Sự kiện: Thông tin tuyển sinh
Sở GD&ĐT bàn giao hồ sơ cho trường trong kỳ tuyển sinh 2011 sáng 5/5. Ảnh: gdtd.vn
Các sở GD&ĐT thực hiện bàn giao hồ sơ cho trường trong kỳ tuyển sinh 2011 sáng 5/5. Ảnh: gdtd.vn
Khối A áp đảo, khối C nhiều ít tùy vùng
Theo số liệu của hầu hết các sở GD&ĐT bàn giao hồ sơ hôm nay thì khối A vẫn là khối thi có nhiều hồ sơ ĐKDT nhất. Khối C tuy lượng hồ sơ không nhiều nhưng không phải tỉnh nào số lượng hồ sơ đăng ký vào khối này cũng “rớt thê thảm”. Theo ghi nhận của phóng viên, nếu như những tỉnh trình độ học sinh khá như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam... học sinh thường dự thi khối A, D, ít lựa chọn khối C thì một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La... số học sinh đăng ký dự thi vào khối C theo tương quan với các khối khác cũng không phải quá ít.
Một trong những tỉnh nhận được nhiều hồ sơ ĐKDT nhất là Hà Nội. Theo sở này, trong tổng số 165.502 bộ hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ nộp tại sở năm nay có đến 53,12% với 87.913 hồ sơ ĐKDT vào khối A. Tiếp theo là khối D với 39.947 hồ sơ (chiếm 24,13%); khối B: 22.416 hồ sơ (13,54%). Trong khi đó, khối C chỉ có tổng 7.343 hồ sơ, chiếm 4,44%.
Chỉ đứng sau Hà Nội, năm 2011, Thanh Hóa nhận được tổng số 90.342 bộ hồ sơ, giảm 1.600 bộ so với năm 2010. Theo cán bộ bàn giao hồ sơ của sở này, lượng hồ sơ vào khối A và D1 vẫn chiếm cao nhất, sau đó mới đến khối C.
Còn theo cán bộ Sở GD&ĐT Nam Định, trong tổng số 59.317 hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ năm nay sở nhận được có đến 36.944 hồ sơ thi khối A; 10.729 hồ sơ khối B; 7861 hồ sơ khối D; khối C chỉ có vẻn vẹn 216 hồ sơ.
Tương tự, tại Bắc Giang, lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A cũng chiếm quá nửa với 20.706 trên tổng số 36822 hồ sơ. Tiếp đến là khối B với 7863 hồ sơ, khối D là 4431 hồ sơ, sau đó mới đến khối C với 3030 bộ.
Một số tỉnh như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên... cũng cho biết, lượng hồ sơ thi khối A vẫn áp đảo trong các khối thi.
Tuy nhiên, hiện tượng này có vẻ không lặp lại ở các tỉnh miền núi như Sơn La, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai... Ở những tỉnh này, số thí sinh ĐKDT vào khối C hoặc chiếm vị trí thứ 2 sau khối A hoặc thứ 3 sau khối A và khối B. Cụ thể, tại Sơn La, số hồ sơ ĐKDT vào khối C là 2756 bộ, trong khi đó, khối A là 5026 bộ, khối B: 2890 bộ; khối D1: 929 bộ; khối D2: 1 bộ (tổng số hồ sơ ĐKDT tại Sơn La là 12.373 bộ).
Tại Bắc Kạn, trong tổng số 4662 hồ sơ ĐKDT có 1970 hồ sơ thi khối A; 1462 hồ sơ thi khối B; 609 hồ sơ thi khối C và 401 hồ sơ dự thi khối D, còn lại là các khối khác.
Yên Bái, trong tổng số 11.430 hồ sơ ĐKDT có 5691 hồ sơ thi khối A; 1927 hồ sơ thi khối C; 1856 hồ sơ khối B và 1445 hồ sơ khối D...
Lao Cai, tổng số hồ sơ là 9388 bộ, trong đó có 4492 hồ sơ khối A; 2001 hồ sơ khối B; 1054 hồ sơ khối C và 1001 hồ sơ thi khối D...
