Ngày 21-3, tại TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) làm việc với các trường chủ trì cụm thi ĐH của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 khu vực phía Nam. Tại buổi làm việc này, Bộ GD-ĐT công bố nhiều thông tin quan trọng về kỳ thi được tổ chức vào đầu tháng 7 tới.

“Ưu ái” học sinh địa phương?

Năm 2016, cả nước có 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Thí sinh thi ở cụm thi này sẽ lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH. Loại cụm thi này tỉnh nào cũng có - đây là điểm khác biệt so với năm 2015. Trong buổi tập huấn, Bộ GD-ĐT đưa ra quy định trường chủ trì cụm thi có trách nhiệm in sao đề thi (có thể liên hệ với các trường có kinh nghiệm để hợp đồng in, sao); coi thi, chấm thi, phúc khảo; in giấy chứng nhận kết quả; xử lý khiếu nại của thí sinh. Chi tiết hơn, các trường ĐH chủ trì phải bảo đảm ít nhất 50% cán bộ coi thi là của trường; 20% cán bộ của trường phối hợp, còn lại là giáo viên từ các trường THPT.

Lo chất lượng chấm thi THPT Quốc giaÔng Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, chia sẻ lo lắng tại hội nghị

Năm nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM chủ trì cụm thi số 51 tại tỉnh Bình Thuận. Đi khỏi TP HCM để tổ chức thi không phải là mối lo của trường, đặc biệt số lượng thí sinh ít hơn nhiều so với năm 2015 khi trường tổ chức cụm thi liên tỉnh. Thế nhưng, vấn đề khiến trường lo lắng là huy động giáo viên chấm thi và làm thế nào để bảo đảm chấm thi chính xác.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết cũng như môn toán, những thí sinh thi THPT quốc gia đều phải thi môn văn nên số lượng bài thi rất nhiều, trong khi trường lại không có giáo viên chấm môn này. “Mời giáo viên bên ngoài về chấm là chuyện đương nhiên nhưng sợ không kịp tiến độ, nếu tăng tốc thì sợ giáo viên chấm ẩu” - ông Dũng lo lắng.

Cũng liên quan đến giáo viên, ông Dũng cho biết năm 2015, khi tổ chức thi liên tỉnh thì có quy định giáo viên đến chấm bài nhất thiết không phải là giáo viên đã dạy ở các trường THPT có thí sinh đến thi nhưng năm nay, ông rất lo khi chấm thi cho học sinh tỉnh Bình Thuận lại là giáo viên của tỉnh vì không thể mời giáo viên tỉnh khác về bởi nhiều yếu tố khác nhau. “Tôi lo giáo viên THPT của tỉnh lại chấm thi cho học sinh tỉnh mình sẽ không bảo đảm khách quan, chính xác” - ông Dũng nhận định.

Mối lo trên đã nhận được sự chia sẻ của nhiều trường khác cũng chủ trì các cụm thi ĐH. TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng giáo viên của địa phương chấm cho học sinh địa phương mà không ưu ái mới lạ. Đến đây thì có ý kiến nếu địa phương nào chấm cho học sinh của mình cũng ưu ái thì coi như huề.

GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM; PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM và ông Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cùng cho rằng cần có giải pháp cho vấn đề này. Bà Quỳ đề xuất sau khi thi xong nên đưa về TP HCM rồi bốc thăm ngẫu nhiên để chấm nhưng kiến nghị này không nhận được sự ủng hộ của đại diện các trường khác.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, không nhờ giáo viên tại địa phương chấm bài thì không biết lấy giáo viên ở đâu mà chấm. Do vậy, cần có niềm tin với giáo viên và phải có cơ chế. Mối lo của các trường ĐH chủ trì được PGS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trấn an rằng những giáo viên được cử đi chấm thi đều là những người uy tín nên các trường hãy tin tưởng.

Môn ngoại ngữ: Đề nghị bỏ phần thi viết

Cũng liên quan đến vấn đề chấm thi, đại diện nhiều trường ĐH cho rằng đề thi môn ngoại ngữ chỉ nên là trắc nghiệm hoàn toàn chứ không nên có phần thi viết.

Theo đại diện của Trường ĐH Tiền Giang, môn ngoại ngữ có tỉ lệ tự luận 20% gây vất vả cho chấm thi, cách chấm và tổ chức chấm rất cực; chấm lâu, tiền không đủ trả nên không ai chịu chấm. Một đại diện đến từ ĐH Đà Nẵng cho rằng nếu vẫn duy trì thi viết thì nên tách hẳn ra, thí sinh làm xong phần trắc nghiệm sẽ nộp bài, sau đó mới thi viết bởi kỳ thi trước, đa phần thí sinh bỏ trắng thi viết.

Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét lại. “Năm nay, việc công bố điểm thi THPT quốc gia, Bộ  GD-ĐT không gom về để công bố như năm 2015 mà trường nào tổ chức thi sẽ tự công bố điểm. Do đó, các trường cần chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật” - ông Ga thông tin. Về kinh phí tổ chức, ông Ga cho biết gồm 2 khoản: khoản 1 thu của thí sinh 35.000 đồng/môn, ngân sách nhà nước cấp 25.000 đồng/môn/thí sinh. Chi phí đi lại, ăn ở cho cán bộ làm nhiệm vụ do ngân sánh nhà nước chi. Ông Ga cũng khuyến khích các trường nên lập nhóm xét tuyển để giảm thiểu thí sinh ảo.

Thi 8 môn trong 4 ngày

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được tổ chức thi 8 môn, gồm: toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, văn, sử, địa.  Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các môn: toán, văn, sử, địa thi theo hình thức tự luận; lý, hóa, sinh thi theo hình thức trắc nghiệm. Môn ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn.

Thí sinh thi trong 4 ngày, từ 1 đến 4-7. Cụ thể: Ngày 1-7: sáng thi toán, chiều thi ngoại ngữ; ngày 2-7: sáng thi ngữ văn, chiều thi vật lý; ngày 3-7: sáng thi địa lý, chiều thi hóa học;  ngày 4-7: sáng thi lịch sử, chiều thi sinh học.

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/lo-chat-luong-cham-thi-thpt-quoc-gia-20160321222702868.htm


Cập nhật thêm thông tin tuyển sinh 2016, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại đây.