Kỹ năng trả lời các câu hỏi về lương bổng khi phỏng vấn xin việc

“Tôi có thể biết mức lương hiện tại của bạn không?” là câu hỏi các ứng viên thường gặp trong quá trình phỏng vấn xin việc. Rất nhiều người chọn cách trả lời bằng cách thổi phồng thu nhập hiện tại. Cũng có nhiều người “bật mí” với nhà tuyển dụng mức lương hiện tại của mình. Lựa chọn nào cũng có hai mặt, điều quan trọng là bạn cần hình dung ra kết quả của sự lựa chọn đó để không phải hối tiếc về sau. Còn bạn, bạn sẽ chọn cách nào? Bài viết sau sẽ giúp bạn cân nhắc thiệt hơn của việc “thổi phồng” và “nói thật” về mức lương hiện tại để có quyết định sáng suốt.

Cách 1: Thổi phồng mức lương hiện tại

Lựa chọn này có thể dẫn đến một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Có thể bạn cho rằng nhà tuyển dụng (NTD) không thể biết bạn đang cố tình nói quá sự thật. Điều này thật nguy hiểm vì NTD rất tinh ý và sẽ nghi ngờ về mức lương ”hét” quá cao của bạn. Họ có nhiều cách để tìm hiểu mức lương hiện tại của bạn đấy:

  • Họ yêu cầu được xem bảng lương từ công ty hiện tại của bạn.
  • Họ viết thư hoặc gọi điện cho phòng nhân sự hay quản lý trước đây của bạn.
  • Họ nhờ một công ty khác điều tra lai lịch và thu nhập của bạn.

Kỹ năng trả lời các câu hỏi về lương bổng khi phỏng vấn xin việc

Kỹ năng trả lời các câu hỏi về lương bổng khi phỏng vấn xin việc

Như thế việc gì đến rồi sẽ đến. Khi đó NTD sẽ "lật tẩy" bạn và đó là dấu hiệu cho việc kết thúc sớm quá trình phỏng vấn. Cũng có nhà tuyển dụng im lặng và sẽ không liên lạc lại với bạn. Bạn biết không, các NTD có thể đánh giá được tính trung thực trong câu trả lời của bạn qua các ngôn ngữ giao tiếp không lời như: ánh mắt, thái độ và ngôn ngữ cử chỉ của bạn… Trên thực tế đã có trường hợp này xảy ra.

Khi Bình ứng tuyển vào công ty A anh đã thổi phồng thu nhập của mình. Trưởng phòng nhân sự nghi ngờ về mức lương của Bình, vì qua hồ sơ ứng tuyển của anh NTD không nghĩ rằng Bình có mức thu nhập cao như thế. Và họ đã tiến hành tìm hiểu về Bình. Kết quả là Bình đã bị loại khỏi vòng phỏng vấn. Sau đó, Bình nộp đơn ứng tuyển vào công ty B. Nhưng thật không may cho Bình, trưởng phòng nhân sự bên công B là bạn của trưởng phòng nhân sự ở công ty A. Bạn thấy không, tính không trung thực thật nguy hiểm!

Trường hợp 2: Bạn đã “thổi phồng” thành công và được nhận vào làm với mức lương mơ ước. Tuy nhiên với mức lương cao như thế có nghĩa là trách nhiệm của bạn rất cao và sếp đòi hỏi ở bạn rất nhiều. Sẽ không có gì đáng nói nếu bạn chứng tỏ được mình xứng đáng với mức lương như vậy. Còn trường hợp ngược lại, nếu bạn không đáp ứng được nhu cầu của công việc thì việc ra đi sớm là điều không thể tránh khỏi.

Cách 2: Nói thật mức lương hiện tại

Có nhiều nguyên nhân khiến người ta nghỉ việc, trong đó vấn đề tiền lương là nguyên nhân khá phổ biến. Thông thường khi người nào đó chuyển công tác, họ thường hy vọng có mức lương cao hơn ở công ty mới. Tuy nhiên, bạn không nên “thổ lộ” điều đó với NTD, nếu không họ sẽ nghĩ rằng bạn chỉ quan tâm đến tiền. Hãy cho NTD biết mức lương hiện tại của bạn và thẳng thắn đề nghị mức lương mà bạn mong muốn ở công ty mới. Nếu bạn thương lượng được mức tăng lương ít nhất là 30% so với mức lương cũ thì rất tốt. Trên thực tế đã có nhiều người tăng thu nhập của mình lên ba lần hoặc nhiều hơn nữa vì họ nắm vững nghệ thuật thương lượng lương với NTD. Đó là những ứng viên biết cách phát huy thế mạnh của mình như con át chủ bài đủ sức thuyết phục NTD.

