>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Năng lực giáo viên sẽ là yếu tố mấu chốt quyết định sự thành công của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ

Việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam đã được bắt đầu từ lâu nhưng chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu. Thực tế, nhiều học sinh khi mới bắt đầu những năm đầu tiên ở bậc tiểu học, đã được bố mẹ cho theo học ở các trung tâm ngoại ngữ của nước ngoài hay tư nhân với mong muốn con em họ phát huy được những kỹ năng cần thiết khi học ngoại ngữ. Việc được tiếp cận với vốn tiếng Anh chuẩn ở giai đoạn nền tảng là vô cùng cần thiết đối với các em nhưng nó cũng cho thấy sự thiếu tin tưởng của các bậc phụ huynh đối với hệ thống giáo dục ngoại ngữ của nhà nước.

Đào tạo giáo viên phù hợp với bậc học

Chia sẻ về thực tế này, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội thừa nhận đây là tâm lý chung và chính đáng của các bậc phụ huynh hiện nay. Một trong những quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh trong xã hội hội nhập hiện nay đó là năng lực ngoại ngữ của con em mình và họ sẵn sàng đầu tư trong khả năng để con em họ được học trong môi trường tốt nhất.

Ông Minh cũng chỉ ra rằng, sở dĩ tồn tại thực tế trên là do mãi gần đây chúng ta mới có những chương trình đào tạo chính thống để đào tạo ra giáo viên giảng dạy ngoại ngữ (trước mắt là tiếng Anh) ở bậc tiểu học. Trước đó, đa phần giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học đến từ nhiều nguồn khác nhau. Sinh viên ở trường ngoại ngữ được đào tạo để trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông chứ không chú trọng vào bậc tiểu học. Trong khi việc giảng dạy ở mỗi bậc học đòi hỏi giáo viên không chỉ có trình độ, năng lực mà đòi hỏi rất nhiều kiến thức về nghiệp vụ sư phạm. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cho nhu cầu học của học sinh tiểu học không gặp được giáo viên phù hợp.

Đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ

Đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ

Ông Minh cũng cho biết, nhiều giảng viên ngoại ngữ có cơ hội học tập ở nước ngoài đã chia sẻ, kiến thức ở cả trong nước lẫn nước ngoài không có gì khác biệt nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở phương pháp học và phương pháp dạy. Do vậy, để việc dạy và học tiếng Anh ở cấp tiểu học đạt hiệu quả, trước hết cần xác định mục tiêu của cả quá trình học tiếng Anh ở cấp tiểu học mà Bộ Giáo dục-Đào tạo hướng tới để từ đó có định hướng tốt, đặt ra cách thức đào tạo phù hợp từ giáo cụ đến giáo trình để nắm bắt tốt hơn tâm lý của các em, phù hợp với sự phát triển của học sinh cấp tiểu học.

Nâng cao năng lực giáo viên

Với quyết tâm đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2008-2020. Theo mục tiêu của Đề án, tới năm 2015, đội ngũ nhân lực Việt Nam, ở những lĩnh vực ưu tiên, sẽ đạt được bước tiến rõ rệt về năng lực sử dụng ngoại ngữ; đến năm 2020, đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Ngoại ngữ sẽ trở thành một thế mạnh của người dân Việt Nam trong quá trình phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tuy nhiên, thực tế kể từ khi triển khai đến nay, dù mới đi được gần 1/3 quãng đường, quá trình thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia đã bộc lộ không ít khó khăn, trở ngại (do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan). Khó khăn lớn nhất đó là năng lực ngoại ngữ của giáo viên còn thấp so với yêu cầu trong khi đây lại là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của Đề án.

Tiến sĩ Vũ Thị Tú Oanh - Phó Vụ trưởng Vụ Trung học, Phó Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia thừa nhận thực tế này và cho rằng cần có sự đồng hành cùng với giáo viên ngoại ngữ, tạo cho họ những điều kiện cần và đủ để họ hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, cần có sự phân chia các nhóm đối tượng để có những hình thức hỗ trợ khác nhau.

Cụ thể, tạo điều kiện cho giáo viên đang dạy tham gia những khóa bồi dưỡng thường xuyên để hỗ trợ họ trong việc cập nhật những đổi mới trong khu vực. Đối với nhóm sinh viên sắp ra trường, cần có sự liên hệ tìm hiểu yêu cầu từ các ban giám hiệu, phòng đào tạo để chuẩn bị cho công việc dạy và học ngoại ngữ ở các bậc học khác nhau…

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Tú Oanh nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ không chỉ dành riêng cho giáo viên ngoại ngữ mà đòi hỏi sự tham gia của nhiều cấp. Nhưng trên thực tế, sự vào cuộc của các địa phương, các cơ sở giáo dục vẫn phải phụ thuộc vào điều kiện thực tiễn nên chưa đồng đều, đồng bộ.

Về phía cơ quan đào tạo, ông Tuấn Minh khẳng định các trường đào tạo đã bắt nhịp rất nhanh với yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt để cung cấp cho xã hội đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn của Đề án. Ông Minh cho rằng, một tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn là do đội ngũ giáo viên này đã ra trường từ lâu và không có điều kiện tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên do điều kiện hạn chế của từng địa phương.

Để tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, người lao động Việt Nam ngoài việc tập trung vào kiến thức chuyên môn, còn cần phải tăng cường khả năng ngoại ngữ. Không còn lý do gì để bàn cãi về mục tiêu hay tham vọng của Đề án Ngoại ngữ quốc gia, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng lộ trình để có thể kịp thời điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Theo VOV