Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

dao_tao_lai_sinh_vien_tot_nghiep

 

Phần lớn sinh viên ra trường phải có thời gian đào tạo lại từ đầu do thiếu kĩ năng làm việc, con số này chiếm tới 61%.

 

Theo con số công bố ngày 9/12 của Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách thuộc trường ĐH KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, trong số gần 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp được hỏi, có đến 26,2% cho biết chưa có việc làm. Trong số những sinh viên đã có việc thì 70,8% không thoả mãn với công việc của mình và đang có ý định thay đổi chỗ làm trong thời gian sắp tới.

 

Theo đánh giá khảo sát của Trung tâm này,có  một thực trạng đáng suy nghĩ, có tới 27% sinh viên được hỏi nói rằng không xin được việc vì ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số sinh viên gặp cảnh nhà tuyển dụng không hiểu ngành học của mình đào tạo cái gì cũng chiếm đến 18%.

 

Cũng theo kết quả điều tra này, số cử nhân không hài lòng với công việc đang làm tăng cao (46,5%) và 42,9% số  cử nhân này chọn tiếp con đường là học lên cao hơn để hy vọng có được công việc như mong muốn.

 

Thực trạng đáng buồn hiện nay cho thấy, phần lớn sinh viên ra trường phải có thời gian đào tạo lại từ đầu do thiếu kĩ năng làm việc, con số này chiếm tới 61%. Một con số phản ánh chất lượng đào tạo ngày một thấp ở các trường đại học, cao đẳng rằng có 32% sinh viên cho biết họ thiếu kiến thức chuyên môn khi làm việc.

 

Nhận  định về những con số trên, bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần ứng dụng tâm lý Hoa Mặt Trời chia sẻ, công ty bà đã từng gặp phải nhiều trường hợp sinh viên, thậm chí sinh viên bằng khá giỏi nhiều, nhưng rất kém về nghiệp  vụ chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng thực hành.

“Phần lớn sinh viên được công ty tuyển dụng phải đào tạo lại. Điều này đã làm mất nhiều thời gian và gia tăng chi phí của chúng tôi. Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp không mặn mà với sinh viên mới ra trường”, bà Hà thẳng thắn cho biết.

 

Để khắc phục được những tình trạng trên,  theo ông Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý, trường ĐH KHXH&NV cho biết: “ Cần áp dụng kỹ năng  mềm từ năm thứ nhất đến năm thứ tư với các nội dung tập huấn được sắp xếp phù hợp với tính chất của từng năm học. Thí dụ, sinh viên năm thứ nhất cần được trang bị kiến thức kỹ năng định vị bản thân và xây dựng mục tiêu nghề nghiệp. Sinh viên năm thứ tư lại cần kỹ năng tiềm kiếm việc làm và phỏng vấn xin việc…” ông Hà nêu vấn đề.

 

Theo ông Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách, trường ĐH KHXH&NV thì, đối với những sinh viên áp dụng kỹ năng mềm trong học tập sẽ cho kết quả khả quan hơn. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm ở nhóm học kỹ năng mềm là 88,2% trong khi con số này nhóm đối chứng là 72%.  Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm ngay trong tháng đầu tiên của nhóm học kỹ năng là trên 26% trong khi ở nhóm đối chứng là 0%.

 

Đồng quan điểm, bà Vũ Thu Hà cũng cho rằng, đào tạo kỹ năng nên được đưa vào chương trình chính thức. Hoạt động này không những chỉ giúp sinh viên nhanh chóng hoàn thiện bản thân, nhân cách mà còn là cách để nhà trường hoàn thiện sản phẩm đào tạo của mình, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (giaoduc.net.vn)


Bài: Hơn 60% sinh viên ra trường cần đào tạo lại