Tin liên quan:

>> Nguyện vọng 2 bắt đầu nóng

>> Điểm chuẩn đại học 2012

>> Học viện quốc tế giả tuyển sinh làm mất quyền lợi học viên

Khôi hài chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó”

Báo ANTĐ đăng tải bài viết “Mạo danh học viện nước ngoài để tuyển sinh “chui”, xảy ra tại Công ty cổ phần Karrox Việt Nam (viết tắt là Công ty Karrox VN). Mặc dù trước đó, ông Nguyễn Thành Viên, Giám đốc đào tạo Học viện CNTT Quốc tế Karrox Việt Nam (thuộc Công ty Karrox VN) khẳng định, đơn vị đã được Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội cấp giấy phép hoạt động đào tạo nghề  nhưng sự thật thì sao?

“Tiền trảm hậu tấu”

Ngay sau khi Báo ANTĐ phản ánh việc Học viện Công nghệ Thông tin (CNTT) Quốc tế Karrox - Ấn Độ thuộc Công ty Karrox VN tuyển sinh chui, núp dưới thương hiệu Karrox Ấn Độ, đường dây nóng của báo đã liên tục nhận được những thông tin phản hồi cũng như ý kiến của nhiều học viên và phụ huynh có ý định cho con em theo học tại đây. Để rộng đường dư luận, phóng viên ANTĐ tiếp tục chuyển tải đến bạn đọc những thông tin về Học viện CNTT Quốc tế Karrox - Ấn Độ và cả tính pháp lý khi tuyển sinh đào tạo hệ chuyên gia CNTT Quốc tế. Tuy nhiên, dù đã rất nhiều lần phóng viên liên lạc với lãnh đạo của Công ty Karrox VN nhằm làm rõ “lò” đào tạo hệ KCNP (Chuyên gia quản trị và bảo mật mạng) nhưng chỉ nhận được tin nhắn của ông Nguyễn Thành Viên là cung cấp tài liệu qua thư điện tử, nhà có việc riêng...

Trước đó, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Thành Viên khẳng định với phóng viên ANTĐ, Học viện CNTT Quốc Tế Karrox - Talentedge đã được Sở Lao động TB&XH Hà Nội cấp giấy phép đào tạo nghề và cũng đã được Karrox Ấn Độ chấp thuận nhượng quyền thương mại để Công ty Karrox VN được sử dụng thương hiệu này tuyển sinh, đào tạo hệ KCNP. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì sự thật hoàn toàn không như vậy.

Sáng 9-8, bà Hoàng Thu Phong - Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề (Sở Lao động TB&XH TP Hà Nội) khẳng định, cho đến thời điểm này, Công ty Karrox VN chưa hề được Sở Lao động TB&XH cấp giấy phép mà công ty mới đang làm thủ tục xin cấp phép. Tuy nhiên, bà Phong cũng lưu ý, việc họ đào tạo nghề và sử dụng thương hiệu của một đối tác nước ngoài cần phải xem xét, có thể họ liên kết với một đơn vị nào có chức năng đào tạo? Còn  nếu công ty được đối tác chấp thuận chuyển nhượng thương hiệu thì khi xin cấp phép cần phải xuất trình hợp đồng giữa các bên. Nếu như vậy hiểu một cách logic thì việc Công ty Karrox VN chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép về tuyển sinh đào tạo mà đã tuyển sinh là làm “chui”. Đối với việc chưa được đối tác chuyển nhượng thương hiệu mà lấy thương hiệu đó để tuyển sinh là “mạo danh”.

Thông tin liên quan xoay quanh những vấn đề khi mở các lớp đào tạo nghề hay giáo dục đào tạo thuộc cơ quan nào cấp phép (Sở Lao động TB&XH hay Sở GD&ĐT-PV), Phó giám đốc Sở Lao động TB&XH TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, nếu là đào tạo nghề cần phải xem xét chương trình đào tạo theo quy định khung của Bộ Lao động TB&XH, còn nếu chương trình đào tạo theo hệ chuyên nghiệp thì giáo trình ấy phải do Bộ GD&ĐT quy định. Làm gì cũng phải có giấy phép hoạt động. Trước những thông tin mà Báo ANTĐ đã đăng tải về Học viện CNTT Quốc tế  Karrox Ấn Độ (có trụ sở tại nhà số 27, ngõ 329 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) Sở sẽ xem xét, chỉ đạo Phòng Quản lý đào tạo nghề kiểm tra lại. Nếu như Công ty Karrox VN chưa được cấp phép, Sở sẽ xuống kiểm tra và xử lý theo quy định.

