Kỹ năng giao tiếp: Bí quyết tạo thiện cảm với người lớn tuổi


“Yêu trẻ, trẻ đến nhà. Kính già già để tuổi cho”. Văn hóa ứng xử với người lớn tuổi là nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt tự bao đời nay. Ngày Tết, người Việt Nam có thói quen nhớ về Tổ tiên, cội nguồn, bộc lộ lòng biết ơn đối với những người đã có công giúp đỡ mang may mắn đến cho mình. Chút quà quê hương dâng lên bàn thờ Tổ, mang lễ vật đến tạ ơn những người mình biết ơn chính là biểu hiện cụ thể của một tập quán rất đẹp ấy. Đó thật sự là những ứng xử có văn hoá. Với tình cảm chân thành, lòng biết ơn thật sự đó là nghệ thuật ứng xử. Dưới đây là một số bí quyết trong nghệ thuật giao tiếp với người lớn tuổi.



Nguyên tắc chung khi ứng xử với người cao tuổi

  • Với một người lớn tuổi không thân thiết hoặc người lạ: Sự kính trọng là yếu tố hàng đầu trong kỹ năng giao tiếp với người lớn tuổi. Đối với bất kỳ người lớn tuổi nào, bạn cũng cần phải dành cho họ sự kính trọng, lễ độ. Nhiều bạn trẻ có tật rất xấu là với người lớn tuổi làm những nghề quét rác, lao công, bán hàng rong…họ đều có thái độ cộc cằn, xem thường trong xưng hô cũng như trong đãi ngộ. Hãy ghi nhớ nguyên tắc là trong xã hội của chúng ta, chỉ có người lớn tuổi và người nhỏ tuổi, chứ không phân biệt họ giàu hay nghèo, sang hay hèn mà bạn đãi ngộ khác biệt.
  • Với người lớn tuổi đã thân quen: Bạn có thể thêm một vài gia vị hài hước, quan tâm trong câu chuyện của mình. Người lớn tuổi thích được khen, và được người nhỏ tuổi hơn mình nhiều khen là điều họ thích thú, vì vậy đừng ngại trao cho họ vài lời khen nho nhỏ (dĩ nhiên việc khen này phải thực tế, đừng khen cái mà họ không có).

 


Các kỹ năng giao tiếp ứng xử quan trọng với người lớn tuổi

1. Kỹ năng trò chuyện

Do sự chênh rất lớn về tuổi tác, sở thích, mối quan tâm nên rất nhiều bạn trẻ hiện nay thường tỏ ra rất ngại khi phải nói chuyện với người lớn tuổi hơn mình như: Ông, bà, bố, mẹ, chú, bác,… Tuy nhiên, nếu có những hiểu biết nhất định về kỹ năng giao tiếp ứng xử, lo lắng này của bạn sẽ chỉ là vấn đề nhỏ.

Khi giao tiếp ứng xử với người lớn tuổi, yêu cầu đầu tiên là lời chào và trò chuyện với thái độ lễ phép, kính trọng. Các lời về hỏi thăm sức khỏe, các hoạt động hàng ngày, thành viên trong gia đình, chế độ ăn uống, các cuộc gặp gỡ bạn bè,… sẽ là những gợi ý để cuộc nói chuyện của bạn không bị ngắt quãng hoặc tránh tình trạng bạn bị lúng túng, không biết bắt đầu cuộc nói chuyện từ đâu.

Tuy nhiên, bạn cũng cần nhớ, những điều này thuộc về yếu tố cá nhân, nên nếu chưa ở mức thân thiết quá mức, hãy chỉ hỏi thăm ở mức độ đúng mực để những lời nói đó trở thành lời hay ý đẹp, tránh bị cho là thiếu lễ nghĩa phép tắc bạn nhé.

