Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Vẫn loay hoay tìm hướng

“Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” được các chuyên gia cho là câu chữ khác để gọi việc cải cách giáo dục vốn nhạy cảm, vì xã hội dị ứng với 2 từ cải cách.



GS Lâm Quang Thiệp, khách mời của cuộc tọa đàm nói với Tiền Phong: Chưa bao giờ thế giới và đất nước thay đổi một cách mạnh mẽ như trong 2 thập niên qua. Giáo dục (GD) không cải cách để phù hợp là không được vì GD quyết định sự phát triển của đất nước, phát triển nguồn nhân lực. Ông cũng cho rằng tất cả những việc mà ngành giáo dục làm trong thời gian qua không nhất quán, không có tư tưởng xuyên suốt khiến chúng ta càng cần có một cuộc cải cách giáo dục.



Tuy nhiên, thay đổi theo cách nào, và thay đổi đến đâu dường như chưa tìm được câu trả lời.



Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, cần đánh giá lại thực trạng GD của VN trước khi tìm ra hướng đi cho nó. “Ngành GD&ĐT có quá nhiều vấn đề, nên, trước hết, phải có thời kỳ quá độ, chấn chỉnh những sai lầm kịp thời, những khuyết điểm, bất cập, yếu kém, những thiếu sót”… Ông nói, chỉ riêng sách tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 đã phải sửa 360 chỗ khác nhau; lương giáo viên không đủ ăn, lớp học không đủ (có tỉnh thiếu 50%; Hà Nội có lớp học chứa 70 học sinh)…

 

Những mục tiêu, kế hoạch vẫn được đặt ra nhưng khả năng thực hiện thế nào, ông Phạm Minh Hạc đặt câu hỏi và cho biết, kiên cố hóa trường học đề ra từ 2004, nay được bao nhiêu phần trăm; tin học hóa nhà trường đề ra từ lâu nhưng một trường phổ thông xuất sắc, chất lượng cao của thủ đô Hà Nội với 2.000 học sinh, chỉ có 50 máy tính; đề ra phổ cập mẫu giáo 5 tuổi trong khi ngay cả Hà Nội nhiều phường chưa có trường mầm non; đề ra tiếng Anh bắt buộc cho học sinh từ lớp 3, nhưng nếu thực hiện thiếu hàng vạn giáo viên…



Những việc như thế phải chấn chỉnh củng cố (có phát triển) trong ít nhất 1-2 năm nữa chưa chắc đã xong, trước khi bước vào cuộc cải cách mới.


Quan trọng là đổi mới tư duy

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, cho biết, muốn cải cách phải thay đổi tư duy tổng quát từ những vấn đề về triết lý GD đến mô hình nhân cách. Trong mô hình nhân cách, có 3 bộ phận: tri thức, kỹ năng và thái độ. Bấy lâu nay, GD của VN dành hết thời gian, tâm sức để lo về tri thức (chữ nghĩa) cho học sinh mà không biết rằng trong sự thành công của con người, kỹ năng chiếm yếu tố quyết định. Kỹ năng đã bị coi nhẹ. Với thái độ, học sinh ít được dạy về những thái độ với cha mẹ, thày cô, bạn bè, mà cứ nói khơi khơi những thứ cao siêu.



Ngoài ra, theo ông Trần Hồng Quân, trong cuộc cải cách mới, VN cần đổi mới cơ cấu hệ thống, không nên có sự chồng chéo về quản lý, phải cân nhắc lại thời gian học hành từ phổ thông đến đại học trong khi thế giới có xu hướng rút ngắn thời gian ngồi trên ghế nhà trường của học sinh.



GS Trần Hồng Quân cho rằng, trong tình hình hiện nay, tuyển sinh các ngành sư phạm cũng chịu cảnh vét thí sinh điểm sàn thì thầy giáo không thể giỏi và sẽ lại dạy ra những người không giỏi.



Nhìn chung, các hướng cải cách GD dường như vẫn rất… chung chung. Tuy nhiên, GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, nếu đã cải cách thì phải cải cách cơ bản và toàn diện, từ gốc, từ triết lý đến những việc khác và phải chuẩn bị rất cẩn thận, có những đảm bảo để thực hiện được những thay đổi đó. Trước mắt, cần có một Ủy ban GD quốc gia, tập hợp được các nhà giáo, các chuyên gia giáo dục, các nhà triết học, nhà khoa học… trong nước và ngoài nước bàn bạc và tìm phương hướng cải cách. Đây là điểm gặp nhau của các GS Phạm Minh Hạc, Lâm Quang Thiệp, và nhiều nhà GD khác.



“Cải cách để tạo ra những con người năng động, tích cực, làm chủ xã hội VN, phục vụ mục tiêu của VN” - GS Phạm Minh Hạc nói.

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh nguyện vọng 3, nv3

Đăng ký nhận thông tin nguyện vọng 3 qua email tại ô bên dưới

Kênh Tuyển Sinh ( Tienphong)