Quá nặng nề, phản khoa học
Những phản ánh về tình trạng học sinh (HS) bị quá tải về học hành, cặp sách quá nặng… ngoài nguyên nhân vì chương trình học nặng thì còn do các trường sắp xếp thời khóa biểu (TKB).
Một phụ huynh cho hay nhà trường bố trí TKB rất lạ. Lịch học chính là buổi chiều nhưng trong tuần có 2 ngày HS phải đến trường từ 7 giờ 15 phút chỉ để học 2 tiết chính khóa sau đó phụ huynh lại phải đón về. Chiều lại tiếp tục học 4, 5 tiết nữa. Nhưng cũng có ngày chỉ học 1 buổi mà buổi đó chỉ học 3 tiết. Phụ huynh thắc mắc thì hiệu trưởng giải thích buổi học chỉ có 3 tiết vì còn phải dành 2 tiết để giáo viên sinh hoạt chuyên môn nên phải xé lẻ 5 tiết thành... 2 buổi.
Có HS lớp 11 cho rằng TKB rất phản khoa học. Có hôm tập trung toàn các môn khoa học xã hội, HS phải học theo kiểu ghi nhớ quá nhiều trong một buổi. Có môn học 2 ngày liên tiếp, có môn một tuần chỉ có 2 tiết thì đầu tuần một tiết cuối tuần mới học tiếp tiết nữa. Kiến thức của buổi học trước do không được học liền mạch nên HS đã... quên sạch.
Một phụ huynh có con học lớp 8 trường THCS ở Hà Nội cho biết có hôm 5 tiết là 5 môn khác nhau, chẳng môn nào liên quan đến môn nào. Vừa hôm trước học văn, toán, ngoại ngữ, nhạc, thể dục; hôm sau lại 4 tiết với 3 môn khác nhau trong đó lại có môn thể dục. Một tuần HS chỉ học 2 tiết thể dục nhưng lại không ghép vào cùng một buổi 2 tiết liền nhau để học có hiệu quả hơn. Chưa kể vì thế phụ huynh phải mua 2 bộ đồng phục thể dục để HS kịp mặc trong 2 ngày liên tiếp.
Thậm chí có trường hợp HS đã ngất xỉu vì quá mệt khi TKB xếp học thể dục vào tiết 5 buổi sáng, sau khi “nhồi” toán, văn... đến tiết 5 là gần giữa trưa, đồng hồ sinh học cần nghỉ ngơi thì lại phải chạy, phải đá cầu lông, nhảy cao, nhảy xa...
Nếu nhà trường xếp TKB khoa học thì không chỉ phụ huynh đỡ vất vả trong việc đưa đón con mà HS còn có thể dành thời gian tự học, đọc sách hoặc bổ sung các kỹ năng khác mà nhà trường không có điều kiện giảng dạy.
Mâu thuẫn khó giải quyết !
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng việc sắp xếp TKB phải dựa trên nguyên tắc phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, trình độ nhận thức và sức khỏe của HS trong từng giai đoạn. TKB còn phải bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chú ý của HS. Thời gian ghi nhớ của HS chỉ đọng lại tốt nhất trong vòng 3 ngày. Việc sắp xếp TKB còn phải đặc biệt chú ý sự phân bố hợp lý giữa các môn học nặng - nhẹ, môn ít vận động và có vận động, giữa tự nhiên và xã hội...
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, các trường nhận thức được việc bố trí TKB là quan trọng nhưng khi xếp TKB nhà trường còn phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, số phòng học chức năng, số lượng giáo viên từng bộ môn, thậm chí còn phải lưu ý tới hoàn cảnh như nuôi con nhỏ, nhà ở xa... Đây là việc không dễ đối với người được giao nhiệm vụ xếp TKB cho nên ở nhiều nơi khi xây dựng TKB mục tiêu vì HS được đặt sau lợi ích của giáo viên và nhà trường.
Giải pháp dạy theo chuyên đề ?
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, nêu ý tưởng cần phải có quy định chung về việc thiết kế TKB cho tất cả các trường, HS sẽ học thành các chuyên đề. Dự kiến Đà Nẵng sẽ thí điểm ở một số trường, nếu thấy hiệu quả thì sẽ nhân rộng và áp dụng đại trà.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Tuyên Quang) là một trong rất ít trường mạnh dạn thí điểm sắp xếp thời gian học cho phù hợp với khả năng tiếp thu của HS. Ông Vũ Đình Thuận, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Từ năm học 2013 - 2014 trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục mới theo định hướng phát triển năng lực HS. Tổ chuyên môn tiến hành rà soát nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành; cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học; đề xuất xây dựng một số chủ đề liên môn...”.
Theo ông Thuận, từ chỗ dạy học theo một chương trình tập trung, thống nhất, giống nhau và cứng nhắc, nhà trường và giáo viên đã chủ động phân bổ lại kế hoạch dạy học, thêm bớt một số nội dung giáo dục; tổ chức một số hoạt động và các hình thức đa dạng, phù hợp... Nhờ vậy, HS lĩnh hội kiến thức tốt hơn, hào hứng hơn trong giờ học.
Năm 2013, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn cho phép các trường thí điểm có thể cấu trúc, sắp xếp lại nội dung dạy học của từng môn học theo định hướng phát triển năng lực HS thành những bài học mới. Có thể chuyển một số nội dung dạy học thành nội dung các hoạt động giáo dục.
Xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối chương trình các môn học phù hợp với HS và điều kiện thực tế nhà trường.
Đặng Huyền Thương, một du HS Trường BrazosportChristian School (Mỹ), cho biết nhà trường đưa ra nhiều môn học khác nhau để HS lựa chọn. Có thể nói mỗi HS là một TKB khác nhau, dựa phần lớn vào nhu cầu của HS chứ không phải theo sắp xếp của nhà trường.
Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/kho-vi-thoi-khoa-bieu-tuy-tien-754131.html