Sự kiện: Giáo dục / tuyển sinh / khoa giáo / học đường
Những người cha làm tư vấn tuyển sinh
Khi anh em chúng tôi lớn lên, ông lắng nghe nguyện vọng và đánh giá năng lực của từng đứa một rồi làm công việc mà bây giờ ta gọi là “tư vấn tuyển sinh” vào thời điểm trước ngày thi đại học hằng năm.
Trong các anh em, chỉ riêng tôi được ba hướng vào sư phạm ngay từ rất sớm. Không phải tôi là con trai cả, nhất thiết phải nối nghiệp làm thầy của ba. Từ những năm tôi học ở phổ thông, các hoạt động của một người thầy trong nhà trường đã được ba chú ý giới thiệu. Sách báo về nghề dạy học được ba khuyến khích đọc bằng cách cho phép sử dụng tủ sách riêng của ông.
Ba tôi nhận xét rằng so với các em, tôi không có máu kinh doanh, chưa có sự quyết đoán của những người làm khoa học kỹ thuật, không có tham vọng làm giàu, cuộc sống cá nhân lại thiên về tình cảm. Những vấn đề thuộc về tâm lý giáo dục lại càng thu hút tôi nên nghề dạy học phù hợp với tôi hơn cả. Chưa vào sư phạm, tôi đã được người thân gọi là “thầy giáo tương lai”.
>> Tư vấn tuyền sinh 2013: chọn ngành nghề nào phù hợp với lực học
Cứ như vậy, khi các bạn cùng lớp loay hoay với bao ngành nghề, trường lớp thì tôi bình thản vào sư phạm. Những kỷ niệm vui buồn của ba tôi trong đời dạy học, hình ảnh các thầy cô đã từng giảng dạy, giúp tôi thành người theo tôi suốt chặng đường học làm thầy và trở thành thầy giáo mãi đến giờ.
Những năm 1980 sách vở, tài liệu rất ít. Cứ đầu mỗi học phần, chúng tôi được chỉ định một danh sách các tài liệu cần thiết phải xem. Bằng mọi cách, tôi đến thư viện hay tranh thủ các mối quan hệ để mượn, sao chép, phục vụ cho việc học. Hồi ấy chưa có máy tính, chưa có khái niệm lên mạng gì cả nên việc học vô vàn khó khăn. Thế nhưng do sự say mê, tôi và các bạn đều đi đến cùng của chương trình đào tạo.
Không chỉ học trên lớp, tôi và các bạn còn được hướng dẫn biết bao kỹ năng tự học, tự nghiên cứu nhằm đạt tới chuẩn nghề nghiệp vững chắc trong tương lai. Không sao chép các giáo trình, luận án của các khóa trước là thể hiện lòng tự trọng của người học lúc bấy giờ. Mỗi lần đến trường kiến tập (chỉ được xem chứ chưa được dạy), sự náo nức với nghề như tăng lên.
Khi ra trường, được phân công giảng dạy suốt nhiều năm, lòng yêu nghề ở tôi vẫn không hề giảm. Suốt trong nhiều năm, việc đọc sách báo, sưu tầm tài liệu để giảng dạy đã trở thành thói quen trong đời sống cá nhân. Niềm vui, nỗi buồn của học trò cũng chính là niềm vui và nỗi buồn của chính tôi. Mỗi học sinh là cả một cuộc đời với nhiều cung bậc khác nhau. Mỗi một năm học là một chặng đường mới với bao khó khăn và sự say mê mới.
Những điều tạm gọi là như ý trong đời tôi, đó chính là chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, tôi cũng nhớ ơn ba tôi là người đã phát hiện và đưa tôi đến với nghề dạy học. Khi con tôi đến tuổi vào đại học, tôi cũng lắng nghe nguyện vọng của cháu, đưa cháu đi dự các buổi tư vấn của báo chí và thầy cô.
Ban đầu cháu cũng muốn học một ngành nghề thiên về khối kinh tế như nhiều bạn trong lớp nhưng qua nhiều buổi trao đổi thẳng thắn về khả năng học tập, sự yêu thích và có cả điều kiện kinh tế của gia đình, cháu đã thay đổi. Đến nay, cháu gần hoàn thành chương trình năm 2 và ngày càng say mê, hứng thú với nghề tương lai.
Một anh bạn của tôi là người đầu ngành một cơ quan cấp tỉnh thì khác. Con trai anh học rất tốt các môn khoa học tự nhiên và có nguyện vọng trở thành nhà nghiên cứu về nhựa tổng hợp. Anh phản ứng ra mặt: anh muốn con trở thành bác sĩ. Khi cháu kiên quyết xin được học nghề mình yêu thích, anh bực bội la rầy cháu suốt. Thậm chí anh còn có thái độ hằn học.
Ngày cháu đưa giấy báo trúng tuyển, anh không thèm xem.
Cháu cũng kiên định, ngoài những khoản chi phí lớn phải nhờ gia đình như học phí, những khoản còn lại cháu tự lực kiếm thêm. Việc vừa học vừa đi làm thêm, kiến thức của cháu ngày càng được củng cố, kinh nghiệm càng nhiều, cháu nói không bao giờ thấy tiếc vì đã theo đuổi nguyện vọng của đời mình. Mới đây, gặp lại, anh hối hận thú nhận ép con lựa chọn nghề như ý cha mẹ là quá cực đoan.
Kết quả học tập của con anh ngày một tốt hơn chính là do năng lực phù hợp và sự say mê của cháu. Anh nói cũng may là tôi chưa ép cháu bỏ ngành nó chọn, nếu không chưa biết hậu quả thế nào.
Để không phải băn khoăn khi chọn ngành nghề, trước hết bản thân người học cần tìm xem thật sự đã yêu thích ngành học đến đâu, những thuận lợi và khó khăn khi theo đuổi ước mơ của đời mình. Bên cạnh đó là nhìn ra khả năng của bản thân. Không chạy theo số đông, thị hiếu nhất thời hay chỉ để làm vừa lòng cha mẹ. Khi vào học cần tập trung, toàn tâm, toàn ý tìm ra phương pháp hiệu quả nhất.
Xác định tự học là chính, thầy cô là người hướng dẫn, không thể làm thay. Mọi sự sáng tạo, đột phá đều phải có một nền tảng kiến thức vững chắc... Có như vậy mới biến ước mơ của đời mình thành hiện thực.
Có lẽ đó cũng là bài học của cả những người cha, người mẹ làm “tư vấn tuyển sinh”...
Theo Giadinhvn