Sự kiện: Sau đại học / tuyển sinh thạc sĩ / học thạc sĩ / học mba

Liên kết đào tạo thạc sĩ “chui”

Dù Bộ GDĐT đã quy định “Việc đào tạo thạc sĩ phải được thực hiện ở cơ sở đào tạo, không được phép ngoài nhà trường”, tuy nhiên nhiều trường vẫn công khai tổ chức liên kết đào tạo.

Tuyển sinh thạc sĩ rầm rộ

Trong thông báo mới nhất (đăng ngày 25.4.2013) trên website của mình, Trường ĐH Tiền Giang thông báo tuyển sinh bậc học thạc sĩ liên kết năm 2013 với Trường ĐH Nông Lâm TP HCM 2 chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí và Quản lý tài nguyên môi trường. Theo đại diện phòng tuyển sinh nhà trường, dự kiến ngày thi tuyển sẽ diễn ra vào tuần đầu tháng 8.2013 tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, học viên sẽ học tập trung tại cơ sở của ĐH Tiền Giang vào các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật sau khi trúng tuyển.

Cần thận với các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ

Một lớp liên kết đào tạo trái phép bậc thạc sĩ giữa ĐH Quốc gia Hà Nội với ĐH Griggs (Mỹ).

Ngoài chương trình liên kết với ĐH Nông Lâm TP.HCM, Trường ĐH Tiền Giang còn tổ chức các lớp liên kết thạc sĩ với các trường thành viên thuộc ĐH Huế từ năm 2011, gồm: Ngành Khoa học máy tính (ĐH Khoa học); ngành Kinh tế chính trị (ĐH Kinh tế); ngành Phát triển nông thôn (ĐH Nông Lâm); ngành Lý luận và Phương pháp dạy học môn tiếng Anh (Trường ĐH Ngoại ngữ); ngành Quản lý giáo dục, Lý luận và Phương pháp dạy học môn lịch sử, vật lý, sinh học; Địa lý tự nhiên; Hóa vô cơ, Toán giải tích (ĐH Sư phạm)… với quy mô đến nay là hàng nghìn sinh viên đang theo học.

Tại Đồng Nai, Trường ĐH Kinh tế Huế cũng ra thông báo rầm rộ chương trình liên kết tuyển sinh bậc thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh với Trường ĐH Đồng Nai. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Anh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học sau ĐH và Quan hệ quốc tế của trường lại một mực phủ nhận có chương trình này. Theo ông Tuấn: “ĐH Kinh tế Huế “tự ý” lấy thông tin đặt cơ sở tuyển sinh ở trường chứ chúng tôi không biết”.

Cần thận với các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ "chui"

Hình minh họa, chủ đề Cần thận với các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ "chui"

Tuy nhiên, trong công văn đến số 754 ngày 19.12.2012 do ĐH Kinh tế Huế ký gửi Trường ĐH Đồng Nai thì lại có chữ ký của Hiệu trưởng Trần Minh Hùng với dòng chữ: “Chuyển P.QLHK HT Q tế đăng trên website trường”. Giấy trắng mực đen nhưng ông Hùng một mực phủ nhận chữ ký này là của ông.

Tại Vĩnh Long, Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cũng ra thông báo tuyển sinh chương trình cao học liên kết với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển thạc sĩ kỹ thuật gồm các chuyên ngành: Kỹ thuật cơ khí động lực; Công nghệ thông tin; Chế tạo máy; Kỹ thuật điện tử và Kỹ thuật điện. Theo ông Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng nhà trường: “Trường chuẩn bị nâng cấp lên ĐH nên việc liên kết này chỉ nhằm mục đích phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên của trường”.

Tương tự, ĐH Xây dựng miền Tây cũng tổ chức đào tạo chương trình liên kết bậc thạc sĩ với Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, tuyển sinh 2 ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Quản lý đô thị và công trình. Hiện trường vừa có kết quả trúng tuyển của 38 thí sinh dự thi vào ngày 2.5.2013.

Còn tại Cần Thơ, nhiều trường trên địa bàn cũng tuyển sinh thạc sĩ liên kết với các trường ĐH, CĐ khu vực TP.HCM như: ĐH Cần Thơ tổ chức tuyển thạc sĩ liên kết với ĐH Bách khoa TP.HCM ở 8 chuyên ngành (Kỹ thuật điện; Kỹ thuật điện tử; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Kỹ thuật xây dựng công trình ngầm; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Kỹ thuật Hóa học; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật cơ điện tử. Trường CĐ nghề Cần Thơ cũng tổ chức đào tạo bậc thạc sĩ liên kết với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM các chuyên ngành: Điện, Điện tử; Giáo dục học…

Dùng giấy phép của tỉnh

Hầu hết các chương trình tuyển sinh liên kết đào tạo sau ĐH ở nhiều trường khu vực phía Nam đều được “xin phép” từ UBND tỉnh, thậm chí có trường chỉ có công văn đồng ý “về mặt chủ trương” của Sở GDĐT.

Tại Trường ĐH Đồng Nai, khi chúng tôi hỏi giấy phép đào tạo bậc thạc sĩ 8 chuyên ngành đào tạo liên kết với ĐH Huế, phía nhà trường chỉ đưa ra được công văn của Bộ GDĐT cho phép ĐH Huế tuyển sinh theo Đề án “Hỗ trợ các địa phương khó khăn đào tạo sau ĐH khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ”.

Riêng giấy phép Bộ GDĐT đồng ý đặt cơ sở đào tạo chương trình này tại ĐH Đồng Nai, chỉ tiêu cho phép hàng năm... thì phía nhà trường không xuất trình được. Ông Trần Minh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi đã báo cáo lên tỉnh và đã được tỉnh đồng ý” và ông khẳng định: “Một trường lớn như ĐH Huế thì không có chuyện làm bậy được”.

Tương tự, tại Trường CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, ông Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết không có giấy phép từ Bộ GDĐT cho trường liên kết với ĐH Bách khoa Hà Nội: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là liên kết với một đơn vị uy tín như ĐH Bách khoa Hà Nội để đào tạo đội ngũ cho phát triển nhà trường thôi nên tôi chỉ có công văn gửi UBND, Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Long”. Cũng theo ông Phi: “Trường Bách khoa Hà Nội là một trong số ít các trường có quyền tự chủ và CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là trường thuộc khu vực được ưu tiên nên tôi nghĩ khóa học là hợp lệ”.


Bạn có thể để lại ý kiến, câu hỏi hoặc các bình luận liên quan tới chủ đề của bài viết này ngay tại ô bên dưới!

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Báo Dân Việt - Xem tin gốc )