Thí sinh không thi đỗ thi tuyển lớp 10 vẫn còn nhiều lựa chọn như: trường ngoài công lập, hệ thống trường nghề hay trung tâm GD thường xuyên.
1. Hệ thống trường và trung tâm dạy nghề
Hiện nay, hệ thống trường nghề khá nhiều tại các địa phương. Học sinh có thể học song song các môn văn hóa và học nghề. Tuy nhiên, do những ý kiến chưa thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH nên hiện nay, trường nghề chưa được cấp bằng văn hóa cho học sinh. Nếu muốn có bằng văn hóa, cơ sở dạy nghề phải kết nối với các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Vì vậy, nếu muốn ra trường vừa có bằng văn hóa vừa có bằng nghề, các học sinh cần tìm hiểu kỹ về chính sách cấp bằng của trường em định theo học. Sau khi học xong trung cấp nghề, các em có thể học liên thông lên Cao đẳng nghề.
Học sinh không đỗ kỳ thi xét tuyển lớp 10 vẫn còn nhiều cơ hội trong học tập cũng như nghề nghiệp
2. Xét tuyển vào các cơ sở giáo dục ngoài công lập
Những năm gần đây, hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, những nơi đông dân cư. Chất lượng dạy học của hệ thống này cũng được nâng lên nhanh chóng. Nhiều trường tư thục thậm chí đi đầu trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến.
Có một bộ phận học sinh thậm chí không thi tuyển vào công lập mà nộp thẳng hồ sơ vào trường ngoài công lập mà các em yêu thích. Tuy nhiên, học phí của hệ thống giáo dục ngoài công lập cao hơn hệ thống công lập, đây là 1 trong những yếu tố khiến những học sinh có điều kiện kinh tế không dư dả thường phải cân nhắc.
3. Loại hình giáo dục thường xuyên
Nếu không lựa chọn học tại các trường ngoài công lập, học sinh có thể chọn lựa học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Nội dung chương trình các môn học của bậc giáo dục thường xuyên cũng giống như chương trình các môn học bình thường khác ở bậc trung học phổ thông nhưng được giảm bớt khối lượng kiến thức.
Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên khá năng động, bổ sung nội dung học Tiếng Anh, Tin học và mở thêm các lớp dạy nghề ngắn hạn để học sinh học song song. Nhờ đó, nhiều em ra trường có thêm cả bằng nghề. Hoàn thành xong chương trình lớp 12, người học tham gia thi tốt nghiệp THPT cùng các học sinh lớp 12 chương trình THPT chính quy. Bằng tốt nghiệp hiện nay không phân biệt giữa 2 hình thức đào tạo chính quy và giáo dục thường xuyên.
> Cần Thơ công bố điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 năm 2021
> Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Đáp án chính thức từ Sở GD&ĐT
Theo VTV News