Sự kiện: Tiếng anh, Ngoại ngữ, Trung tâm anh ngữ
Tin liên quan:
Cho con học tiếng Anh là điều các bậc cha mẹ rất quan tâm hiện nay. Ngoài việc là ngôn ngữ thông dụng trên toàn thế giới, học tiếng Anh còn giúp trẻ có thêm sự tự tin, độc lập và trưởng thành hơn.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều biết được rằng nếu học tiếng Anh từ nhỏ, trẻ sẽ có trí nhớ tốt hơn, có khả năng phân tích và suy luận cao hơn. Song, điều phụ huynh quan tâm chính là nên bắt đầu dạy tiếng Anh ở độ tuổi nào của trẻ là phù hợp và hiệu quả nhất? Dạy tiếng Anh cho con còn phải căn cứ vào những yếu tố nào?
Trẻ học tiếng Anh ở thời điểm nào là tốt nhất?
Bé Hoà Minh (7 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) đang học lớp 2. Mặc dù, chương trình học chưa có môn ngoại ngữ, nhưng mẹ bé - chị Hà Thu - đã tạo điều kiện cho con theo học tiếng Anh ở trung tâm mỗi tuần hai buổi để con dần dần làm quen với môi trường ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, chị Hà Thu lại phải đối mặt với các quan điểm giáo dục, thậm chí trái chiều từ phía gia đình. Chồng chị thì cho rằng, cho con học tiếng Anh như thế là quá sớm, gây nên áp lực nặng nề, khiến con cảm thấy chán học. Còn như tìm hiểu của chị Hà Thu, thì việc cho con đi học thêm tiếng Anh lúc này là đã muộn so với những bạn cùng trang lứa của con. Bởi hầu hết những đứa trẻ - con cái đồng nghiệp của chị - chúng đều được học tiếng Anh ngay khi còn học mẫu giáo.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng việc dạy cho trẻ học một ngoại ngữ càng sớm càng tốt, hãy dạy tiếng Anh cho trẻ ngay từ khi bé tập nói tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng sẵn sàng tiếp nhận một ngôn ngữ thứ hai. Đối với những trẻ này không được áp đặt, gò ép, bắt buộc chúng phải học tiếng Anh bằng được. Việc làm này sẽ phản giáo dục vì trẻ càng căng thẳng và không thể có hứng thú học tiếng Anh sau này. Trong thời đại ngày nay, coi nhẹ tiếng Anh là đánh mất thời cơ hội nhập - nhưng để trẻ có thể lĩnh hội tốt nhất thứ tiếng này thì không phải là điều dễ dàng. Vì thế, trong quá trình học tiếng Anh cùng con, cha mẹ cần phải bình tĩnh, hết sức kiên nhẫn để cùng con vượt qua những khó khăn, trở ngại của con đường học hành đầy chông gai này.
Các bậc cha mẹ cần nhớ, phương pháp dạy tiếng Anh tốt nhất cho trẻ em là để trẻ học một cách tự nhiên, không quá căng thẳng. Hãy đưa trẻ vào môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các bé sẽ không học một cách thụ động (cha mẹ đưa từ mới và giải nghĩa) mà chủ động tiếp nhận tiếng Anh thông qua trò chơi, bài hát, phim hoạt hình và các sinh hoạt hàng ngày. Trẻ sẽ học bằng chính khả năng của bản thân, từ đó hình thành phương pháp tiếp thu phù hợp và phát âm chuẩn. Trong việc học tiếng Anh, điều quan trọng không phải là năng khiếu mà là luyện tập thường xuyên, đặc biệt là kỹ năng nghe. Cha mẹ hãy sát cánh bên con trong quá trình con nghe và cảm nhận tiếng Anh, dù ở dạng tin tức, hay phim ảnh, bài hát đều có kết quả tốt hơn nhiều.
