Covid-19 là cơn đại dịch bùng phát vào năm 2019 và cho đến bây giờ, nó vẫn là mối đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống học tập, làm việc và sinh hoạt của mọi người. Du học sinh Việt cũng không ngoại lệ. Hãy cùng Kênh tuyển sinh lắng nghe tâm sự của các bạn du học sinh về lối sống chung với Covid-19 tại nước ngoài nhé!
1. Cuộc sống du học tại Mỹ của Hồ Ngọc Quang
Sáng 11/1, Hồ Ngọc Quang, sinh viên năm ba ngành kỹ sư hóa học, Đại học Drexel, Mỹ thức dậy với cảm giác khô cổ, đau họng.
Hai hôm trước, Quang cùng nhóm 12 du học sinh Việt Nam đi ăn tối tại một nhà hàng ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Nghĩ có thể đã mắc Covid-19, Quang lên mạng tìm hiểu và thấy mình đang trải qua những dấu hiệu bệnh do Omicron gây nên. Hôm sau, Quang sốt trên 38,5 độ, cơ thể ớn lạnh, đầu choáng váng và không đứng vững.
Theo thống kê từ Đại học Johns Hopkins, chỉ trong vòng một tuần tính đến 10/1, số ca mắc Covid được xác nhận trung bình mỗi ngày tại Mỹ là 714.000 ca, tăng 74,3% so với tuần trước đó. Riêng ngày 10/1, nước này ghi nhận 1,13 triệu ca mới. Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc Covid hàng ngày cao nhất thế giới. Bang Pennsylvania, nơi Quang sống, có hơn 30.000 ca mới, trong khi thành phố Philadelphia 3.000 người nhiễm bệnh mỗi ngày.
Nhóm bạn Quang, 8 người thông báo đã dương tính với Covid-19, số còn lại chưa xét nghiệm, trong đó có Quang. Tất cả đều sốt, đau họng, nặng hơn - có hiện tượng nôn ói. Quang biết chắc mình đã mắc bệnh.
"Nhiều bạn hoảng khi biết mắc Covid-19 nhưng sau đó bình tĩnh vì đều đã tiêm ít nhất hai mũi. Hơn nữa các triệu chứng của Omicron cũng nhẹ hơn nên chúng em động viên nhau không quá lo lắng", Quang kể.
Ở chung nhà với bốn người bạn nước ngoài, Quang tự cách ly trong phòng, chỉ ra ngoài nấu ăn vào ban đêm, khi mọi người đã ngủ. Những ngày đầu, Quang không ngủ được vì đau đầu và luôn thấy lạnh. Những lúc sốt cao, Quang cố gắng uống nhiều nước lọc, C sủi. Để mỗi ngày trôi qua không nhàm chán, em tránh đọc tin tức tiêu cực về dịch, chỉ đọc những cuốn sách chuyên môn yêu thích và xem phim.
Sau hai ngày, Quang hết sốt và năm ngày đã không còn triệu chứng đau họng, sổ mũi. Nhóm bạn của Quang cũng dần khỏi bệnh. "Omicron ít có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng nên em cảm thấy bình thường, chỉ cần chăm sóc tốt bản thân là vượt qua được", Quang nói.
Nam sinh cho hay, số ca mắc tăng cao khiến bệnh viện quá tải nhưng người dân ở đây không lo lắng và coi nó như cúm mùa. Họ được khuyến khích khai báo khi mắc bệnh nhưng sẽ không có nhân viên y tế tới nhà.
Trở lại Mỹ từ tháng 9/2021 sau hai kỳ bảo lưu, Quang mang nhiều thuốc, chủ động tiêm mũi vaccine thứ ba và luôn mua đủ đồ ăn cho hai tuần để hạn chế ra ngoài. Sau khi đi học ba tháng, trường của Quang học trực tuyến cách đây hai tuần. Từ 17/1, trường quay lại hình thức trực tiếp. Sinh viên được yêu cầu tiêm vaccine và đeo khẩu trang khi tới trường. Quang hiện xin học online đến khi nào có kết quả xét nghiệm âm tính.
Lời tâm sự về câu chuyện sống chung với Covid-19 của du học sinh Việt
2. Cuộc sống du học tại Anh của Tạ Đức Duy
Cũng như Mỹ, nước Anh chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới. Anh nằm trong 5 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới, với trên 200.000 ca mắc mới hàng ngày. Dịch bệnh căng thẳng khiến du học sinh phải thích nghi với cuộc sống bình thường mới và thay đổi nhiều thói quen.
Tạ Đức Duy, sinh viên trường Bellerbys College London, luôn có khẩu trang và nước sát khuẩn tay. Hàng ngày, lịch trình quen thuộc của Duy là đi tàu điện và xe buýt một tiếng tới trường rồi trở về căn hộ ở cùng chị gái. Không đi chơi và tụ tập bạn bè, em luôn rửa tay bằng xà phòng rồi thay quần áo mỗi khi ra ngoài về.
