>> Giáo dục, đào tạo trực tuyến, e-learning, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp

Nở rộ các lớp dạy kỹ năng mềm: Ai quản lý chuyên môn?

Đưa ra những lời lẽ cao đạo cùng những chiêu thức quảng cáo nổ trời, rất nhiều công ty, đơn vị mở các lớp, khóa đào tạo các kỹ năng đã ít nhiều chiếm được niềm tin của không ít bạn trẻ vốn háo hức việc “đi tìm bản thân”. Tuy nhiên, thực tế các khóa huấn luyện kỹ năng, các lớp gọi là nâng cao khả năng bản thân, giao tiếp đỉnh cao, tư duy lãnh đạo, khai phá tiềm năng bản thân… hiệu quả đến đâu vẫn là điều chưa được kiểm chứng.

Loạn lớp dạy kỹ năng sống

Việc trang bị kiến thức, vốn sống, khả năng độc lập trong làm việc, kinh doanh, giao tiếp… hay cả kỹ năng lãnh đạo là nhu cầu có thực của rất nhiều bạn trẻ nói chung, SV nói riêng. Hiểu được nhu cầu và tâm lý trên, thời gian qua, rất nhiều công ty, đơn vị thi nhau mở các khóa học kỹ năng (thông qua các hội thảo) nhằm thu hút học viên đến với mình. Tuy vậy, do phần lớn các chương trình đều du nhập từ nước ngoài, hoặc do các trung tâm, đơn vị tự vẽ ra nên lợi ích thực chất của các khóa học mang lại cho học viên không nhiều, chưa kể nhiều nơi có dấu hiệu “đầu voi đuôi chuột”.

Loạn lớp dạy kỹ năng mềm: Ai bảo vệ người học?

Loạn lớp dạy kỹ năng mềm: Ai bảo vệ người học?

Vừa qua báo chí có phanh phui sự kiện Công ty cổ phần Phát triển Tài năng trẻ Tư duy mới-NTG (gọi tắt là Người Khổng Lồ) với chiêu thức mượn danh nghĩa rèn dạy, trang bị các kỹ năng, v.v… chỉ để nhằm moi tiền học viên, cho thấy một thực tế bất cập trong công tác quản lý, thẩm định các chương trình được xem là trang bị kỹ năng cho giới trẻ.

Trước đó đã có hàng loạt các lớp tự nhận dạy kỹ năng sống đỉnh cao, trang bị kỹ năng sống cho học sinh thông qua lớp học kiểu “Học kỳ quân đội” nở rộ như nấm sau mưa dù không thuộc Tỉnh đội của 63 tỉnh, Tổng đội Thanh niên xung phong…, bị TW Đoàn Thanh niên, Bộ Quốc phòng yêu cầu ngừng tuyển sinh vì chương trình giảng dạy không phù hợp, thiếu tính thực tế và nặng tính kinh doanh. Hay trường hợp công ty X với lớp học “nhớ nhanh bằng liệu pháp thôi miên”, công ty H.N với lớp kỹ năng “tư duy lãnh đạo, tập làm nhà lãnh đạo” nhưng thực chất chỉ sơ sài vài kỹ năng Marketing và kỹ năng thuyết phục khách hàng.

* Những bài học về quản trị cuộc đời

Không chỉ bất cập trong việc quản lý và thẩm định tính hiệu quả, đúng đắn của các chương trình dạy kỹ năng sống mà đến cả việc cấp phép, quản lý của các đơn vị có trách nhiệm với đối tượng hoạt động này cũng đang có vấn đề.

Phần lớn các công ty dạy kỹ năng sống - ví dụ như Công ty Người Khổng Lồ, giấy phép đều do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp trong khi lĩnh vực hoạt động của họ chủ yếu và phần nhiều lấn sân sang các nội dung giáo dục. Sở GD&ĐT thì lại không quản lý các chương trình trên vì không thuộc thẩm quyền của họ (các hình thức GD khác, chưa phân vào đâu) trong khi đó Sở Kế hoạch và Đầu tư ngoài trách nhiệm đồng ý cấp phép xong gần như không hề có một biện pháp quản lý, kiểm tra gì… Chính từ những lỗ hổng mang tính chồng chéo đã tạo điều kiện cho nhiều đơn vị, công ty tiến hành lừa đảo học viên thông qua danh nghĩa tổ chức lớp học kỹ năng.

Ai bảo vệ người học?

Chưa có một biện pháp chế tài ngoài mức phạt vi phạm hành chính nhẹ nhàng với các đơn vị, công ty vi phạm. Vì thế, không ít nơi đảm nhận việc dạy kỹ năng mềm cho bạn trẻ cứ tha hồ “nổ”, dụ dỗ học viên thông qua các buổi hội thảo, chuyên đề… và thu tiền học phí. Khi việc rèn dạy, hoạt động của công ty bị phát hiện không đúng chức năng ngành nghề đào tạo, họ chỉ việc… stop và nộp phạt, còn học viên thì chịu mất tiền của bởi những ràng buộc pháp lý đa phần có lợi nghiêng về phía công ty. Học viên chẳng thể làm gì được khi vỡ lẽ mọi điều không như mình nghĩ, mong đợi, và cũng bởi chính họ đã tự nguyện đăng ký học.