Trường hút thí sinh cơ bản ổn định như năm 2010
Ghi nhận tại buổi bàn giao hồ sơ các tỉnh phía Bắc, những trường top đầu “hút” hồ sơ nhất hầu như vẫn không thay đổi nhiều so với năm trước. Theo đó, tại nhiều sở, ĐH Công nghiệp Hà Nội vẫn là trường có lượng hồ sơ đông kỷ lục. ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Thương mại, CĐ giao thông vận tải cũng là những trường thuộc top đầu về thu hút nhiều hồ sơ ĐKDT trong năm nay.
Trong khi đó, Các trường "top trên" như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Y Hà Nội... lượng hồ sơ ĐKDT ở mức trung bình, không nhiều như những trường kể trên nhưng khá ổn định. Theo nhận định của các cán bộ bàn giao hồ sơ, một phần do công tác hướng nghiệp đã có hiệu quả, một phần do thí sinh tự lượng được sức mình trong việc chọn trường.
Cụ thể, Hà Nam có tới 2840 hồ sơ ĐKDT vào ĐH Công nghiệp Hà Nội. Tại Bắc Giang, trường này cũng đông thí sinh dự thi nhất với 5016 hồ sơ. Tiếp đến là ĐH Nông nghiệp với 2016 hồ sơ; ĐH Y Thái Nguyên: 1924 hồ sơ; ĐH Thương Mại: 1442 hồ sơ; ĐH Bách khoa Hà Nội: 576 hồ sơ; ĐH Kinh tế quốc dân: 690 hồ sơ; ĐH Ngoại thương: 286 hồ sơ; ĐH Y Hà Nội: 646 hồ sơ...
ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng đứng đầu số hồ sơ ĐKDT tại Ninh Bình với tổng số 2339 bộ; tiếp đó là các trường: ĐH Nông nghiệp Hà Nội (1387); CĐ Giao thông vận tải (1065); ĐH Thương mại (960). ĐH bách khoa Hà Nội (370); ĐH Kinh tế quốc dân (493); Học viện Ngân hàng (394); ĐH Ngoại thương CS1 (117) và ĐH Y Hà Nội: 511 hồ sơ.
Tại Thái Bình, ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng tiếm ngôi đầu với 5099 hồ sơ. Tiếp đến là các trường: ĐH Nông nghiệp: 3277 hồ sơ; ĐH Thương mại: 2557 hồ sơ...
Bà Tạ Song Hà, Phó phòng giáo dục Chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, số lượng hồ sơ ĐKDT vào các trường thuộc nhóm ngành kinh tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin có xu hướng chững lại, không tăng nhiều như các năm trước. Trường ĐH Công nghiệp có số hồ sơ ĐKDT nhiều nhất 12.325 hồ sơ (tăng khoảng 3.000 hồ sơ so với năm 2010); Trường ĐH Thương mại hơn 10.000 hồ sơ; Viện ĐH Mở Hà Nội hơn 8.800 hồ sơ; Trường ĐH Nông nghiệp hơn 7.800 hồ sơ...Một số trường ĐH, CĐ không tổ chức thi có số hồ sơ đăng ký xét tuyển cao như ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp hơn 4.100 hồ sơ, Trường ĐH Lao động Xã hội hơn 1.700 hồ sơ... Có 42/231 trường có khoảng 1.000 hồ sơ ĐKDT
Một trong những điểm đáng chú ý ghi nhận được trong buổi bàn giao hồ sơ năm nay là một số trường ĐH địa phương khá “đắt” hồ sơ do thí sinh xác định được trường học phù hợp với năng lực và điều kiện gia đình, trong đó, việc trường gần nhà được nhiều em lựa chọn.
Cán bộ sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, năm nay, ĐH Hải Phòng là trường thu hút được lượng thí sinh đông nhất trong tỉnh với khoảng 10.000 hồ sơ ĐKDT. Tại Vĩnh Phúc, trường CĐ Vĩnh Phúc cũng đứng đầu bảng về lượng hồ sơ với 2746 bộ, cao hơn trường về nhì là ĐH Công nghiệp Hà Nội trên 200 bộ hồ sơ. Thái Bình, CĐ Y tế Thái Bình là một trong 4 trường được nhiều thí sinh lựa chọn nhất cùng với ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp và ĐH Thương mại. ĐH Hồng Đức Thanh Hóa năm nay cũng thu hút hơn 10.000 bộ hồ sơ, đứng đầu về số hồ sơ ĐKDT trong tỉnh năm nay...
Đăng ký nhận thêm thông tin tuyển sinh qua email tại ô bên dưới.