Ngày thứ hai cảm xúc

Những lễ chào cờ đầu tuần ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3, TP.HCM luôn được cả trường khao khát, đợi chờ và luôn diễn ra trong cảm xúc ngập tràn.

Đó là nhờ ban giám đốc trung tâm này đã quyết định giao cho học sinh các lớp tự tổ chức, dàn dựng và điều khiển chương trình lễ chào cờ.

le chao co, chao co dau tuan, chao co, quoc ca, quoc ca viet nam, trung tam giao duc thuong xuyen, tuoi tre

 

Tiết mục kịch Gánh hàng rong của lớp 10B5 diễn tại lễ chào cờ.  Ảnh: Bá Diệp


Đó là những lễ chào cờ thoát khỏi lối mòn xưa cũ: không có cảnh thầy cô độc thoại trước micro, học sinh ngao ngán ngồi nghe dưới sân cờ. Mỗi lớp sẽ luân phiên phụ trách tổ chức một chương trình chào cờ theo chủ đề do mình đăng ký. Mỗi chương trình nhắn nhủ một thông điệp riêng. Và những buổi chào cờ này đã thu được kết quả với đối tượng HS đặc biệt, “lắm tật nhiều tài” ở hệ giáo dục thường xuyên.

Những lễ chào cờ cảm động

Với chủ đề về “Anh bộ đội”, lễ chào cờ buổi sáng thứ hai đầu tháng 12 do lớp 11A1 phụ trách được mang tên “Màu hoa đỏ”. Một chương trình chào cờ đầy ắp cảm xúc về người lính.

Điều khiển nghi thức lễ chào cờ và dẫn chương trình buổi chào cờ là MC của lớp. Sân trường khiêm tốn với diện tích chưa đến 300m², hơn 400 HS nghiêm trang với lời bài hát quốc ca hào hùng. Sau đó MC mời cô giám thị nhận xét kỷ luật trong tuần qua, mời thầy trợ lý thanh niên thông tin về việc phụ đạo miễn phí cho HS yếu kém. Như tất cả những chương trình chào cờ ở trung tâm này, phần thông tin từ nhà trường được thầy cô phát biểu ngắn gọn trong vài phút. 25-30 phút trong lễ chào cờ dành cho phần văn nghệ luôn được HS mong chờ mỗi thứ hai.

“Khăn này gửi anh dùng để gói theo cơm nắm. Khi hành quân cơm sẵn bên lưng, Vững thêm lòng khi nắng hạ mưa đông” - với lời bài hát Chiếc khăn tay trong tiết mục song ca nữ, tập thể 11A1 khắc họa tình quân dân thời kháng chiến. Bài hát đã nhận được tràng vỗ tay nồng nhiệt. Nhưng tiết mục đơn ca có múa minh họa bài hát Màu hoa đỏ mới là tiết mục sâu lắng nhất của chương trình. “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo, Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về...” cả sân trường đã yên lặng trong cảm xúc theo giọng hát tha thiết của bạn Phan La Văn. Và cuối cùng vỡ òa trong tràng vỗ tay không dứt. Đó là tiết mục gợi cảm nhận sâu sắc nhất giữa những ngày tháng 12, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân VN.

Như thường lệ, cô Nguyễn Như Ngọc - phó giám đốc - có lời nhận xét: chương trình của lớp 11A1 rất cảm xúc, ôn lại lịch sử nhân ngày 22-12. Cô ngợi khen tinh thần cổ vũ nhiệt tình của toàn trường kèm lời nhắc khéo các anh chị lớp 12 hôm nay có phần kém nhiệt tình hơn khi cổ vũ phần trình diễn của đàn em.

Với chủ đề “Mẹ yêu”, lớp 10B5 đã chia sẻ đến thầy cô và các bạn các khối lớp buổi chiều nghĩ về những đấng sinh thành, về tình mẫu tử. “Tháng 12, kết thúc một năm... Ngẫm lại thấy mình đã lớn. 16, 17 năm qua có bao thay đổi nhưng có một điều không thay đổi, đó là tình cảm mỗi người dành cho gia đình mình... Mẹ - người phụ nữ vĩ đại nhất mà mỗi người con có được trong đời...”. Và ca khúc Nước trong nguồn mở màn chương trình đầy cảm xúc về tình mẫu tử. Ca khúc Mẹ, con đã về khơi mào cảm xúc cho mọi người về người mẹ.

Tiết mục “nặng ký nhất” chương trình này là vở ca kịch Gánh hàng rong. Có người mẹ một mình nuôi con với gánh tàu hũ tảo tần mưa nắng. Đứa con gái duy nhất của bà ngỗ nghịch, ăn chơi, làm “trùm” một nhóm bạn gái thường nhậu nhẹt, gây sự, ức hiếp bạn bè và đánh nhau. Câu chuyện được các “diễn viên học trò” diễn y như thật những cảnh quậy phá ngỗ nghịch tuổi mới lớn. Cảm xúc dâng cao trào khi người mẹ nghèo lam lũ qua đời vì bệnh tật, khi đứa con biết hối hận sửa sai thì mẹ đã không còn... Lời bài hát ngân vang “gánh hàng rong nuôi lớn đời tôi” và tiếng rao “tàu hũ đây” văng vẳng khiến gương mặt nhiều HS lớp 6, 7, 8, 9 trầm ngâm trong cảm xúc. Nội dung vở kịch học trò tự biên tự diễn có thể không sâu sắc như mong đợi, nhưng đã chạm đến suy nghĩ, đến hành vi ứng xử hằng ngày, đến cảnh ngộ cuộc đời của nhiều HS đang theo học hệ giáo dục thường xuyên.