Hiện nay, tham gia đào tạo kỹ năng mềm đa phần là những cá nhân có một số thành công được ghi nhận.

Việc giảng dạy có khi vẫn là “kể chuyện đời” và truyền đạt kinh nghiệm của họ cho học viên. Tuy nhiên, cũng có không ít người tự phong và nâng tầm cho mình lên thành chuyên gia, diễn giả. Như trường hợp “diễn giả” LCL là một ví dụ.

Chuyện tếu bên bàn nhậu: một giảng viên vui miệng cho biết, dạy kỹ năng mềm không cần thiết soạn giáo trình, vì “mình nói cái gì học viên chả há hốc miệng ra nghe”! Cũng không ít giảng viên dạy kỹ năng không nắm rõ lý thuyết, phương pháp khoa học mà chỉ lên lớp truyền kinh nghiệm bản thân một cách đơn giản, cá biệt.

Với cách dạy như thế, có thể học viên thích nghe nếu giảng viên có khiếu kể chuyện (điều này không khó vì phần lớn họ đều giỏi về kỹ năng giao tiếp). “Vốn liếng” người học thu nhận lại là “kinh nghiệm của thầy chứ không phải “chữ thầy”. Kinh nghiệm cá nhân ít giống nhau, vì thế khi gặp tình huống cụ thể không ít người dù học “mấy mấy” vẫn bỡ ngỡ.

Nguyễn Bách Đông, sinh viên ngành Marketing bức xúc: “Công việc tương lai của tôi chắc chắn đòi hỏi trang bị kỹ năng mềm đủ dày. Tuy vậy, qua vài trung tâm uy tín lại thấy giá cả quá chênh lệch với chương trình dạy, chất lượng lại không được như ý. Nhiều khi thấy có phần phí phạm khi bỏ tiền ngồi nghe tư vấn, nói về kinh nghiệm… Những điều đó một số chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình cũng có”.

T.H, sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chia sẻ: Một hôm nhà trường có tổ chức một hội thảo, tôi đi dự. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến công ty đa cấp Người Khổng Lồ. Thực sự lúc nghe họ thuyết trình tôi rất bị thuyết phục nhưng vẫn do dự không dám đi học vì học phí khóa học quá đắt. Rồi họ nói giảm học phí từ 5 triệu đồng xuống 3 triệu đồng, tôi nghĩ đây chính là cơ hội để mình học hỏi và quyết định tham gia bằng cách vay tiền bạn bè.

Nhưng trái ngược với những gì quảng cáo rằng khóa học “sẽ thay đổi cuộc đời bạn, sẽ khai phá những tiềm năng con người bạn, giúp bạn tự tin, lĩnh hội tư duy lãnh đạo đỉnh cao, v.v…” mà thay vào đó chỉ là những trò chơi giao tiếp đơn thuần, một buổi dã ngoại buồn ngủ và ngồi nghe “diễn giả” LCL thuyết trình, kể về cuộc đời…, nêu vài tấm gương doanh nghiệp thành đạt đã quá quen thuộc… Khi hiểu và phát hiện ra rằng lớp học này chẳng qua chỉ là “lớp vỏ” bên ngoài thôi thì tôi đã gánh khoản nợ 5 triệu đồng từ bạn bè”.

Theo ông Nguyễn Thanh Đoàn, Trưởng ban Thanh niên trường học Thành Đoàn TPHCM: Việc mong muốn được trang bị các kỹ năng mềm, kỹ năng sống nơi HS-SV là một nhu cầu có thật. Đã đến lúc các ban ngành, chức năng cần siết chặt hơn nữa việc quản lý các trung tâm, đơn vị có hoạt động liên quan đến lĩnh vực giáo dục, dạy kỹ năng sống.

Thực tế cho thấy những bất cập đã hiển hiện rất rõ trong thời gian qua khi các lớp, khóa, chương trình dạy kỹ năng mềm ngày càng trở nên bát nháo. Hậu quả học viên (đa phần là SV-HS) là người lãnh chịu vì trót tin vào quảng cáo.

Hiện nay, tuy Thành Đoàn TPHCM cũng có rất nhiều chương trình, lớp huấn luyện kỹ năng nhưng có tính trang bị chung chứ không đi sâu vào chuyên môn (chẳng hạn kỹ năng về Marketing), như những đơn vị tư nhân. Chính vì thế, lời khuyên dành cho bạn trẻ là cần phải thật sự tỉnh táo trước chọn lựa và đăng ký một lớp học kỹ năng nào đó. Cần phải thẩm định và chọn những tổ chức, đơn vị có uy tín để theo học nhằm tránh việc tiền mất mà chẳng học được gì.

Theo tác giả Anh Tú, Báo giáo dục Thời đại