Gợi ý cho bạn về các chủ đề nói chuyện với người cao tuổi:

Nhiều bạn thắc mắc không biết sẽ nói chuyện gì với người lớn tuổi vì sự chênh lệch tuổi tác, khác biệt về sở thích, mối quan tâm… Vì vậy, chỉ ngồi uống nước một lát là bạn đã thấy “không có chuyện gì để nói”. Với người lớn tuổi, hãy nói chuyện về các chủ đề:

 

  • Hỏi thăm sức khỏe
  • Hỏi thăm các thành viên trong gia đình
  • Hỏi thăm hoạt động gần đây của họ “có đi đâu chơi không, có ra công viên tập thể dục không, …)
  • Kể chuyện tình hình học tập, làm việc, gia đình của bạn. Nếu người lớn tuổi quen biết với bố mẹ bạn, hãy kể cho họ nghe chuyện về bố mẹ. Thể hiện sự quan tâm của bố mẹ với cuộc sống hàng ngày của họ.
  • Yêu cầu họ kể các câu chuyện về các thành viên trong gia đình họ, chuyện thời trẻ của họ… bạn đừng ngại vì nghĩ “đây là chuyện riêng tư”, những người lớn tuổi rất thích nói về tuổi trẻ của mình.
  • Hỏi  ý kiến của họ về vấn đề gì đó mà bạn đang quan tâm, ví dụ “cháu nghe nói rất nhiều bạn trẻ đi phá thai lúc mới 17-18 tuổi. Thời của bác thì sao ạ?…”

 

Có rất nhiều chủ đề để nói, bạn chỉ cần nắm được điểm này: nếu người lớn tuổi hợp tính cách, quan điểm với bạn, hãy nói về các vấn đề chung của xã hội, sở thích chung của hai người. Nếu bạn còn chưa biết họ tính khí ra sao thì hãy hỏi thăm họ là chính. Tránh đưa ra thảo luận vấn đề vì đôi khi đó không phải là điều họ biết/quan tâm nên có thể cuộc nói chuyện sẽ gặp trục trặc.

Làm sao có được thiện cảm khi giao tiếp với người lớn tuổi?Làm sao có được thiện cảm khi giao tiếp với người lớn tuổi?

 

2. Kỹ năng tặng quà cho người lớn

Từ rất lâu, tặng quà được xem là văn hóa giao tiếp của nhiều nước trên thế giới. Vì “Quà tặng không quan trọng bằng cách tặng”, do đó để món quà thêm ý nghĩa với người lớn tuổi, hãy chú ý đến sở thích cá nhân của người đó.

Một món quà nhỏ nhưng trọn vẹn ý nghĩa sẽ tốt hơn rất nhiều so với những món quà đắt đỏ. Việc kèm theo cánh thiệp hồng, những dòng chữ chúc tặng cùng lời gửi chân thành là kỹ năng sống giúp bạn được đánh giá rất cao trong mắt người lớn tuổi rồi đấy.

Tip dành cho bạn: Nên tặng gì cho người lớn tuổi?

  • Trừ khi bạn đến gia đình họ quá thường xuyên, tốt hơn là nên mua một món quà gì đó. Không hẳn là quá trang trọng hay đắt tiền: có thể chỉ là bó hoa nhỏ, hộp bánh, hộp chè xanh, một ít trái cây, đặc sản nào đó… Giá trị vật chất không lớn nhưng bạn sẽ làm họ vui lòng và khiến mối quan hệ tốt đẹp hơn.
  • Những cấm kỵ: đừng mua quà quá đắt tiền so với tình hình tài chính của bạn. Bạn sẽ khiến họ thấy không thoải mái hoặc nghi ngờ bạn đang dùng quà để nhờ họ giúp đỡ chuyện gì đó…

 

3. Ghé thăm đều đặn, đúng thời gian

Được sống vui vầy, hạnh phúc bên con cháu, là mong ước lớn nhất của tuổi già. Lúc này, tiền bạc sẽ trở nên thứ yếu, cảm giác luôn được hỏi thăm, săn sóc lẫn nhau sẽ là điều cần thiết hơn. Nếu có ý định đến thăm những người lớn tuổi, hãy chọn khoảng thời gian cuối tuần, sẽ rất ý nghĩa đó.