Tuy nhiên, bạn sẽ trả lời ra sao nếu NTD hỏi vì sao bạn yêu cầu mức lương cao hơn nhiều so với mức lương hiện tại? Đó là câu hỏi khá thách thức với bạn. Bạn hãy bình tĩnh và tự tin chỉ cho NTD thấy sự khác biệt giữa hai công việc, rằng công việc mới đòi hỏi ở bạn nỗ lực nhiều hơn, rằng bạn sẽ đi sớm về khuya, rằng bạn sẽ phải đảm trách nhiều nhiệm vụ to lớn ở vị trí mới… Song song đó, bạn cần chứng minh với NTD rằng bạn là ứng viên “nặng ký” bằng cách trình bày những thành tích bạn đã đạt được và cống hiến cho công ty cũ.

Vậy có nên chấp nhận mức lương đề nghị thấp hơn mức hiện tại?

Có nhiều ứng viên đã chấp nhận mức lương mới thấp hơn mức lương cũ. Họ “hy sinh” để nắm bắt cơ hội thăng tiến. Họ có khả năng nhìn trước tương lai. Họ đoán được công việc này sẽ rất phát triển trong tương lai, vì thế họ không ngần ngại nắm bắt ngay cơ hội. Và sau một thời gian, khi công việc phát triển thì chuyện tăng lương là điều tất yếu. Nhiều người cũng chấp nhận mức lương thấp hơn mức hiện tại khi họ chuyển qua một lĩnh vực nghề nghiệp hoàn toàn mới mẻ, vì họ phải bắt đầu sự nghiệp lại từ đầu.

Cũng có ứng viên chấp nhận mức lương thấp, nhưng với điều kiện là qua thời gian thử việc thì mức lương phải thay đổi. Dĩ nhiên là NTD sẽ đồng ý, vì trong thời gian thử việc NTD sẽ biết được khả năng thật sự của họ. Và nếu ứng viên thật sự là người xuất sắc thì chuyện tăng lương sẽ chỉ là “chuyện nhỏ”. Có thể nói chuyện đàm phán lương bổng muôn hình vạn trạng. Khi đi phỏng vấn, bạn phải xác định được khả năng thật sự của mình và mức lương nào xứng đáng và phù hợp nhất. Đừng nên nóng vội và “ manh động”. Nếu bạn thật sự là một nhân tài, hãy tự tin chứng tỏ điều đó với nhà tuyển dụng.

Kỹ năng đàm phán, thương lượng mức lương khi phỏng vấn

Nhiều người hỏi tôi rằng, trong buổi phỏng vấn, nếu được nhà tuyển dụng đặt vấn đề về lương bổng, thì tôi sẽ trả lời như thế nào. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ một số kỹ năng mềm giúp bạn xử lý nếu bạn rơi vào tình huống này.

1. Khéo léo hoãn binh:

Bạn không nên trả lời ngay về khoản lương bổng, mà nên dùng kế hoãn binh bằng những câu trả lời khéo léo như sau: Qua vòng đầu phỏng vấn này, tôi nghĩ mình cần hiểu rõ hơn về các yêu cầu cụ thể của công việc. Tôi xin phép được đề cập đến mức lương trong các buổi phỏng vấn xin việc sau.

2. Tránh đề cập tới mức lương cũ:

Hiện nay Kinh tế trong nước và thế giới đều khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp đang cắt giảm lương để tiết kiệm chi phí quản lý. Vì vậy việc đề nghị một mức lương quá cao hay một mức lương tại công ty cũ là điều nên tránh. Để có mức lương  cao như mong muốn, các bạn cần chứng tỏ được giá trị và khả năng làm việc thực sự của mình. Nếu nhà phỏng vấn không hỏi đến mức lương cũ của bạn, thì bạn không nên tiết lộ.

3. Trao đổi về mặt bằng lương của Công ty:

Trong tình huống nhà phỏng vấn bất ngờ hỏi về mong muốn về thu nhập, nhiều ứng viên có thể sẽ “giật mình”. Tuy nhiên, bạn cần bình tĩnh để tìm cách trả lời hợp lý nhất. Một cách là bạn có thể hỏi lại nhà phỏng vấn: Ông/bà có thể cho biết mức lương tương ứng dành cho vị trí tương đương?  Ông/Bà có thể cho biết ngân sách của công ty dành cho vị trí này? Dựa vào câu trả lời của nhà tuyển dụng, các bạn có thể lấy đó làm mặt bằng để đưa ra mức lương phù hợp với mình. Theo tôi các bạn có thể lựa chọn mức lương ngang bằng hoặc cao hơn khoảng 10% so với mức lương tương ứng mà nhà tuyển dụng đưa ra.

4. Trao đổi về khoản thưởng:

Trong một năm có nhiều dịp để công ty có những khoản thưởng dành cho nhân viên của mình, ví dụ như thưởng Tết, thưởng Quốc Khánh, Thưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành kế hoạch,… Đây cũng là một khoản thu nhập đáng kể mà bạn cần lưu ý. Bạn nên trao đổi với nhà tuyển dụng về khoản thưởng này. Ngoài ra các khoản như các chi phí đào tạo phát triển, chi phí khám chữa bệnh, chi phí giải trí, … hằng năm cũng nên trao đổi một cách khéo léo.

