Quản lý nói chung và quản lý trong công việc nói riêng chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi lẽ 1 quyết định của người lãnh đạo dù đúng hay sai đều sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cả tập thể lẫn cá nhân người ra quyết định. Khi đó, kỹ năng ra quyết định của người quản lý sẽ đóng vai trò then chốt đến thành công hay thất bại của tổ chức.

Kỹ năng sống: 5 yếu tố quan trọng khi đưa ra một quyết định

Tất nhiên là những kỹ năng này sẽ được hình thành trong quá trình làm việc, tích lũy kinh nghiệm, và không ai là hoàn toàn giống với ai cả. Đã có rất nhiều những lời khuyên được đưa ra để nâng cao kỹ năng ra quyết định cho người quản lý, tuy nhiên sẽ không có một “con đường chung” dành cho tất cả mọi người khi học kỹ năng sống. 5 lời khuyên dưới đây cũng không là ngoại lệ, chúng chỉ mang tính chất tham khảo và không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp.

kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề nhanh chóng, hiệu quả

1. Mục tiêu của bạn là gì?

Trả lời được câu hỏi này thì gần như bạn đã có được câu trả lời cho tình huống cần ra quyết định của mình. Khi tham gia vào một công việc nào đó, dù là dưới hình thức tập thể hay cá nhân, việc xác định và duy trì mục tiêu là cực kì quan trọng. Hãy để mục tiêu ban đầu định hướng cho quá trình ra quyết định của bạn. Tuy nhiên, cần lưu ý là nếu là quyết định cho một tập thể, thì mục tiêu phải là mục tiêu của nhóm chứ không phải của cá nhân.

2. Cân nhắc “được và mất”:

Kỹ năng ra quyết định thật ra là quá trình bạn cân nhắc những lợi ích và thiệt hại, đặt chúng lên bàn cân và… xem kết quả. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ là dễ dàng. Làm sao có thể xác định chính xác “được và mất” khi mà có rất nhiều điều có thể sẽ xảy ra mà bạn không thể tiên liệu trước được? Chính vì vậy mà quá trình cân nhắc thật ra chỉ mang tính chất tương đối dựa trên những dự đoán và cách nghĩ của bạn về vấn đề mà thôi. Điều lưu ý là để có thể chắc chắn mình không “quên” điều nào cả, hãy viết tất cả ra giấy và đọc lại nhiều lần!

3. Tham khảo ý kiến chuyên gia.

Việc làm này là để tránh cái nhìn chủ quan, phiến diện từ một phía của người ra quyết định, đặc biệt là với những quyết định có tầm ảnh hưởng đến nhiều người và có “giá trị vật chất” lớn. Những ý kiến của người có chuyên môn trong lĩnh vực thật sự rất hữu ích và sẽ là nguồn tham khảo quý giá để tránh những sai lầm đáng tiếc do “thiếu hiểu biết” về sau. Điều lưu ý với việc làm này là nên cân nhắc chọn những “chuyên gia” thật sự đáng tin tưởng và có quan điểm khách quan nhất.

4. Lắng nghe và tôn trọng ý kiến những nguời có liên quan.

Kỹ năng này là vô cùng cần thiết, vì xét cho cùng, một quyết định của người quản lý được đưa ra sẽ có ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân nguời đó. Lợi ích là của tập thể nên những bên liên quan có quyền và nghĩa vụ đóng góp ý kiến và nên có tác động trực tiếp đến quyết định đó. Lắng nghe thể hiện sự tôn trọng đối với các thành viên trong nhóm, cũng như để nhận lại sự ủng hộ của họ, cho dù quyết định là đúng hay sai.

5. Dứt khoát, hãy là người quản lý!

Điều này thật sự rất quan trọng trong những kỹ năng ra quyết định. Như đã nói ở trên, bạn cần phải tham khảo, phải lắng nghe trong quá trình suy nghĩ, cân nhắc. Tuy nhiên, khi ra quyết định, hãy thật dứt khoát. Suy cho cùng, thì chính bạn mới là người trực tiếp nhất chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Và, suy cho cùng, thì bạn mới chính là người quản lý!


