Bộ GD-ĐT vừa tiếp tục xử phạt hàng loạt trường vi phạm về liên thông, liên kết đào tạo (LKĐT). Điều đáng nói là, tuy đã có động thái mạnh tay hơn, nhưng Bộ GD-ĐT vẫn bị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ ra là “công tác quản lý nhà nước về các phương thức đào tạo này còn nhiều bất cập”.
Xử phạt hàng loạt trường vi phạm
Thêm hàng loạt cơ sở ĐH-CĐ vừa bị Thanh tra Bộ GD-ĐT phạt hành chính và yêu cầu nhà trường buộc ngưng đào tạo, trả lại học phí cho sinh viên. Cụ thể, Trường ĐH dân lập Hải Phòng bị xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng do năm 2010, trường đã tuyển sinh và đào tạo 225 sinh viên (khóa 4) từ trình độ CĐ liên thông lên trình độ ĐH chính quy tại trường khi không được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo liên thông. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội bị phạt 7,5 triệu đồng do trường tuyển sinh chương trình LKĐT với Hội đồng liên ĐH Cộng đồng Pháp ngữ Bỉ sai đối tượng 3 người.
Thanh tra Bộ yêu cầu nếu trước 1-8-2013, các học viên tuyển sai chưa đạt trình độ tiếng Anh TOEFL 450, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội phải cho thôi học, trả lại các khoản tiền đã thu của người học và chịu mọi chi phí cho việc trả lại đối với người học.
Tương tự, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị xử phạt 60 triệu đồng do tuyển sinh các chương trình LKĐT với nước ngoài sai đối tượng theo quy định của các quyết định cho phép thực hiện chương trình của Bộ GD-ĐT. Thanh tra bộ buộc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải kiểm tra, rà soát, cho thôi học và trả lại các khoản tiền đã thu cho người học, chịu mọi chi phí cho việc trả lại đối với số sinh viên đã tuyển sai đối tượng.
Trường ĐH Dược Hà Nội bị phạt 5 triệu đồng do tuyển sinh chương trình LKĐT với Trường ĐH Paris Descartes, Trường ĐH Paul Sabatier - Toulouse III, Trường ĐH Aix - Marseille (Cộng hòa Pháp) sai đối tượng 2 người. Thanh tra bộ yêu cầu nếu đến cuối tháng 7-2013, 2 học viên tuyển sai quy định không có bằng DELF B1, Trường ĐH Dược Hà Nội phải cho thôi học, trả lại các khoản tiền đã thu của người học và chịu mọi chi phí cho việc trả lại đối với người học.
Cùng với đó, Trường CĐ Xây dựng số 2 (TPHCM) bị phạt 15 triệu đồng do vi phạm về quản lý, cấp phát văn bằng theo quy định. Bộ yêu cầu trường thu hồi, hủy bỏ số bằng tốt nghiệp CĐ đã cấp sai quy định và tổ chức đào tạo, thi tốt nghiệp, cấp bằng cho người học khi có đủ điều kiện theo quy định. Trường CĐ Sư phạm Lào Cai bị xử phạt hành chính 4 triệu đồng theo quy định của Chính phủ do năm 2010, trường đã tuyển sinh và đào tạo 310 sinh viên hệ vừa làm vừa học trình độ CĐ tại trường khi không được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo hệ vừa làm vừa học…
Hàng loạt các quyết định xử lý vi phạm về hoạt động liên thông, LKĐT được Bộ GD-ĐT đưa ra trong thời gian qua khiến xã hội đặt câu hỏi: lĩnh vực này đang tồn tại theo kiểu “đụng đâu sai đó”.
>> Xem bài: Cần thận với các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ "chui"
Không thể “phạt rồi cho tồn tại”
Ngoài những sai phạm, yếu kém trong hoạt động liên thông đào tạo thì hoạt động LKĐT, nhất là LKĐT với các cơ sở nước ngoài của các trường ĐH-CĐ đã từng được Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra và chỉ ra những sai phạm mang tính hệ thống. Sau đó, Bộ GD-ĐT cũng đã tăng cường thanh tra và liên tiếp đưa ra các động thái xử lý, chấn chỉnh. Tuy nhiên, mới đây nhất, báo cáo giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các nội dung liên quan đến giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra cũng đã cho thấy, lĩnh vực này tiếp tục có nhiều sai phạm.
Theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hoạt động LKĐT trong nước thời gian qua, đặc biệt là việc tổ chức LKĐT ngoài cơ sở chính để cấp bằng CĐ, ĐH chính quy bộc lộ nhiều bất cập; nội dung, chương trình đào tạo cũng thường bị cắt xén; cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị liên kết còn thiếu thốn, lạc hậu, không phù hợp… dẫn tới chất lượng LKĐT không bảo đảm.
Nhức nhối nhất là hoạt động LKĐT với nước ngoài. Cả nước hiện có 385 chương trình LKĐT với 29 quốc gia trên thế giới được cấp phép hoạt động dưới hình thức không vì lợi nhuận và được thực hiện chủ yếu bằng nguồn kinh phí do người học đóng góp. Ngoài Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm về cấp phép các chương trình LKĐT còn có 5 ĐH được phân quyền tự chủ trong thẩm định, cấp phép các chương trình LKĐT cho các cơ sở thành viên trực thuộc. “Tuy nhiên, cơ cấu ngành nghề đào tạo của các chương trình liên kết còn chưa cân đối: phần lớn là các chương trình LKĐT trong lĩnh vực kinh tế, quản trị và quản lý (chiếm 56,5%), còn lại là các chương trình thuộc các ngành khoa học kỹ thuật và có rất ít chương trình thuộc nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp và y dược. Cá biệt có một vài chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - lĩnh vực không khuyến khích việc LKĐT với nước ngoài”, ông Đào Trọng Thi cho biết.
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ cũng như cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh những yếu kém của lĩnh vực này, tuy nhiên hiệu quả chưa đáng là bao. Những hạn chế, nguy cơ, rủi ro của hoạt động LKĐT với nước ngoài vẫn đầy rẫy khi nhiều trường cố tình thực hiện sai phép và vô tình khiến người học lãnh đủ hậu quả. Trong đó, một trong nguyên nhân được chỉ ra là do công tác thanh tra, kiểm tra trong LKĐT với nước ngoài của ngành GD-ĐT chưa đủ rộng khắp và kịp thời dẫn tới tình trạng liên kết “chui” không xin phép của một số đơn vị. Đặc biệt, tình trạng liên kết “chui”, không phép còn diễn ra ở một số viện nghiên cứu tư nhân, trung tâm và một số cơ sở khác không có chức năng đào tạo, không đáp ứng được các điều kiện về LKĐT với nước ngoài.
Ngoài ra, công tác thẩm định năng lực của đối tác liên kết còn chưa sâu sát dẫn đến có trường hợp tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài không bảo đảm, nhiều chương trình liên kết của một số trường ĐH chưa được kiểm định chất lượng nhưng vẫn được đưa vào hoạt động tại Việt Nam (như Trường ĐH Frederick Taylor, Trường ĐH Quốc tế Mỹ, Trường ĐH Preston, Trường ĐH Nam Thái Bình Dương, Trường ĐH Irvine - Hoa Kỳ…). Thực tế này đang đòi hỏi ngành GD-ĐT phải mạnh tay hơn trong việc xử lý sai phạm, không thể xử lý theo kiểu “phạt rồi cho tồn tại”
Sẽ thanh tra đột xuất thi ĐH-CĐ 2013
Ngày 10-6, Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn thanh tra tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013. Theo đó, bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra cắm chốt), kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi và xét tuyển tại một số hội đồng tuyển sinh. Các đoàn thanh tra coi thi, chấm thi sẽ theo hình thức thanh tra đột xuất. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương có trường thành lập các đoàn (hoặc cử cán bộ) thanh tra, phối hợp với Thanh tra Bộ GD-ĐT tiến hành thanh tra việc thực hiện quy chế tuyển sinh ở các trường trực thuộc. Các cơ sở giáo dục đại học cũng phải thành lập các đoàn thanh tra (hoặc cử cán bộ thanh tra cắm chốt), thực hiện thanh, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, công tác coi thi, chấm thi, thanh tra công tác chấm kiểm tra, chấm phúc khảo và công tác xét tuyển.
Tin bài gốc: SGGP
Thông tin cần biết mùa tuyển sinh:
Kenhtuyensinh
Theo: SGGP