Tính cách ảnh hưởng đến chất lượng học
Các bậc phụ huynh cần lưu ý: Tính cách và khí chất của trẻ là một yếu tố quan trọng giúp cha mẹ xác định thời điểm chính xác trẻ làm quen với tiếng Anh. Nếu trẻ có khí chất linh hoạt, mạnh dạn trong giao tiếp, tự tin và có khả năng tập trung cao, có hứng thú với việc tiếp nhận ngôn ngữ mới thì cha mẹ không nên do dự làm mất cơ hội học tập tiếng Anh của con. Nhưng, cha mẹ phải đồng hành với con để động viên, khích lệ kịp thời nếu trẻ chúng có dấu hiệu nản chí khi gặp vấn đề phức tạp. Kiểu khí chất linh hoạt cũng biểu hiện ở những trẻ hiếu động, trẻ rất thích khám phá “cái mới”. Nên ban đầu trẻ sẽ hứng thú với môn tiếng Anh. Nhưng nếu không thường xuyên thay đổi hình thức và phương pháp học, trẻ sẽ có biểu hiện chóng chán. Mà khi đã chán nản thì trẻ khó mà lấy được tinh thần để học tốt môn học quan trọng này. Vì thế, cha mẹ phải luôn sát cánh bên con, để dõi theo những bước tiến dù lớn, dù nhỏ trẻ.
Nếu trẻ phản ứng chậm chạp, khó thích ứng, không thích thú với việc học tiếng Anh, hạn chế trong giao tiếp, nhút nhát, gặp trở ngại trong tập trung, không thích làm theo yêu cầu của người khác, thì cha mẹ hãy kiên nhẫn, bình tĩnh chờ thời điểm phù hợp. Hãy lồng ghép khéo léo bằng cách trao đổi và tìm hiểu cùng trẻ khơi gợi vốn từ vựng mà trẻ đã biết, dần dần đưa trẻ vào môi trường tiếng Anh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng. Cùng con tham gia các chương trình vui chơi, hòa nhập với người bản ngữ (những người đi du lịch). Từ đó, dạy con cách tập trung, hứng thú học tiếng Anh và kỹ năng tự tin giao tiếp với mọi người.
Các chuyên gia ngôn ngữ cho rằng, phương pháp học một ngôn ngữ hiệu quả nhất là hòa nhập hoàn toàn vào môi trường ngôn ngữ đó. Do đó, cha mẹ hãy sử dụng tiếng Anh giao tiếp ngay chính trong gia đình mình. Trong môi trường đó, có khi bạn cũng sẽ quên một từ nào đó, hãy cùng trẻ truy cập từ đó và đưa ra cách diễn đạt tốt nhất. Cha mẹ có thể sử dụng các từ chỉ đồ chơi như toys, bear, boy, ball... hay những từ chỉ hoạt động như stand - up, sit down, open the door, close the door, turn on the television… Trẻ sẽ tự tiếp nhận những từ vựng mà không cần phải dịch. Chúng sẽ hiểu tiếng Anh giống như tiếng mẹ đẻ của mình. Sau một thời gian học, cha mẹ hãy khuyến khích con tham gia các kỳ thi do các tổ chức ngoại ngữ tổ chức và cùng trẻ đánh giá lại chất lượng, phương pháp học của mình.
Tóm lại, trong mọi hoàn cảnh cha mẹ phải luôn nuôi dưỡng hứng thú, động cơ khám phá thế giới ngôn ngữ mới. Khuyến khích trẻ chủ động thực hành những gì học được trong cuộc sống. Điều đó sẽ khắc phục được tính e ngại của trẻ. Các em sẽ hòa nhập cuộc sống tốt hơn, nếu bản thân sở hữu một vốn ngoại ngữ nào đó một cách vững chắc. Điều đó không phải tự nhiên mà có, mà phải là sự khổ công học tập, rèn luyện cộng với sự quan tâm, động viên kịp thời từ phía cha mẹ.
Tiếng anh thiếu nhi, Tiếng anh du học, Tiếng anh thiếu niên
Đăng ký nhận thông tin Tiếng anh, ngoại ngữ khác qua email tại ô bên dưới
Kênh Tuyển Sinh
(Theo: Giaoduc)