phải trao quyền tự chủ đó cho các trường. Tuy nhiên, không ai lại trao quyền tự chủ cho ông hiệu trưởng, nếu như vậy chẳng khác nào là một ông độc tài.
Quyền tự chủ phải trao ngay cho hội đồng trường, nhưng hội đồng này lại không đại diện cho tập thể nhà trường, nếu chỉ đại diện cho tập thể nhà trường thôi thì lợi ích cục bộ của trường sẽ lấn át. Lúc đó, không đặt lợi ích của xã hội của cộng đồng lên trên được, mà hội đồng trường phải đại diện cho cả những thành phần ngoài trường. Quyền tự chủ càng cao thì trách nhiệm càng lớn.
Trong dự thảo luật giáo dục đại học lần này có đưa vào tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Theo ông tính tự chủ ở đây được cụ thể hóa như thế nào?
Ông Lê Viết Khuyến: Dự thảo có nói tới tự chủ nhưng giữa lời nói và việc làm vẫn còn một khoảng cách xa vời. Tự chủ là một thể chế cần phải có để đảm bảo cho các trường đại học có thể phát triển tốt, đây là xu hướng tích cực của thế giới hiện nay (trường được quyền quyết định sự phát triển, chứ không phải mọi cái đều được chăm sóc từ Nhà nước hay từ Bộ Giáo dục).
Tôi thấy có những quyền tự chủ rất vô lí. Việc cấp phát phôi bằng tốt nghiệp đại học là một điển hình. Rõ ràng trường đào tạo thì trường phải có quyền được cấp phát bằng tốt nghiệp, nhưng hà cớ gì Bộ cứ giữ lấy phôi, phôi có giá trị gì trong chuyện này. Thực tế, nếu mà lí của Bộ là để quản lí chặt chẽ hơn thì với công nghệ in ấn như hiện nay không thiếu gì cách để làm giả. Đây là ngăn ngừa với người ngay còn với kẻ gian không thiếu gì cách.
Hơn nữa, phôi hoàn toàn không có tư cách pháp lý, phôi chỉ có pháp lý khi đã có dấu, có chữ ký của trưởng khoa, của hiệu trưởng trường đại học.
Chúng ta đang hiểu sai về hai chữ "Đại học"
Theo ông Lê Viết Khuyến, khi soạn thảo Bộ Giáo dục không tham khảo đề án đổi mới giáo dục đại học giao đoạn 2006-2020 trừ Nghị quyết 14 của Đảng - đó là một thiếu sót lớn. Ảnh Xuân Trung
Trong một lần góp ý cho dự thảo, ông có nói tới phổ cập đại học. Vậy phải hiểu từ “phổ cập” như thế nào cho đúng?
Ông Lê Viết Khuyến: Hiện tại chúng ta đang hiểu sai chữ "đại học". Đại học ở đây có hai dạng là tinh hoa và đại chúng.
Nếu theo nghĩa "đại học tinh hoa" gồm: Những chương trình đào tạo từ cử nhân trở lên, đào tạo những bậc tinh hoa trong xã hội. Ở đây không tính hệ cao đẳng.
Nghĩa "đại học đại chúng" gồm tất cả các chương trình sau THPT hoặc tương đương. Hiểu theo nghĩa này đại học không phải từ cử nhân trở lên mà tất cả các chương trình dưới cử nhân. Khi nói đại chúng hóa giáo dục thì không có nghĩa tất cả đều là các trường đại học.Hiện nay chúng ta đang rối loạn và chưa thống nhất hệ thống đại học. Lỗi ở đây không phải do các trường, mà do lỗi hệ thống. Do chúng ta không làm rõ được khái niệm trình độ đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, cho nên gây thừa và lãng phí. Rõ ràng định hướng của Nhà nước không rõ. Trong dự thảo luật có nói tới nhưng còn mù mờ lắm.
Ông đã từng tham gia ban soạn thảo, theo ông những ý kiến của các chuyên gia được tiếp thu như thế nào?
Ông Lê Viết Khuyến: Tôi nghĩ rằng, có tiếp thu nhưng không tiếp thu một cách nghiêm túc. Ít nhiều đều có sự điều chỉnh theo những ý riêng của
người soạn thảo (VD: Có đưa hội đồng trường vào luật nhưng lại gắn ông hiệu trường vào hội đồng trường là chủ tịch). Như vậy còn gì là tính tự chủ nữa.
Trong dự thảo có đề cập tới chuyện Bộ Giáo dục sẽ đứng ra soạn giáo trình chung cho các trường. Theo ông, vấn đề này cần cân nhắn thế nào cho khách quan?
Ông Lê Viết Khuyến: Muốn duyệt một chương trình, ngoài trí tuệ của một đến hai chuyên gia thì chưa đủ mà còn cần trí tuệ của cả tập thể. Nói đơn giản như một chuyên viên của Bộ Giáo dục phụ trách 30 trường, mỗi trường lại có hơn chục ngành khác nhau. Mà đứng ra soạn giáo trình từ bậc cử nhân cho tới tiến sỹ thì không thể làm được. Hơn hết, bộ đưa ra một chương trình khung và các trường dựa vào đó để làm các chương trình cụ thể rồi đưa ra cho các tổ chức kiểm định. Lúc đó mới chính xác, đó là căn cứ để xây dựng chương trình chuẩn.
Ông nghĩ sao nếu kỳ tới Quốc hội thông qua luật giáo dục đại học? Lúc đó nền giáo dục đại học của chúng ta sẽ được gì?
Ông Lê Viết Khuyến: Tôi nghĩ Quốc hội chưa nên thông qua lần này, vì dự thảo còn chưa hoàn thiện. Đừng vì chạy đua cái gì đó mà làm hỏng cả một tương lai. Những gì đưa vào tính pháp lí lần này, tôi nhắc lại chỉ là những văn bản cóp nhặt từ trước. Hoàn toàn không định hướng cho việc giải quyết những vướng mắc, cản trở để ngành giáo dục đại học phát triển, thậm chí có nhiều tiêu cực. Cái đó mới đáng sợ.
Xin cảm ơn ông!
Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế
Kenhtuyensinh (Theo: nld.com.vn)