Có hai loại bằng thạc sĩ phổ biến ở Mỹ: Thạc sĩ về khoa học nhân văn và thạc sĩ về khoa học tự nhiên. Du học sinh có thể giành được các bằng thạc sĩ này từ các khóa học được giảng dạy trên lớp (được gọi là “taugh MA” hay “course-based”) hoặc từ nghiên cứu một đề tài trong một lĩnh vực nào đó dưới sự hướng dẫn của một giáo sư (“research-based” hay “MA by research”), hoặc kết hợp cả hai hình thức học tập và nghiên cứu này.

Ngành học đa dạng

Du học sinh có thể lựa chọn một trong hàng trăm chuyên ngành học phong phú nhất được đào tạo ở Mỹ. Trong số các khóa học thạc sĩ, MBA (thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh) là chương trình phổ biến và đại chúng nhất ở Mỹ. 90% các trường đại học ở Mỹ có khóa học MBA. Khóa học này chỉ yêu cầu kinh nghiệm công tác 2-3 năm trở lên. Bạn có thể theo học dù chuyên ngành bạn học ở bậc đại học thuộc bất cứ ngành gì.

Du học thạc sĩ tại Mỹ: chi phí du học và điều kiện đầu vào

Còn lại là nhiều sự lựa chọn khác dành cho bạn ở các ngành: Nông nghiệp và thú y; khoa học ứng dụng và khoa học cơ bản; kiến trúc và xây dựng; kinh doanh và quản lý; khoa học máy tính và công nghệ thông tin; nghệ thuật sáng tạo và thiết kế; giáo dục và đào tạo; kỹ thuật; chăm sóc cá nhân và thể dục; nhân văn; luật; khoa học xã hội và truyền thông; du lịch và dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

Yêu cầu đầu vào uyển chuyển

Thông thường thì yêu cầu đầu vào là một bằng cử nhân, dù vậy ứng viên có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực có liên quan cũng có thể được chấp nhận. Trong một số trường hợp, bằng cử nhân phải có cùng môn với bằng thạc sĩ hoặc trong một ngành có liên hệ gần gũi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác thì ngành học của bằng cử nhân không nhất thiết là phải cùng ngành với bằng thạc sĩ.


Sinh viên theo học các khóa thạc sĩ tại Mỹ có rất nhiều cơ hội xin học bổng tiến sĩ hoặc đi làm việc tại Mỹ theo chương trình OTP (Optional Practical Training).

Hầu hết trường đại học ở Mỹ đều chấp nhận bằng cao học ở Việt Nam. Để xin học cao học ở Mỹ, bạn cần thi TOEFL và GRE/ GMAT, viết bài luận về mục đích chí hướng chuyên ngành học, ba thư giới thiệu từ giảng viên hoặc người quản lý của bạn. Có một số khóa học sẽ yêu cầu sinh viên cung cấp thông tin của người giới thiệu để nhà trường tự liên lạc. Bạn sẽ phải sẵn sàng các thông tin này. Một số ngành nghệ thuật có thể yêu cầu bạn gửi thêm các tác phẩm đã làm.

Nhìn chung để được nhập học khóa thạc sĩ tại Mỹ, bạn thường phải thỏa mãn các điều kiện sau đây: Tốt nghiệp đại học và có điểm trung bình từ 7.0 trở lên. Trong trường hợp điểm trung bình của bạn dưới 7.0, bạn có thể được yêu cầu học khóa dự bị thạc sĩ 3-9 tháng; trình độ tiếng Anh: Bạn cần có điểm IELTS 6.5 hoặc TOEFL 550. Trong trường hợp bạn chưa đủ điểm tiếng Anh, bạn có thể đăng ký học khóa tiếng Anh một năm ở Mỹ rồi vào học thạc sĩ.

Học phí và sinh hoạt phí

Nếu bạn nghĩ du học thạc sĩ ở Mỹ là đắt đỏ nhất thì bạn đã lầm. Chi phí du học tại Mỹ, Anh hay Úc về cơ bản là như nhau. Tuy nhiên, học phí cũng tùy vào khóa học bạn đăng ký và địa điểm của trường đại học bạn chọn. Chi phí du học ở Mỹ năm 2014 như sau:

- Học phí: 15.000-18.000 USD (tương đương 320-385 triệu đồng)/năm.

- Sinh hoạt phí (ăn ở, đi lại, sách vở…): 10.000-15.000 USD (khoảng 214-320 triệu đồng/năm, tùy vùng).

- Học phí khóa tiếng Anh: 3.000-5.000 USD (khoảng 64-hơn 100 triệu đồng)/khóa.

Như vậy, tổng chi phí du học thạc sĩ ở Mỹ, không kể phần học phí học tiếng Anh thì sẽ vào khoảng 50.000 USD (gần 1,1 tỉ đồng) cho hai năm học. Khi du học Mỹ, bạn sẽ nộp học phí theo học kỳ chứ không phải nộp học phí cả năm.

Các trường dự bị thạc sĩ uy tín

Tại Mỹ hiện có nhiều trường tổ chức các khóa dự bị thạc sĩ và khóa học tiếng Anh để bạn đăng ký học trước khi học thạc sĩ. Những trường đáng tham khảo là ĐH Umass Boston; ĐH Umass Lowell; ĐH Umass Darthmouth; ĐH Western Kentucky University (có học bổng); ĐH Texas A&M Corpus Christi (có học bổng); ĐH Truman State (có học bổng); ĐH Eastern Illinois University (có học bổng).

Theo Báo Pháp luật Tp.HCM, tin gốc: http://plo.vn/giao-duc/du-hoc/hoc-thac-si-o-my-512556.html