Ngậm đắng “cõng con” vào trường quốc tế

Theo học trường quốc tế với những nhà sẵn tiền cảm thấy bình thường, còn những gia đình thu nhập hạng trung thì các khoản thu cho một tháng học là vấn đề lớn.

Song nhiều gia đình vẫn đang cố để con được học trong môi trường giáo dục hiện đại để kỳ vọng vào một sự thay đổi thần kỳ ở con em mình thành “công dân toàn cầu” vào một ngày không xa. Tuy nhiên, sau một năm học, nhiều người lại nản vì những bất cập...

Học phí 12 năm bằng một chung cư cao cấp

Chị Hà Linh có con học Trường quốc tế Unis, trường có mức học phí cao nhất cả nước. Trung bình tiền học một năm chị phải nộp là 18.000USD. Như vậy sau 12 năm, số tiền đầu tư cho con đã lên tới hơn 4,5 tỷ đồng. Đây là tài sản lớn với nhiều gia đình, nhưng vì đầu tư cho con nên chị Linh cũng phải cố. Trường quốc tế Singapore chi phí  trung bình từ 25-30 triệu đồng/tháng (mỗi cấp học có mức thu khác nhau).

Học trường tiểu học quốc tế và những nỗi lo về chi phí

Học trường tiểu học quốc tế và những nỗi lo về chi phí

Bên cạnh đó, một số trường còn có những khoản phụ thu khác, ngoài danh mục công bố, chính vì thế có những phụ huynh cho con vào trường học được một năm không theo nổi lại phải chuyển ra trường bình thường (chất lượng cao với học phí cao nhất cũng chỉ 3 triệu đồng/tháng).

Học sinh bậc tiểu học sẽ là cấp chi phí cao nhất trong một trường học quốc tế.

Thường thì chi phí tiền ăn học, tiền xe đưa đón lên tới 12 triệu đồng/tháng, còn nhiều trường VIP, với các con của những nhà giàu thì tiền học được tính bằng "đô". Chẳng hạn như Hệ thống trường quốc tế Mỹ AIS, phí ghi danh cho học sinh dự tuyển là 100 USD, tiền học cho lớp 1-2-3 là 3,420 triệu đồng/tháng, lớp 8-9 là 5,415 triệu đồng/tháng, tiền ăn bán trú cho học sinh tiểu học hơn 1,3 triệu và trung học cơ sở là 1,7 triệu đồng/tháng, chưa tính các khoản phụ thu khác.

Bộ phận tư vấn của Trường THPT quốc tế APU cho biết, phí nhập học của trường là 1.000 USD cho học sinh lớp 10, còn học phí là 8.900 USD/ 9 tháng, phí nội trú 2.250 USD/ 9 tháng. Tất cả các phí này đều đóng đủ một lần duy nhất ngay khi đăng ký vào trường. Như vậy, học sinh lớp 10 học ở đây sẽ phải đóng trên 10.000 USD/ 9 tháng học.  Nhiều trường còn đặt ra quy định các khoản thu sẽ không hoàn trả nếu học sinh chuyển trường.
Trường Thực nghiệm quốc tế Hà Nội là nơi GS Ngô Bảo Châu học giải những bài toán đầu tiên. Vốn đã nổi tiếng vì cách học không giống các trường khác, nay gắn với một tên tuổi vị GS toán học tài năng thì trường này càng nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh có mức tài chính bậc trung. Học phí ở đây trung bình 7-10 triệu đồng/tháng.

Công dân toàn cầu... một nửa

Với trường Quốc tế Singapore, học sinh không học môn học văn và sử như các trường bên ngoài. Chính vì lẽ đó, học sinh không hay biết gì những danh nhân của đất nước, không biết những áng văn hay, câu thơ tuyệt tác. Với những đứa trẻ này, tâm hồn chỉ là những con số khô khan và rất thực tế.
Cô giáo K.A kể:  "Một học sinh của trường PTTH Phan Huy Chú học hết lớp 10 em chuyển sang học ở Trường quốc tế Singapore, không được học văn vậy là cứ đến thứ bảy, trường nghỉ học em lại xin về lớp cũ nghe cô giáo giảng văn. "Con yêu và nhớ  giờ văn trên lớp được nghe giọng cô giảng bài. Mỗi tuần được nghe một tiết văn con cũng thấy rất vui", nghe cô học sinh cũ tâm sự như vậy, tôi thấy thương em quá”.