Những câu nói cần tránh khi thỏa thuận về mức lương với nhà tuyển dụng

1. “Tôi đồng ý [mức lương đầu tiên nhà tuyển dụng đề nghị”

Cũng như bất kỳ cuộc đàm phán nào, bạn hoàn toàn có thể đạt được mức lương cao hơn kỳ vọng nếu khéo léo. Vì vậy, chẳng có lý do gì để kết thúc trước khi nó có cơ hội bắt đầu.

2. “Tôi muốn mức lương X”

Đừng vội vàng đưa ra con số. Hãy để nhà tuyển dụng là người đầu tiên đề nghị mức lương cho bạn. Nhờ đó bạn có thể xem xét khoảng ngân sách tối thiểu cho vị trí ứng tuyển và có cơ hội để nâng dần mức lương từ đó.

3. “Đó là ngân sách tối đa mà anh/chị dành cho vị trí này?”

Ngay cả khi con số được đề nghị quá thấp so với kỳ vọng của bạn, tuyệt đối đừng nên phản ứng thái quá hoặc tỏ vẻ khó chịu. Điều này không mang lại bất kỳ lợi ích gì cho bạn trong cuộc đàm phán.

4. “Tôi không đồng ý/Tôi không nghĩ rằng…”

Trong đàm phán, bạn cần có sự linh hoạt và luôn sẵn sàng đưa ra những phương án bổ sung trong trường hợp không đạt được mong muốn ban đầu. Thể hiện sự từ chối bằng cách nói “Không” ngay lập tức có thể làm bạn nhanh chóng mất đi cơ hội có được công việc mơ ước ngay khi nó đã gần trong tầm tay.

5. “Có một công ty khác đang đề nghị mức lương tốt hơn cho tôi.”

Ngay cả khi đó là sự thật, đừng nên lật “lá bài” này để tạo áp lực với nhà tuyển dụng.

6. “Mức lương cuối cùng mà tôi chấp nhận là….”

Nghe như một lời thách thức thường dùng để kết thúc cuộc đàm phán. Nếu bạn đưa ra mức lương cuối cùng và nhà tuyển dụng không đồng ý, điều này có nghĩa là cuộc đàm phán sẽ chấm dứt và bạn không còn cơ hội để nhận việc làm này.

7. “Tôi cần mức lương X để…..”

Trong kỹ năng phỏng vấn xin việc, bạn không nên nói rằng bạn cần mức lương X để trả chi phí A, B,C,… hoặc trả nợ. Đừng mang những vấn đề cá nhân trong đàm phán lương vì năng lực, kinh nghiệm và sự phù hợp với vị trí ứng tuyển mới thực sự là cơ sở có giá trị để bạn thuyết phục nhà tuyển dụng.

8. “Mức lương tối thiểu tôi có thể nhận là X”

Nếu nhà tuyển dụng biết mức lương thấp nhất bạn sẵn lòng chấp nhận, đó có thể là tất cả những gì bạn sẽ nhận được.

9. “Mức lương này quá rẻ/tệ.”

Thẳng thắn nhưng đồng thời cần có sự khéo léo. Nếu bạn cảm thấy mức lương nhà tuyển dụng đề nghị quá bất hợp lý. Đừng tỏ thái độ khó chịu với cách nói này, nhà tuyển dụng không muốn tuyển dụng một người thiếu tôn trọng người khác.

10. “Tôi xứng đáng mức lương cao hơn.”

Hẳn là bạn muốn thể hiện giá trị của mình. Tuy nhiên, hãy cư xử thật khéo léo thay vì tỏ vẻ kiêu căng vì chẳng ai thích một người luôn cho rằng mình là người xuất sắc nhất.

Kết luận:

Những câu hỏi về lương luôn là chủ đề quan tâm của người đi phỏng vấn xin việc. Vì đó là dấu hiệu cho thấy nhà tuyển dụng muốn nhận bạn. Tuy nhiên, đây cũng là phần khó khăn đối với không ít người. Nếu không có kỹ năng thương lượng và trả lời không khéo léo thì có thể bạn sẽ bị rớt hoặc nhận được mức lương thấp hơn kỳ vọng. Với những bí quyết trên đây, chúng tôi hi vọng bạn đã có kỹ năng trả lời các câu hỏi về lương thật tốt và được nhà tuyển dụng chấp nhận với một cái giá cao nhất!

Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng phỏng vấn xin việc, phỏng vấn xin việc, kỹ năng mềm, kỹ năng đàm phán, thương lượng về mức lương, câu hỏi về lương khi xin việc.