Kỹ năng ra quyết định - 10 yếu tố cơ bản để ra quyết định hiệu quả

Việc đưa ra quyết định có hiệu quả là một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất của các doanh nhân, nhưng trên thực tế ít người chú trọng rèn luyện cho mình kỹ năng này. Mười yếu tố dưới đây sẽ giúp bạn trong việc đưa ra được những quyết định đúng đắn nhất vào bất kỳ thời điểm nào và góp phần để bạn công việc của mình.

1. Xác định các vấn đề cần được giải quyết: Hãy dành một khoảng thời gian hợp lý để xác định các tình huống cụ thể, sau đó sắp xếp các vấn đề theo thứ tự cần giải quyết. Đừng vội vàng đưa ra quyết định mà hãy xem xét kỹ lưỡng đó có thực sự là vấn đề quan trọng cần giải quyết hay không? Có cần thiết phải chia nhỏ các vấn đề để giải quyết cho dễ dàng hơn không? Cân nhắc xem hôm nay bạn sẽ ở đâu và nơi nào bạn muốn tới?

2. Nắm bắt nhanh triển vọng mới: Lùi lại một bước để nhìn nhận vấn đề theo một cách mới mẻ hơn. Mỗi quyết định của bạn phải hướng về tương lại, còn quá khứ chỉ để tham khảo chứ không phải để chi phối tư tưởng của mình. Người lãnh đạo giỏi là người rút ra được bài học cả từ thất bại cũng như thành công trong quá khứ. Thêm vào đó, họ còn biết khai thác thông tin cần thiết mới và nắm bắt triển vọng mới khi tham khảo ý kiến người khác.

3. Cân nhắc các phương án để giải quyết vấn đề: Cân nhắc các phương án giải quyết với mọi khả năng có thể xảy ra. Phải chuẩn bị ít nhất 5 phương án khác nhau để giải quyết một vấn đề. Luôn sáng tạo và nghĩ ra các phương án thay thế. Đừng bỏ qua bất kỳ một phương án nào vì có thể những ý tưởng bất chợt lại là giải pháp tốt nhất.

4. Phân tích từng phương án mà mình lựa chọn: Đối với từng phương án, hãy cân nhắc kỹ những điều sau: Mặt tích cực của phương án này là gì? Mặt tiêu cực là gì? Phương án này có ảnh hưởng tới ai hay tới việc gì không?. Liệu phương án này có thể chấp nhận được không và liệu nó có phù hợp với các mục tiêu và chiến lược lâu dài của bạn?

5. Chấp nhận những thất bại mà bạn đã gặp phải: Trong số chúng ta cũng có người bị thất bại là bởi vì trên đời này không có gì là hoàn hảo cả. Vì vậy phương án mà bạn cho rằng tốt nhất hôm nay cũng chỉ là tương đối! Nhận thức rõ được điều này thì mọi việc đều có thể được thu xếp ổn thoả. Nên nhớ rằng không có một quyết định nào mà không có mặt hạn chế cả.

6. Ra quyết định: Dựa trên những những phân tích thực hiện ở những phần đã nêu trên, bạn có thể đưa ra được phương án tốt nhất mà bạn có thể.

7. Lập kế hoạch khả thi: Nên cụ thể hoá những mục tiêu mà mình có thể đạt được. Khi thấy cần, có thể xem xét lại những quyết định của mình và hoàn toàn có thể thay đổi chúng. Trong kế hoạch thành công của bạn phải bao gồm các bước mà các bạn cần thực hiện, nguồn nhân lực, vật chất cần thiết để thực hiện quyết định, một khung thời gian cho mỗi hành động và lịch trình tiến hành để có thể tổng kết đánh giá. Học cách lập kế hoạch hiệu quả thông qua chương trình đào tạo kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc

8. Công bố quyết định: Truyền đạt quyết định của bạn và niềm tin vào thành công của bạn tới những người liên quan tới dự định này. Như vậy là bạn đã đem lại niềm tin đến cho chính mình và cho họ. Vì thế mọi quyết dịnh của bạn cần phải rõ ràng, xúc tích và có sức thuyết phục.

