Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT đã toát ra tinh thần nghiêm túc, cố gắng đảm bảo tính khách quan của kỳ thi. Tuy nhiên còn một yếu tố khác nữa có tác động quyết định đến chất lượng kỳ thi, đó là công nghệ đo lường.

Điều 3 của dự thảo quy định thi tám môn, trong đó bốn môn vẫn giữ phương pháp tự luận, tức là theo phương án 1 trong ba phương án mà bộ đưa ra trước đây.

Trong hội nghị bàn về tuyển sinh trước đây nhiều trường đại học lớn ủng hộ phương án 2, bản thân tôi cũng vậy vì tôi cho rằng phương án 1 là “bảo thủ” nhất. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT đã chọn phương án 1. Chúng tôi thông cảm với bộ vì đây là phương án ít phải thay đổi nhất, và với ý của bộ trưởng là sẽ đi tàu từng chặng, chúng tôi hiểu việc chọn phương án 1 là chỉ cho năm 2015, sau đó phải tiến đến các phương án khác tiến bộ hơn.

3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia

Ngày 29-7, tại hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ năm học tới, Bộ GD-ĐT đã công bố ba phương án tổ chức kỳ thi quốc gia để trưng cầu ý kiến.

* Phương án 1, Bộ GD-ĐT dự kiến vẫn thi theo môn học truyền thống với tám môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải bắt buộc thi bốn môn, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số năm môn thi còn lại. Ngoài bốn môn này, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác để sử dụng kết quả vào việc tuyển sinh ĐH-CĐ.

* Phương án 2, sẽ tổ chức thi với năm bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của tám môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Các bài thi gồm bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi tự nhiên (tổng hợp từ các môn học vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi xã hội (tổng hợp từ các môn lịch sử, địa lý).

* Phương án 3 sẽ có bốn bài thi tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ 11 môn học của lớp 12 THPT, gồm bài thi toán - tin (môn toán và môn tin), bài thi khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ) và bài thi ngoại ngữ


Chỉ cần thi trong hai buổi

Phương án 1 có mấy nhược điểm lớn: 1. Thời gian thi quá dài (tám môn ít nhất 6-7 buổi thi); 2. Nhiều môn tự luận chấm thi tốn kém, mất nhiều thời gian và không khách quan; 3. Thí sinh lựa chọn trường phức tạp vì quá nhiều môn thi, tạo ra nhiều phương án chọn khác nhau. Do đó các năm sau nên chuyển sang phương án 2 (chỉ năm đề thi: toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), trong đó hai đề sau là đề tích hợp.

Một số người lo lắng về đề “tích hợp”, vì chương trình học chưa tích hợp. Thật ra đề tích hợp có thể bao gồm các đề đơn môn độc lập, hoàn toàn chưa cần chương trình học tích hợp.

Phương pháp trắc nghiệm cho phép làm các đề như vậy, chẳng hạn mỗi môn chỉ cần 15-20 câu trắc nghiệm, tích hợp 3-4 môn chỉ cần 45-80 câu. Kỳ thi năm môn như phương án 2 chỉ cần tổ chức trong hai buổi là đủ.

Đề trắc nghiệm cho phép chấm nhanh, ít tốn kém và chính xác. Chúng ta có thể tăng chất lượng nhờ quy trình lâu dài hằng năm để xây dựng, thử nghiệm và chỉnh sửa các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Trong khi đó tìm đủ người có năng lực để chấm các bài thi tự luận dài trong thời gian ngắn cho một kỳ thi rất đông thí sinh là điều không thể.

Một nhược điểm của trắc nghiệm là không đánh giá được khả năng diễn đạt và năng lực giải quyết vấn đề thì có thể khắc phục bằng cách thêm vào đề toán và tiếng Việt một câu tự luận ngắn, đòi hỏi thí sinh làm không quá 30 phút. Hạn chế thời gian làm bài tự luận buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận trước khi viết, và cũng đỡ tốn công chấm bài.

Nâng chất lượng kỳ thi bằng công nghệ đo lường

Để bạn đọc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, chúng tôi xin cung cấp thông tin: ở Mỹ có hai kỳ thi cuối bậc phổ thông và tuyển sinh đại học của hai tập đoàn đánh giá tiến hành song song 12 lần trong một năm: SAT thi hai môn tiếng Anh, toán và một câu tự luận ngắn làm trong 25 phút, thời gian tổng cộng 3 giờ 45 phút; ACT cho bốn môn: tiếng Anh, toán, đọc hiểu (chủ yếu khoa học xã hội) và suy luận (khoa học tự nhiên) kèm một câu tự luận ngắn làm trong 30 phút, thời gian tổng cộng chỉ 3 giờ 25 phút.

Tôi cho rằng hiện nay chúng ta hoàn toàn có đủ chuyên gia và lực lượng để thực hiện một kỳ thi có chất lượng cao theo phương án 2, miễn là bộ cố gắng huy động sự đóng góp của các trường đại học và xã hội nói chung. ĐHQG Hà Nội đang cố gắng cải tiến tuyển sinh theo hướng tiến bộ, nhưng tiếc là cố gắng chỉ tác động bó hẹp trong trường mình.