Có một điều mà nhiều bậc phụ huynh bức xúc với một số trường quốc tế vì cách thu tiền học kiểu "bắt chẹt". Chẳng hạn, phụ huynh Trường quốc tế Singapore đã gửi đơn thư kiến nghị về nhà trường cố tình áp tỷ giá USD cao hơn tỷ giá ngân hàng. Vì không được thu USD trực tiếp, nên trường này đã buộc phụ huynh phải quy tiền học ra tiền đồng với tỷ giá 22.000 đồng/1USD. Điều này là phi lý khiến cho nhiều phụ huynh bất bình. Chúng tôi đã liên hệ nhưng đại diện nhà trường hứa sẽ trả lời trong 2-3 ngày nữa.

Một bất cập nữa khiến nhiều phụ huynh có con học trong trường quốc tế thêm nản đó là bữa ăn không hợp khẩu vị, thậm chí có học sinh bị đói. Một bữa ăn trưa của học sinh bậc PTTH, phụ huynh phải nộp hơn 100 ngàn đồng.

Chị Thu Hằng có con học ở Trường quốc tế Singapore cho biết: "Con gái kêu không ăn được vì thức ăn không giống cơm ở nhà. Vậy nên buổi trưa người giúp việc lại phải mang cơm đến cho cháu. Cháu cũng kể, ở trường thức ăn ban đầu thì thoải mái, ai ăn hai suất cơm cũng được. Nhưng một số bạn không đóng tiền ăn lại được bạn đóng tiền lấy cho một suất. Vậy là giáo viên quản lý phát hiện, bây giờ mỗi học sinh chỉ được một suất ăn. Nhiều bạn ăn một suất lại bị đói không đủ sức mà học".

Rõ ràng, học ở trường quốc tế, học sinh được học theo phương pháp tư duy sáng tạo, vốn ngoại ngữ tốt nhưng những môn xã hội như văn, sử lại không được chú trọng. Từ bất cập này, năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường quốc tế phải đưa môn văn, sử vào giảng dạy. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ở  những trường này sẽ không có giáo viên chuyên, họ đối phó bằng các giờ học chỉ giới thiệu qua loa sẽ làm học sinh không hào hứng.

Chính vì thế, việc cho con học trường quốc tế để tiếp cận nền giáo dục hiện đại, có bằng cấp quốc tế, nhưng từng gia đình nếu thiếu sự quan tâm đúng mức với các em sẽ tạo ra một lớp "công dân toàn cầu"... một nửa?!. Đó là những người Việt không hiểu rõ tiếng Việt, không hiểu nền văn hiến và lịch sử xây dựng, phát triển của nước nhà

Học trường quốc tế và nỗi lo mất gốc

Mong con phát triển toàn diện, tự tin bước vào cuộc sống, nhưng nhiều gia đình cho con vào học Trường quốc tế từ bậc mầm non hay cấp tiểu học mới "ngấm" đủ những bất cập. Cháu Thanh Trúc, được bố mẹ cho vào học Trường quốc tế Mỹ. Từ nhỏ Trúc đã tiếp xúc với tiếng Anh, vào học tiểu học lại học trong môi trường hoàn toàn sử dụng tiếng Anh. Chính vì thế, bé Trúc không viết nổi tiếng Việt đúng chính tả. Bé sử dụng tiếng Việt cũng không đúng ngữ nghĩa. Chị Thanh Hà, mẹ cháu Trúc lo lắng: "Có lẽ tôi phải cho cháu ra ngoài học thêm tiếng Việt để cháu không bị mất gốc".

Theo Nguoiduatin.vn