Bài học thứ nhất: Không hiểu trọng âm, không nghe được


Chuyến bay sang Michigan "transit" ở Seoul (phát âm giống "soul" - tâm hồn). Lần đầu đi máy bay một mình, tôi không biết đường ngang ngõ tắt ra sao nên quyết định hỏi đường một nữ hướng dẫn viên có vẻ đẹp rất Hàn Quốc ở sân bay. 
- I'm flying to Michigan, this is my air ticket. Can you show me the way?
Cô nói bằng một giọng Mỹ ngọt ngào và chuyên nghiệp:
- Can you give me your passport?
Sau khi tôi đưa hộ chiếu, cô hỏi tôi tên, tuổi và một câu khiến tôi bối rối:
- What's your "ét-drợss"?
Tôi ngớ người, "ét-drợss" là cái gì nhỉ. Tôi hỏi lại, "pardon me?", cô lặp lại câu hỏi:
- What's your "ét-drợss"?
- I'm sorry, "ét-drợss"?
- Where do you live?
- You mean "ất-dress"?
Hóa ra cái từ "ất-dress" người ta còn nói là "ét-drợss". Về sau này, tôi biết sự khác biệt lớn nhất giữa 2 cách phát âm của từ này chính nằm ở trọng âm từ.


sai lầm khi nhấn trọng âm trong giao tiếp Tiếng Anh


Bài học thứ hai: Nói sai trọng âm, người nghe không hiểu


Ngôi nhà nhỏ của người bạn Mỹ rộng khoảng 150 m2, trước nhà là bãi cỏ xanh cắm "bird feeder pole" (chỗ cho chim ăn). Tôi đứng trên bãi cỏ đó nói chuyện với người bạn:
- What about the INternal decoration?
- What do you mean?
- INternal decoration.
- I'm sorry Quang Nguyen​?
- I mean the decoration inside the house.
- Oh, you mean inTERnal decoration.
Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Foreign Trade University, cho nên chẳng lạ gì hai từ "external" (bên ngoài) và "internal" (bên trong). Thế mà tôi nói đến hai lần người bạn vẫn không hiểu, dù hồi ở trường, ai cũng nói INternal và EXternal.


Bài học thứ ba: Không hiểu trọng âm, hoang mang khi giao tiếp


Buổi "1st orientation" (hướng dẫn sinh viên mới) ở trường Grand Valley State University diễn ra thật thú vị.
Nói một chút về từ "orientation", hồi ở Việt Nam, tôi được dạy mỗi từ chỉ có một trọng âm chính, cho nên quen đọc là "ờ-rì-èn-tây-shừn" - thế mà ở đây người ta đọc là "o-rì-èn-tây-shừn", tự nhiên thấy hoang mang.
Rất nhiều các từ khác nữa, kiểu "preparation" mình hay đọc là "prè-pờ-rây-shần", thế mà người Mỹ cứ "pre-pờ-rây-shần". Sau này mới biết, mỗi từ có một trọng âm chính, nhưng có thể có vài trọng âm phụ nữa.
Trọng âm rất quan trọng khi học tiếng Anh. Nếu sách tiếng Anh dùng trong giảng dạy in đậm trọng âm của các từ khóa (content words), chắc hẳn người học sẽ liên hệ tốt hơn giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.


Theo vnexpress.net