Mẹo giao tiếp: Cách chọn thời điểm đến thăm

Không phải hễ cứ mong muốn là bạn có thể tới thăm nhà người quen lúc nào cũng được. Nếu cuộc thăm viếng chẳng có gì gấp gáp, hãy cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp. Nếu người lớn tuổi còn đang bận đi làm, hãy chọn vào dịp cuối tuần là lúc họ rảnh rỗi nhất (và bạn cũng không phải tới trường hay nơi làm việc). Nếu bạn chỉ có ý định ghé thăm một lát, hãy đến vào giờ giữa buổi như 3h chiều (đảm bảo là họ đã ngủ trưa xong), 10 giờ sáng (đảm bảo họ đã thức giấc). Đừng đến vào sát giờ ăn cơm hay đúng lúc nhà người khác đang dùng cơm: sẽ rất bất tiện và khó xử cho cả chủ và khách. Trừ khi bạn đã thân thiết với chủ nhà, còn nếu mối quan hệ đang ở mức quen biết, hãy lưu ý vấn đề giao tiếp ứng với người lớn tuổi này nhé.

Mặt khác, nếu người mà bạn tới thăm đã về hưu hoặc chỉ ở nhà nội trợ, và bạn cũng không vướng bận vào giờ hành chính nhiều, hãy tới thăm họ vào các ngày trong tuần. Cuối tuần, con cái tụ họp – họ sẽ tất bật cùng sự đoàn tụ. Ở ngày thường, họ thường chỉ ở nhà một mình vì vậy sự viếng thăm của bạn sẽ vô cùng có ý nghĩa với họ.


Những điều cần lưu ý trong văn hóa ứng xử với người cao tuổi

  • Quan tâm đến những nhu cầu thực tế và căn bản của các cụ hầu đáp ứng, như ăn, ngủ, phương tiện chuyên chở khi đi khám bác sĩ.  Ðể ý xem các cụ có chính xác trong việc uống thuốc đúng theo toa bác sĩ không hầu giúp đỡ.
  • Kiên nhẫn, tránh tìm cách chứng minh là các cụ sai lầm. Cần suy nghĩ và nhận xét tình hình trước khi có phản ứng.  Bạn sẽ thấy rằng mình hay gắt gỏng và cau có với các cụ hơn trước chỉ vì bị hỏi đi hỏi lại một câu hỏi mà bạn đã trả lời nhiều lần.  Bạn cần để ý đến sự bực bội của mình vì các cụ quá chậm chạp mà mình thì đang gấp rút chạy đua với công việc.
  • Lắng nghe các cụ nói và ghi nhận, thay vì tìm cách sửa sai. Các cụ rất dễ tủi thân vì cho rằng con cái không còn kính trọng mình nữa. Cứ làm những điều bạn cho là đúng mà không cần phải thuyết phục các cụ đồng ý với mình, đồng thời vẫn ngọt ngào và chăm sóc các cụ. Nếu bạn cảm thấy khổ sở vì phải nghe các cụ lập đi lập lại những lời khuyên đã cũ, có thể tế nhị hướng câu chuyện sang một lãnh vực khác, hoặc biến những cuộc thăm viếng trở thành thường xuyên nhưng ngắn hạn hơn.
  • Cung cấp và tạo điều kiện cho các cụ có những sinh hoạt giải trí đều đặn, như đi bộ cùng các cụ khác, tập thể thao, đánh bài, đánh cờ tướng, đi du lịch.  Người già thường yêu thích trẻ con, do đó nên tạo cơ hội cho các cụ vui chơi với các cháu ngoại, cháu nội.
  • Khi thấy các cụ có những sự thay đổi lớn, như hay cau có, gắt gỏng, thay đổi tính nết trở thành khó chịu, hay quên, xuống cân, ít ngủ, biếng ăn, nên nghĩ đến những căn bệnh có thể xảy ra cho người già về thể chất lẫn tâm thần hầu kịp thời đưa các cụ đi khám bác sĩ, thay vì cho rằng chỉ là những thay đổi thông thường.

Kết luận:

Kỹ năng giao tiếp với người lớn tuổi là một nét đẹp làm thăng hoa trong mối quan hệ giữa người với người. Một người biết kính trọng, lễ độ với những người lớn tuổi sẽ nhận được thiện cảm của mọi người và dễ dàng thành công hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý không được phân biệt giàu hay nghèo, sang hay hèn trong giao tiếp vì đó là điều tối kỵ, sẽ phá hủy các mối quan hệ tốt đẹp. Chúc các bạn thành công trong văn hóa giao tiếp ứng xử với người lớn tuổi!

Tổng hợp

Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng giao tiếp với người lớn tuổi, ứng xử với người lớn tuổi, nghệ thuật giao tiếp với người lớn tuổi, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, nghệ thuật giao tiếp ứng xử.