Dù cẩn thận hết mức, em vẫn mắc bệnh. Tối 13/1, trước khi đi ngủ, Duy thấy người nóng rực, chóng mặt. Sáng hôm sau làm test nhanh, em nhận kết quả dương tính.
"Em gọi điện cho trường để thông báo. Trường hỏi em đã tiếp xúc những ai, học tiết gì và ngồi cạnh bạn nào để truy vết, sau đó hướng dẫn tự cách ly", Duy kể.
Sau bốn ngày trải qua các triệu chứng đau đầu, khó thở, đau họng và sốt, Duy giờ đỡ hơn. Em sẽ xét nghiệm lại lần nữa để trở lại trường nếu có kết quả âm tính.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. Đến nay, chủng mới được đánh giá Omicron gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn Delta, nhưng có tốc độ lây lan nhanh. Mỹ, Anh là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến chủng này, khiến nhiều trường học tại đây rơi vào tình trạng đóng - mở liên tục. Việc học tập, sinh hoạt của học sinh - sinh viên, trong đó có du học sinh Việt Nam, vì thế bị ảnh hưởng.
3. Cuộc sống du học tại Australia của Nguyễn Đình Đạo
Tại Australia, nhiều trường đại học chuyển sang hình thức online để ứng phó với đại dịch. Trong năm 2021, bang Queensland thường xuyên áp dụng giải pháp đóng cửa, người dân cần xin giấy thông hành nếu muốn từ nơi khác vào bang này. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.
Nhưng từ khi Queensland mở cửa vào cuối 2021, dịch bệnh trở nên phức tạp và số ca mắc tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Queensland Health ngày 18/1, cả bang có gần 16.000 ca mắc mới.
Nguyễn Đình Đạo, nghiên cứu sinh ngành Kinh tế Sức khỏe, Đại học Queensland, cho biết chính quyền bang khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi ra đường, giãn cách 1,5 m và chấp hành việc check-in thông qua ứng dụng khi đi siêu thị hay cửa hàng.
Đạo cho biết, du học sinh Việt Nam đã quen với dịch trong suốt hai năm qua nên khá bình tĩnh. Hội sinh viên Việt Nam tại các trường như Đại học Queensland, Đại học Griffith, hay Đại học Công nghệ Queensland luôn sát cánh với các bạn cần giúp đỡ.
"Sinh viên Việt Nam tại thành phố Brisbane rất đoàn kết, thường xuyên hỗ trợ đồ ăn, thuốc men cho nhau trong tình trạng khẩn cấp. Một số anh chị du học sinh có gia đình gặp khó khăn hơn khi vừa chăm sóc con cái, vừa đảm bảo việc học tại trường", Đạo chia sẻ.
4. Cuộc sống du học tại Trung Quốc của Phạm Thị Dương
Trung Quốc đến nay vẫn chưa có động thái đón sinh viên quốc tế trở lại, do nước này theo đuổi chính sách "Không Covid". Trung Quốc hiện cũng trong làn sóng dịch bệnh do biến chủng Omicron với nhiều thành phố tăng cao các ca mắc mới.
Phạm Thị Dương, sinh viên năm ba Đại học Nông Lâm Phúc Kiến, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, là một trong số ít du học sinh Việt Nam còn ở lại Trung Quốc.
Thời điểm Covid-19 bùng phát đầu năm ngoái ở Trung Quốc, Dương sợ mắc bệnh khi dịch tại thành phố Phúc Châu căng thẳng. Em ở trong ký túc xá, đặt hàng qua mạng, luôn mang khẩu trang, sát khuẩn tay mỗi khi có việc thực sự cần thiết phải ra ngoài. Mỗi lần nhận hàng, Dương đều phải vệ sinh, rửa sạch đồ trước khi cho vào tủ lạnh.
"Em ở một mình một phòng trong ký túc xá, muốn đi đâu ra ngoài thành phố đều cần phải xin phép nhà trường", Dương kể.
Nữ sinh ngành kinh tế sau đó quen dần, không còn lo lắng. Nhưng cuộc sống của Dương chỉ quanh quẩn từ phòng ở đến lớp học và lên thư viện, không còn những chuyến du lịch hay đi làm thêm như trước. Trung Quốc cũng đang trong kỳ nghỉ đông nên Dương có nhiều thời gian làm những việc yêu thích như nấu ăn, làm bánh hay tập yoga.
"Phúc Châu hiện vẫn an toàn nên em chưa bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên, em luôn có sự chuẩn bị để chủ động sống chung với dịch bệnh", Dương nói.
Theo VnExpress