Giám đốc hành xử kiểu… côn đồ!

Có thể thấy, việc “treo đầu dê bán thịt chó” của Học viện CNTT Quốc tế Karrox Ấn Độ thuộc công ty Karrox VN đã mạo danh Karrox Ấn Độ để lừa đảo học viên, thu tiền tuyển sinh là trái pháp luật. Câu hỏi vì sao Công ty Karrox VN lại làm được điều đó? Vì thực tế, trong Cam kết bảo trợ việc làm dành cho học viên tốt nghiệp hệ Chuyên gia CNTT Quốc tế Karrox - Talentedge, ông Viên đã viện dẫn căn cứ Quyết định chấp thuận đăng ký hoạt động nhượng quyền đào tạo của Tập đoàn CNTT Quốc tế Karrox Ấn Độ tại Việt Nam của Bộ Công Thương số 260/TT-BCT ngày 13-8-2009. Tuy nhiên, đây là chấp thuận của Bộ Công Thương cho Công ty TNHH Karrox Ấn Độ với Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Đào tạo Quốc tế (viết tắt là Công ty Công nghệ Quốc tế) là đại diện duy nhất tại Việt Nam chứ không phải là chấp thuận cho Công ty Karrox VN. Bên cạnh đó, việc “phong” cho mình là Giám đốc đào tạo Học viện CNTT Quốc tế Karrox Ấn Độ thì không hiểu học viện của ông Viên được ai ký quyết định thành lập?

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay có sự quản lý chồng chéo về hệ thống đào tạo nghề. Một trung tâm dạy nghề chỉ cần một trong hai sở (Sở GD&ĐT; Sở Lao động TB&XH) cấp phép là có thể được đào tạo nghề. Một vấn đề khác là, cho dù sở nào cấp phép hoạt động đi nữa thì chỉ cấp được cho Trung tâm đào tạo nghề ngắn hạn chứ cấp sở không thể cấp phép cho một học viện được mà phải là cơ quan có thẩm quyền cao hơn… Nói như vậy thì việc tự “phong” Học viện CNTT Quốc tế Karrox Ấn Độ cũng cần phải xem xét lại.

Trong khi những khuất tất về chuyện Công ty Karrox VN bị báo chí phanh phui và dư luận hết sức quan tâm thì giữa những người đứng đầu hai công ty này lại xảy ra cuộc ẩu đả khiến cho vụ việc càng thêm bê bối. Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Lượng, Phó giám đốc Công ty Công nghệ Quốc tế, khoảng 11h trưa 8-8, trong khi đang chuẩn bị cho lớp khai giảng khóa học tiếp theo tại địa chỉ 18 phố Nguyễn Chí Thanh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), ông Lượng đã bị ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Karrox VN đánh đến mức phải nhập viện. Ngay sau đó, vụ việc đã được trình báo lên CAP Ngọc Khánh.

Xác nhận với phóng viên ANTĐ, Trung tá Lại Phú Hưng, CAP Ngọc Khánh cho biết, sau khi nhận đơn trình báo của ông Lượng, CAP ban đầu đã lập hồ sơ vụ việc và nhanh chóng tiến hành điều tra. Ngay sau đó, CAP Ngọc Khánh đã đến Công ty Karrox VN tống đạt giấy mời ông Phạm Tiến Dũng lên làm việc nhưng hiện cá nhân này không có mặt ở công ty và không thể liên lạc bằng điện thoại di động. Cũng theo Trung tá Hưng, theo lời khai ban đầu của nạn nhân cho thấy, Dũng đã lên gối và đánh, đấm, đá khiến ông Lượng giập lá mía sống mũi, gẫy xương mu bàn tay phải. Tuy nhiên, đến ngày 18-8  mới có kết quả chứng thương. Vụ việc sẽ sớm được giải quyết triệt để.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Anninhthudo)