9. Thực hiện: Hãy tập trung vào việc thực hiện quyết định của bạn. Khi đã bắt tay vào thực hiện một công việc nào đó thì thường xuất hiện tâm trạng lo lắng, điều đó không có nghĩa là bạn đã đưa ra một quyết định sai lầm, mà đó chỉ là trạng thái tâm lý thường thấy mỗi khi chúng ta đối diện với khó khăn.

10. Đánh giá: Học hỏi từ chính những công việc mà bạn đã làm. Tích góp kinh nghiệm từ những công việc mà bạn đang làm hoặc chưa làm rồi cùng trao đổi với những người khác. Nếu phát hiện ra điều gì mới thì bạn cần thay đổi lại kế hoạch của mình, hãy trở về với lời khuyên thứ 3 và cùng với những kiến thức mới đó để sửa lại kế hoạch của mình!


Vui Vui: Những phương pháp "kỳ lạ" nhưng có thể giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt!

1. Trở nên tức giận

Người ta thường nói “giận quá mất khôn” ám chỉ sự mất kiểm soát và bình tĩnh của những người đang cáu giận. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học lại chứng minh điều ngược lại: người đang bực bội, tức tối có xu hướng đưa ra các quyết định chính xác, tối ưu hơn thông thường.

Nhà tâm lý học Wesley Moons thuộc trường ĐH California cùng đồng nghiệp đã tiến hành một thí nghiệm chứng minh nhận định trên. Họ đưa ra một luận điểm ban đầu là “học sinh trung học có thói quen chi tiêu tốt” với hai lập luận khác nhau để chứng minh luận điểm ấy, trong đó một lập luận mạnh mẽ, đầy thuyết phục, một lập luận bình thường, ít biện chứng.

Sau đó, họ đưa cho 2 nhóm sinh viên - một nhóm trong tình trạng tức giận, một nhóm thì không đọc những lập luận này để đưa ra đánh giá của mình.

Kết quả thật ngạc nhiên khi phần lớn các sinh viên tức giận lựa chọn lập luận mạnh và tin theo lập luận đó nhiều hơn trong khi các sinh viên thông thường bị phân vân giữa hai lập luận được đưa ra.

2. Nhịn đi tiểu

Đã bao giờ trong giờ thi bạn có cảm giác… buồn đi vệ sinh. Nếu có, hãy tin rằng đó là một điềm may cho bạn đấy!

Nhà nghiên cứu Mirjam Tuk và các đồng nghiệp đã tiến hành một thí nghiệm để tìm ra mối liên hệ giữa việc buồn đi tiểu với khả năng đưa ra quyết định, lựa chọn của con người.

Họ yêu cầu các tình nguyện viên nói ra màu sắc của loại mực viết ra một từ nhất định. Trong trường hợp từ “xanh” được viết bằng mực xanh, rất dễ để đưa ra câu trả lời đúng. Nhưng nếu từ “đỏ” được viết bằng mực xanh thì sẽ khó hơn rất nhiều, muốn trả lời được đòi hỏi sự tự ức chế khả năng đọc của bản thân và chỉ tập trung vào việc quan sát màu sắc.

Những tình nguyện viên nào buồn và nhịn đi tiểu trong lúc đưa ra quyết định có tần suất trả lời đúng cao hơn hẳn so với bình thường. Theo Mirjam Tuk, nhịn đi tiểu giúp cơ thể kiểm soát các xung động của cơ thể tốt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong việc ức chế ham muốn của bản thân, từ đó các quyết định, lựa chọn được đưa ra có độ chính xác cao hơn.

3. Tin tưởng vào cảm xúc bản thân

Những bà nội trợ thường xuyên phải đối mặt với sự phân vân khi đứng trước hàng trăm lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Làm thế nào để họ có được những chọn lựa thông minh? Câu trả lời là tin tưởng vào cảm xúc của bản thân.

