Thi ở cụm địa phương đạt điểm cao có được tham gia thi ĐH, CĐ?

Mặc dù sau khi công bố phương án Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT cũng đã giải đáp được nhiều băn khoăn, trăn trở của xã hội về đổi mới thi cử, một trong những đột phá về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tuy nhiên vì đây là kỳ thi đầu tiên, mới chỉ sắp diễn ra nên những thông tin chưa được Bộ GD&ĐT công bố cụ thể vẫn có nhiều băn khoăn đối với cả các trường phổ thông lẫn các trường ĐH, CĐ...

Theo sát các thông tin từ Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT quốc gia, đây là vấn đề được thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội, nêu ra. Kỳ thi THPT quốc gia chia học sinh thành 2 khu vực: học sinh nào dự thi ĐH, CĐ thì sẽ về các cụm của các trường ĐH, CĐ coi thi; còn những học sinh nào không thi ĐH, CĐ  thì  được thi ở cụm thi địa phương. “Khi ở điểm thi tại  cụm địa phương, các em thấy điểm thi tốt, lại muốn dự thi ĐH thì sao, cái này chưa có ý kiến trả lời được, có cấm nó không bởi vì Bộ GD&ĐT cho nộp hồ sơ sau khi có điểm thi quốc gia. Nếu Bộ cấm thì Bộ phải nói trước để học sinh lựa chọn nhưng mà theo tôi thì không nên cấm, vì đấy là quyền của học sinh. Quan điểm của tôi là nên tổ chức thi một chỗ thôi, không nên phân biệt, như vậy nó sẽ có tình trạng công dân loại 1 và công dân loại 2, khu vực trông nghiêm túc và khu vực sẽ không trông nghiêm túc, không thống nhất”, thầy Tùng băn khoăn.

Tuyển sinh 2015, gia tăng thí sinh ảo

Tuyển sinh 2015: Trường đại học lo tăng tỷ lệ thí sinh ảo

Cùng với băn khoăn này, GS.TS Hoàng Văn Châu cũng đặt giả thiết, những cụm thi do Sở tổ chức điểm cao, không công bằng với các thí sinh do các trường ĐH tổ chức, nên tổ chức như nhau.

Ngày 14/9, trả lời về việc tổ chức thi quốc gia theo cụm thi, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT Trần Văn Kiên cho hay, năm nay kỳ thi sẽ tổ chức thi theo cụm trên tinh thần kế thừa thành công của các kỳ thi ĐH, CĐ trước đây. Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa ấn định cụ thể sẽ tổ chức bao nhiêu cụm nhưng chắc chắn sẽ không chỉ ở 4 cụm mà sẽ mở rộng ra trong cả nước, làm thế nào để có hướng thuận lợi nhất cho thí sinh. Mỗi cụm sẽ giao cho trường ĐH, CĐ nào đó có đủ năng lực để tổ chức. Bộ vẫn quan điểm các trường ĐH chủ trì về cụm thi nhưng phối hợp với các Sở GD&ĐT để tổ chức thi. Giáo viên THPT cùng với giảng viên ở các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi chấm thi. Ông Kiên khẳng định, Bộ sẽ có quy định cụ thể, rõ ràng trong hướng dẫn quy chế thi. Việc chấm thi theo cụm cũng không chỉ có giảng viên của trường ĐH mà vẫn mời giáo viên của các trường THPT. Bộ cũng có hướng dẫn đáp án để chấm thi rất rõ ràng.

Thí sinh ảo tăng gây khó khăn cho các trường lựa chọn đủ chỉ tiêu?

Trao đổi với phóng viên về kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên, PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, một trong những cụm thi có số lượng lớn thí sinh dự thi hằng năm, lại bày tỏ lo ngại lớn nhất về kỳ thi quốc gia là số lượng hồ sơ ảo. Nếu như thí sinh tự in phiếu điểm ra để nộp vào các trường ĐH, thí sinh điểm cao sẽ gửi nhiều trường, có thể sẽ dẫn đến tình trạng có trường ĐH, CĐ tuyển không đủ chỉ tiêu do lượng đăng ký ảo nhiều. PGS.TS Đỗ Văn Xê đề xuất Bộ GD&ĐT cần phải có phiếu điểm đóng dấu đỏ của nhà trường, chỉ tối thiểu 3 phiếu điểm cho mỗi thí sinh. Chủ tịch Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm thì cho rằng, kỳ thi này, Bộ GD&ĐT có cải tiến, toàn bộ dữ liệu được vi tính hóa. Các trường ĐH nên trả lời ngay với những học sinh phù hợp và không phù hợp.Về vấn đề này, Cục phó Cục Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT Trần Văn Kiên khẳng định, sau khi có kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, học sinh mới đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Đây là cách làm tạo cơ hội cho học sinh tính toán đăng ký vào trường nào đó phù hợp. Các em có điểm cao biết lượng sức có thể đỗ vào các trường ĐH nào. Bộ GD&ĐT có phần mềm quản lý dữ liệu, sẽ có hướng để các trường làm thế nào tuyển được học sinh tốt nhất.

Một trong nhiều băn khoăn nữa mà chúng tôi ghi nhận được đây là đối với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm trước, năm nay muốn tiếp tục thi ĐH thì sẽ thi thế nào? Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐH cho hay, khi trường ĐH công bố xét tuyển theo khối, thí sinh chỉ phải thi theo các môn của trường đó. Nếu không cứ đúng như các em có nguyện vọng vào trường nào thì khi các trường công bố phương thức tuyển sinh thì các em chỉ cần thi các môn đó.

Vì là kỳ thi đầu tiên, nên không ít các trường PTTH có mong muốn hết học kỳ I, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục “tung” một số đề thi để các trường tổ chức thi thử cho học sinh, đánh giá 4 mức độ phân bổ như thế nào để giáo viên và học sinh tự tin.

Đến thời điểm này, còn rất nhiều công việc cần được Bộ GD&ĐT gấp rút hoàn thành để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên diễn ra thành công, đảm bảo tính nghiêm túc. Theo chia sẻ của Cục Phó Cục Khảo thí Trần Văn Kiên thì Bộ sẽ đưa ra nhiều giải pháp, trước mắt là tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới nhà trường, xã hội để không hiểu sai lệch. Còn tất cả những giải pháp cụ thể sẽ được Bộ quy định trong quy chế thi cùng với các chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.

Nguồn: CAND, http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/9/244152.cand