Từ trái tim đến trái tim

Đây là hai trong số hơn 15 chương trình chào cờ do HS “tự biên tự diễn” tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3, TP.HCM từ đầu năm học đến nay. Mỗi chương trình một chủ đề, một nét độc đáo riêng. Có chủ đề về thầy cô, về cha mẹ, về người lính, cũng có cả chủ đề về giới tính tuổi mới lớn. “Khán giả” cũng có nhiều cảm xúc khác biệt: khi hò hét, cổ vũ nhiệt tình với những tiết mục hát, múa, rất hiện đại và rất teen; khi cảm xúc với một vở nhạc kịch, khi tò mò vì một trò ảo thuật, khi khác thả hồn với những tiết mục độc tấu ghita, beatbox... Những lễ chào cờ đặc biệt này không chỉ giúp toàn trường “xả stress” mà còn là nơi để mỗi cá nhân tự tin thể hiện mình, nơi bạn bè gắn bó, tập thể đoàn kết hơn.

Là thành viên dàn dựng chương trình văn nghệ chủ đề về thầy cô, Trà My, lớp12A4, kể lại tâm trạng những ngày làm chương trình: hồi hộp, lo lắng, nhưng khi được khen ngợi thì rất vui và hào hứng. Những buổi chào cờ như vậy giúp từng cá nhân tự tin thể hiện năng khiếu, bạn bè thân thiết hơn, đoàn kết hơn. “Cảm ơn lớp 11A1 đã mang đến một chương trình cảm động và ý nghĩa về người lính, về ngày 22-12. Mỗi chương trình như vậy là dịp mọi người được thư giãn và mở rộng hiểu biết”.

Còn cảm nhận riêng của Anh Huy, HS lớp 12A2: “Màu hoa đỏ” là một buổi biểu diễn đặc biệt nhất, sâu lắng nhất, dạt dào tình cảm nhất trong những chương trình đã qua. Sau những lời bài hát là hình ảnh anh bộ đội, gợi nhớ một phần lịch sử, một cách rất tự nhiên gợi cho mình những suy nghĩ, cảm xúc về đất nước... Huy cho rằng: “Từ khi trường đổi mới lễ chào cờ, ai cũng mong chờ đến thứ hai, mở đầu một tuần vui vẻ, khí thế, nhờ đó các bạn hứng thú hơn, có thể học tốt hơn”.

Chương trình lễ chào cờ thể hiện sự chung sức của từng lớp. Và ở đó, khao khát thể hiện mình của những HS “lắm tật nhiều tài”. Phan La Văn, lớp 11A1, nói: “Để dàn dựng một chương trình cần MC tự tin, lưu loát trước đám đông, các lớp tự làm DJ (chỉnh nhạc) cho các tiết mục của mình. Qua các chương trình cho thấy không chỉ có những MC tốt, những giọng ca hay, những diễn viên múa, diễn viên kịch tiềm năng mà lớp nào cũng có “nhân tài” trong lĩnh vực âm thanh, sân khấu... Khi xem các chương trình, ban đầu các bạn chỉ bình luận phần khả năng văn nghệ, càng về sau các bạn đánh giá sâu hơn theo kiểu chương trình nào dàn dựng tốt hơn, sát chủ đề hơn. Không chỉ có những chương trình vui nhộn, kiểu giải trí, các bạn cần những chương trình sâu lắng, cảm xúc, xem và nhớ, qua đó học được nhiều thứ”.

Cùng vui, cùng cảm xúc khi tuần mới bắt đầu

Đối với nhiều HS, những lễ chào cờ kiểu cũ trước nay thầy cô nói đều đều trên bục, cả trường thụ động ngồi nghe, nhiều lúc cảm giác như bị “tra tấn”, quá nhàm chán... Thông tin thầy cô dặn dò cứ tai này qua tai kia, không nhớ được nhiều. Giờ lễ chào cờ kiểu mới này các lớp thi nhau thể hiện mình. Ai cũng mong chờ đến thứ hai, chờ cảm xúc mới cho một tuần mới. Nhiều thầy cô chủ nhiệm cũng vui với vai trò đạo diễn, biên đạo chương trình, cùng bất ngờ, cùng hòa cảm xúc với những điều HS bày tỏ qua từng tiết mục.

"Quyết định thay đổi hình thức và nội dung lễ chào cờ trước hết vì mong muốn mở một sân chơi lành mạnh cho HS thể hiện mình. Những chủ đề do HS tự chọn có hướng đến những ngày kỷ niệm trong tháng. Những ý tưởng, thông điệp từ HS, chương trình HS tự dàn dựng và chuyển tải đến toàn trường sẽ hấp dẫn hơn, nhớ lâu hơn. Và HS tự học nhiều điều bằng cảm nhận của mình."

Thầy Võ Ngọc Sơn (giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3)

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kênh Tuyển Sinh

Theo: báo Tuổi trẻ