Trong một thí nghiệm, người ta yêu cầu hai nhóm sinh viên tình nguyện xác định chiếc xe lý tưởng nhất để mua trong hai chiếc xe có sẵn. Các nhà khoa học đồng thời đưa ra rất nhiều thông tin chi tiết, cụ thể về hai chiếc xe làm mẫu.

Một nhóm sinh viên được yêu cầu chọn lựa dựa trên phân tích các thông số của hai xe, nhóm còn lại chỉ được phép dựa trên cảm giác của mình.
Kết quả thật đáng ngạc nhiên: 70% số sinh viên quyết định theo cảm xúc đã chọn được chiếc xe tốt hơn, trong khi con số này ở nhóm phân tích là 25%.

4. Học nhiều ngoại ngữ

Có một sự thật là ta không thể phủ nhận những tác dụng của việc học ngoại ngữ trong xã hội ngày nay. Một lợi ích nữa mới được phát hiện của công việc này, đó là giúp con người cải thiện khả năng tư duy sáng tạo, đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống.

Để chứng minh nhận định trên, nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Chicago do Boaz Keysar đứng đầu đã tiến hành một loạt các thí nghiệm trên cơ sở “lý thuyết triển vọng”.

Theo đó, họ yêu cầu 121 sinh viên Mỹ có học tiếng Nhật lựa chọn một trong hai khả năng: “hoặc phát triển một loại thuốc cứu được 600.000 người nhưng có nguy cơ giết chết tất cả, hoặc sử dụng một loại thuốc cứu được 200.000 người và chấp nhận để 400.000 còn lại chết”.

Lần đầu, câu hỏi được đưa ra bằng tiếng Anh, trong đó gần 80% chọn phương án an toàn cứu 200.000 người. Lần thứ 2, câu hỏi vẫn bằng tiếng Anh nhưng được đảo lại là “hoặc phải giết chết 400.000 người và chỉ cứu được 200.000 người hoặc có thể chết 600.000 người nhưng có thể cứu được tất cả”. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: mặc dù bản chất câu hỏi không thay đổi song số lượng người lựa chọn phương án an toàn giảm đi hơn 20%.
Tuy nhiên, nếu chuyển câu hỏi trên sang tiếng Nhật và đảo ngược như tình huống vừa rồi, sự thay đổi số lựa chọn không đáng kể. Điều đó giúp các nhà khoa học khẳng định một điều: tư duy một vấn đề bằng ngôn ngữ lạ giúp con người trở nên duy lý hơn, dễ có những quyết định đúng đắn.

5. Đọc một cuốn tiểu thuyết

Hai nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Canada cho thấy, việc đọc tiểu thuyết văn học, hay thậm chí một truyện ngắn khoảng 10 trang có thể giúp con người đưa ra những quyết định chính xác hơn trong một khoảng thời gian ngắn hạn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng nêu trên là do đọc sách giúp con người có cảm xúc thoải mái, tăng tính đồng cảm với các nhân vật trong truyện, từ đó ứng xử hành vi trong cuộc sống thực tốt hơn hẳn.

Kết luận:

Cuộc sống là một chuỗi những quyết định và hành động thực hiện. Một người thực hiện tốt 2 việc này sẽ có cơ hội thành công hơn người khác. Hãy nhìn các vĩ nhân, doanh nhân, lãnh đạo nổi tiếng trên Thế giới, họ đều có một đặc điểm chung là có kỹ năng đưa ra quyết định rất quyết đoán và chính xác. Vì thế, ngay từ bây giờ, các bạn hãy rèn luyện kỹ năng đưa ra quyết định cho bản thân để hoạch định chiến lược cuộc đời tốt nhất cho bản thân.


Bài viết theo chủ đề: kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng ra quyết định, rèn luyện kỹ năng sống, cách đưa ra quyết định, phương pháp để quyết định sáng suốt.