Chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng.
Đối với nhiều người, việc đứng trước đám đông (hay thậm chí chỉ vài người thân quen) dù chỉ nói vài lời ngắn gọn cũng có thể gây cảm giác lo lắng và run sợ không khác gì việc đứng nói với một bài đã soạn sẵn.
Theo một số nghiên cứu, việc chuẩn bị, tập dượt kỹ lưỡng bài trình bày sẽ giúp giảm đến 75% cảm giác run sợ trước đám đông. Vì vậy bạn nên đầu tư thời gian và công sức để chuẩn bị bài trình bày là cách hữu hiệu giảm thiểu lo lắng và nâng cao sự tự tin trước đám đông.
Đặt ra giá trị tác động đến người nghe
Có bao giờ bạn tự hỏi, vì sao có những người trở thành những diễn giả nổi tiếng, có thể thuyết trình về một vấn đề trước hàng ngàn người bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác? Đó là bởi vì, mục tiêu của họ là mong muốn chia sẻ những giá trị nhất định đến cho người nghe trong bài nói của mình. Thuyết trình cũng là một phương tiện truyền thông, và nhiệm vụ của người thuyết trình là hướng đến lợi ích chung của đám đông, chứ không phải để thể hiện thương hiệu cá nhân. Nên mục tiêu của một bài thuyết trình luôn là để khiến cho người khác thay đổi tốt hơn, hoặc để giải quyết vấn đề đó theo hướng tích cực.
Như vậy, bạn nên có sự tìm hiểu rõ ràng người nghe bạn là ai, họ cần gì, và điều gì tác động làm cho họ thay đổi. Một người khi đón nhận thông điệp thuyết trình, thì họ đón nhận người thuyết trình trước khi họ đón nhận thông điệp, nói đơn giản là khi người nghe có sự tin cậy vào bạn thì họ sẽ tin cậy vào những gì bạn trình bày, ngược lại, họ sẽ dễ dàng thiếu đồng tình hoặc tự tạo ra mâu thuẫn với thông tin của bạn.
Một mẹo nhỏ để có thể “xốc dậy” được sự chú ý của người nghe, khi họ chưa biết gì về bạn, thì bạn nên có bước đệm là giới thiệu về bản thân, thẩm quyền, và chuyên môn của bạn đối với vấn đề mà bạn sắp nói. Như thế, người nghe sẽ xác định được là họ có nên tin hoặc nên có thái độ như thế nào đối với những thông tin mà người thuyết trình sắp nói.
Thả lỏng cơ thể.
Không có người nghe nào đánh giá bạn là người tự tin khi thấy ngôn ngữ cơ thể của bạn căng cứng với những cử chỉ, động tác giống hệt như … Robot.
Để giải quyết điều này, trước khi bước ra trình bày, bạn hãy hít thở sâu buông lỏng cơ thể (dùng phương pháp thở Yoga). Các cử chỉ hành động phải dứt khoát, hãy đứng thẳng người, hai chân vững vàng trên mặt đất, giao tiếp với mọi người bằng mắt và thường xuyên mỉm cười.
Chuẩn bị tâm lý trước những tình huống bất ngờ.
Thỉnh thoảng, trong buổi nói chuyện bạn sẽ rơi vào những tình huống “khó đỡ” không lường trước được. cho dù tình huống đó là gì thì trước buổi trình bày bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý để giữ được bình tĩnh, hãy đặt ra một vài cách để xử lý và giải quyết những tình huống đó.
Rèn luyện, thực hành, nhưng không cần quá nhiều: Liệt kê ra những gì bạn sẽ nói và tập nói 1 hay 2 lần. Sẽ rất hay nếu như bạn canh thời gian trong khi tập, việc đó sẽ giúp bạn kiểm soát được thời gian nói mà không sợ bị lố. Có thể sẽ có những phút ngẫu hứng tình cờ xảy ra làm bạn bất ngờ và làm khán giả thích thú. Bạn sẽ không còn muốn xuất hiện trước đám đông nếu bạn đã nói về một đề tài cả ngàn lần rồi, bạn sẽ cảm thấy chán và chẳng thèm để ý tới khán giả nữa. Bạn cũng nên lập kế hoạch sẽ mặc những gì. Chú ý rằng đó phải là bộ đồ mà bạn cảm thấy thoải mái khi mặc vào. Và điều quan trọng nhất, đó phải là bộ đồ mà bạn biết sẽ làm mình nổi bật. Quyết định trước việc mình sẽ mặc gì trong ngày diễn thuyết sẽ làm bạn bớt lo lắng hơn.
Hãy xem khán giả là bạn bè! Khán giả luôn ở đó, bởi vì họ quan tâm tới những gì bạn sẽ nói và muốn nghe bạn nói về vấn đề đó. Họ muốn bạn phải làm tốt. Đừng nghĩ khán giả như là một khối người thù địch, hãy xem họ chỉ là một nhóm cá nhân riêng lẻ. Hãy cố gắng nhìn vào một ai đó một lúc. Khi nói chuyện với khán giả, tiếp thu những ý kiến phản hồi của họ để hoàn thành bài nói chuyện của mình.
Một số bí quyết làm chủ cảm xúc sẽ giúp bạn thành công khi đứng trước đám đông.
- Kỹ năng thuyết trình trước đám đông quan trọng nhất là bạn phải biết mình nói gì. Bạn cần phải biết chính xác bạn sẽ đưa người nghe đến đâu. Một khi đã biết, hãy liệt kê nó thành 3 hay 4 điểm chính và soạn bài nói của mình tập trung vào những điểm này thôi.
- Tập hít thở sâu trước khi nói. Khi mới bắt đầu, hãy nói một cách chậm rãi và giữ giọng đừng lớn quá, từ từ rồi hãy tăng âm lượng.
- Uống nước sẽ giúp giữ bình tĩnh tốt hơn. Trước khi phát biểu nhớ nhấp vài ngụm nước lọc để cổ họng không bị khô gây ra giọng rè.
- Nếu là thuyết trình mất nhiều thời gian, nhớ ăn uống đầy đủ. Cái bụng đói sẽ làm bạn càng run rẩy hơn đấy.
- Đảm bảo là trong cổ họng không có cái gì bất thường trước khi bạn phát biểu ( Đờm chẳng hạn… ). Nếu không, sẽ rất phản cảm nếu như đang nói mà bạn lại tằng hắng trước mọi người.
- Mỉm cười khi bắt đầu. Nụ cười sẽ là sức mạnh giúp bạn tự tin hơn.
- Khi bắt đầu phát biểu, hãy nói vào câu mào đầu để lấy bình tĩnh, ví dụ như “Chào các bạn, tôi là…”,“Chào các bạn, tôi nhận được câu hỏi…tôi thấy đây là một câu hỏi rất thú vị…”
- Tập nói lớn để chắc chắn rằng người ở cách xa bạn nhất cũng nghe được bạn nói. Nghe được giọng mình dõng dạc cũng sẽ làm bạn bớt run hơn nhiều. Bạn có thể tập điều chỉnh âm lượng từ từ, hàng ngày.
Theo kynang.edu.vn