Có một sự thật trong thời kỳ bất ổn: bạn thường quá lo lắng về những điều mình không thể kiểm soát thay vì tập trung vào những điều nằm trong tầm kiểm soát của mình. Điểm mấu chốt ở đây là dù năm nay tìm việc có thể khó hơn năm ngoái, nhiều công ty – bao gồm cả những công ty đã cắt giảm nhân sự ở một vài bộ phận – vẫn đang tuyển dụng thêm nhân sự. Cách tốt nhất để thành công khi ứng tuyển vào những vị trí này là tích cực tiếp thị bản thân và kỹ năng của bạn.

 

Hồ sơ, hồ sơ và hồ sơ

Có nhiều cách khác nhau để tạo mới hồ sơ. Cách phổ biến nhất vẫn là tạo một hồ sơ liệt kê những công việc gần nhất, cùng với trách nhiệm và kỹ năng liên quan.

Tuy nhiên, việc cập nhật tất cả vào một hồ sơ duy nhất luôn mang tính “máy móc”, tốt nhất bạn nên viết từng hồ sơ và thư xin việc khác nhau để phù hợp với mỗi vị trí ứng tuyển. Đừng quên nhấn mạnh những thành tích trong công việc trước đây có liên quan đến vị trí bạn đang nhắm đến, đồng thời làm nổi bật bất kỳ kỹ năng nào có thể giúp bạn khác biệt với những ứng viên khác.

Dù bạn dành nhiều công sức để làm bản thân và kỹ năng “tỏa sáng” trên hồ sơ, hãy nhớ nhà tuyển dụng (NTD) chỉ dành vài phút để xem hồ sơ của bạn. Vì vậy, đừng khiến họ phải mỏi mắt tìm những thông tin họ cần. Hãy làm nổi bật những thông tin quan trọng!

Chẳng hạn như nhấn mạnh sự am hiểu của bạn về một phần mềm mang tính ứng dụng cao trong công việc sau này. Nếu có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt hoặc kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, hãy nhấn mạnh điều này. Yếu tố này đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia.




Làm thế nào để nhà tuyển dụng đánh giá tốt hồ sơ xin việc của bạn - Ảnh 1



Viết thư xin việc đúng hướng

Thư xin việc thường bị bỏ quên khi săn việc. Hãy sử dụng phương tiện này để trình bày một cách ngắn gọn và rõ ràng về kỹ năng và thành tích làm việc của bạn. Đồng thời, giải thích vì sao những kỹ năng và kinh nghiệm đó phù hợp với công việc đang ứng tuyển. Tốt hơn nữa, hãy dùng những số liệu cụ thể để minh họa cho thành tích của mình.

Một nhân viên bán hàng có thể nhấn mạnh những nỗ lực mình đã thực hiện để tăng doanh thu ở công ty cũ. Một nhân viên biên tập web có thể tạo được sự chú ý nhờ mức tăng ấn tượng của số lượng người xem trang web. Đây có vẻ như là một lời khuyên mà ai cũng biết, nhưng trong mọi trường hợp, đừng bao giờ viết thư xin việc theo kiểu “trăm cái như một”.

Nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nhận ra nếu bạn dùng lại hoặc “cắt và dán” từ một lá thư xin việc cũ. Cách làm này không chỉ khiến bạn thất bại trong việc giới thiệu bản thân mà trong nhiều trường hợp nó còn khiến hồ sơ của bạn nhanh chóng bị bỏ qua.



Nổi bật từ những mối quan hệ xã hội

Một cách quan trọng nữa để làm mình nổi bật so với các ứng viên khác là tận dụng một cách hiệu quả những mối quan hệ từ các mạng xã hội. Trang web như LinkedIn… là phương tiện hữu hiệu trong việc này.

Nếu bạn quen một người từ mạng xã hội đã từng làm việc ở công ty bạn quan tâm, đừng ngần ngại nhờ họ giúp bạn tìm hiểu về công ty hay giới thiệu bạn với NTD tương lai và đề cập rõ mối quan hệ này trong hồ sơ. Cách làm này tuy không mới mẻ, nhưng nhiều người vẫn tìm được công việc mong muốn nhờ sự trợ giúp của bạn bè và đồng nghiệp từ các trang mạng xã hội.




Làm thế nào để nhà tuyển dụng đánh giá tốt hồ sơ xin việc của bạn - Ảnh 2



Thư cảm ơn – cách cũ nhưng hữu dụng

Thư cảm ơn là một lá thư ngắn gửi cho NTD trong vòng 1 hay 2 ngày sau buổi phỏng vấn. Mục đích chính khi bạn viết thư cảm ơn là nhắc NTD nhớ đến bạn và một lần nữa khẳng định mong muốn của bạn có được công việc này.

Thư cảm ơn còn đem lại cơ hội để bạn đề cập ngắn gọn đến một kỹ năng hay thành tích quan trọng mà bạn đã quên nói trong lúc phỏng vấn, hay quên đưa vào hồ sơ hoặc thư xin việc. Gửi thư cảm ơn sẽ giúp bạn nổi trội hơn so với những ứng viên khác, vì rất nhiều người trong số họ không bao giờ gửi thư cảm ơn và vì thư cảm ơn vẫn được xem là một cách phổ biến để bạn thể hiện sự trân trọng với NTD.




Làm thế nào để nhà tuyển dụng đánh giá tốt hồ sơ xin việc của bạn - Ảnh 3



Cuối cùng, đừng xem thường giá trị của các tổ chức nghề nghiệp

Tình nguyện tham gia vào hiệp hội hàng đầu trong ngành nghề của bạn là một cách lý tưởng để cập nhật thông tin về những xu hướng mới trong ngành. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để thiết lập các quan hệ xã hội mới và mở rộng tầm nhìn của bạn trong công việc.

Điều quan trọng bạn cần lưu ý là: không nên tận dụng các cơ hội gặp gỡ này để tìm việc một cách quá lộ liễu. Không gì làm các VIP ngán ngẩm hơn là bị “bao vây” bởi người tìm việc tại các sự kiện của hiệp hội. Tiếp cận NTD theo một chiến lược dài hạn sẽ tốt hơn.

Chẳng hạn, bạn tình nguyện ứng cử vào những ủy ban quan trọng, tự nguyện làm việc và đóng góp những kỹ năng của bạn cho hiệp hội bằng một cách nào đó. Như vậy, bạn sẽ tiếp thị được hình ảnh của mình. Suy cho cùng, “săn” việc cũng là một hình thức xây dựng thương hiệu. Giới thiệu bản thân theo cách này sẽ đem lại hiệu quả cao về lâu dài.

Theo VnExpress