Nếu bộ bước tiếp chặng đường sau (như ý bộ trưởng đã nói) trong đổi mới kỳ thi hợp nhất bằng cách thực hiện phương án 2 thì chất lượng kỳ thi cuối bậc phổ thông của ta nhất định sẽ thật sự được nâng cao.

Theo phương hướng đó thì nên sửa lại điều 3 của quy chế với tinh thần: các quy định về môn thi có thể thay đổi trong các năm sau. Hi vọng với sự cố gắng của bộ và góp sức của cộng đồng giáo dục, sắp tới chúng ta sẽ thực hiện đúng tinh thần của nghị quyết 14 về đổi mới giáo dục ĐH: “Cải tiến tuyển sinh theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại”.

Lúng túng, băn khoăn, lo lắng

Đó là tâm lý phổ biến hiện nay ở các trường THPT khi mà ngày thi THPT quốc gia đang đến gần. Là cán bộ quản lý trường THPT, nhiều năm tham gia coi, chấm thi tốt nghiệp THPT, tổ chức dạy học và ôn thi cho khối 12, tôi xin được chia sẻ mấy ý kiến.

1. Trước mỗi kỳ thi của những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đều luôn nhắc nhở đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm... sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm..., nội dung chủ yếu ở lớp 12. Cán bộ quản lý và thầy cô dạy lớp 12 các trường THPT đều thuộc lòng những hướng dẫn trên.

Song tổ chức thực hiện không dễ dàng tí nào. Học sinh khối 12 phải hoàn tất chương trình đúng quy định với đầy đủ các môn học theo chuẩn kiến thức kỹ năng và sách giáo khoa hiện hành, với ngần ấy đã là khó khăn, càng khó hơn khi phải thực hiện tích hợp, lồng ghép, học theo dự án...

Thời gian dạy học, dạy để học sinh đi thi, ước mơ vào đại học đôi khi lại mâu thuẫn với nhau, học lệch theo tổ hợp những môn thi ĐH vừa là thách thức, nhưng chính yếu tố này trong thực tế lại giúp không ít học sinh bước vào cổng trường ĐH. Giải quyết bài toán này sao đây?

2. Học sinh phải bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong khi lĩnh vực này lại thiên hình vạn trạng, đến thầy cô giáo có khi còn lúng túng chứ chưa nói đến học sinh.

Vô hình trung làm tăng tải chứ đâu có giảm tải bởi lẽ cái mới được đặt ra và đã xuất hiện trong đề thi ở những năm gần đây nhưng cái cũ vẫn được quy định phải thực hiện, chuẩn kiến thức kỹ năng và nội dung sách giáo khoa hiện hành là một minh chứng, linh hoạt thực hiện chương trình có khi đồng nghĩa với cắt bỏ chương trình, vậy là phạm quy rồi! Nào là phải tổ chức cho các em sinh hoạt, đọc, học, thuyết trình.

Rồi đâu chỉ có khoa học xã hội mà còn toán, lý, hóa, sinh. Có ở trường THPT bây giờ mới thấy thầy cô, phụ huynh, học sinh đang tất bật với dạy học chính khóa và cả dạy thêm, học thêm. Lúng túng, băn khoăn, lo lắng là tâm lý phổ biến hiện nay ở các trường THPT khi mà ngày thi THPT quốc gia đang đến gần. Cần lắm một sự giải tỏa từ những hướng dẫn, định hướng cụ thể hơn nữa.

3. Các trường THPT sau khi hoàn tất chương trình lớp 12 là lao vào ôn thi học kỳ II, ôn thi tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ theo nguyện vọng. Lớp học bây giờ là lớp động, làm sao kết hợp hợp lý giữa các kỳ thi này khi mà hướng dẫn xem ra cũng không khác lắm so với những năm trước. Rồi học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu sắp xếp như thế nào?

Ngần ấy giáo viên nhưng số lớp thực tế tăng lên, giáo viên nào dạy, giáo viên nào hướng dẫn ôn tập? Kinh phí đâu để trả? Mong muốn nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia thật cháy bỏng nhưng thực tế không chỉ là hoa hồng! Tựa như đổi mới được đưa từ trên xuống nhưng công cụ để thực thi tại cơ sở chưa được thay đổi, còn bị trói buộc với kiểu cũ.

4. Đề thi - coi thi - chấm thi là những khâu quyết định chất lượng kỳ thi THPT quốc gia. Chất lượng các trường THPT không đồng đều, điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương khác nhau, rất vất vả ở những trường vùng sâu, vùng xa, trường chất lượng thấp.

Ước mơ, nhiệt tâm không thiếu nhưng thực tế vẫn là thực tế. Một yêu cầu phù hợp, vừa sức đảm bảo sự công bằng và hơn thế nữa trước đó là sự định hướng cụ thể về cấu trúc là rất cần thiết cho các trường THPT lúc này.


Theo GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP, Nguồn tin Tuổi trẻ, http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150103/nen-ap-dung-cong-nghe-do-luong/694134.html

Lịch thi THPT quốc gia, tuyển sinh 2015