Công sức học tập có thể đi tong

Anh N. Quang (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), có con học ở một trường tiểu học quận Ba Đình kể: Khi con học lớp 1, lớp 2, anh cũng không bận tâm lắm về việc lấy lòng cô giáo dạy con vì anh rất chịu khó kèm con học. Phong độ học tập của con anh tuy lúc trồi lúc sụt nhưng điểm trung bình cả năm đều đạt loại giỏi.

Tuy nhiên, từ năm học trước, nhà trường phổ biến quy định đánh giá mới của Bộ GD&ĐT, anh và nhiều phụ huynh hoang mang. Nếu như trước đây, học lực các môn căn cứ vào điểm trung bình của học kì I và học kì II thì từ năm học 2009 – 2010, việc đánh giá này chỉ căn cứ vào điểm kiểm tra định kỳ cuối năm.

“Tôi nghe nói các trường khác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối năm rất chặt chẽ: Giáo viên coi thi chéo, chấm chéo. Nhưng năm học trước ở trường con tôi vẫn là cô giáo dạy cháu coi thi. Chấm thi vẫn là cô của con hay chấm chéo thì không thấy ai thông báo.

Học tài, thi phận? - Ảnh 1

Vì thế mà các phụ huynh rất lo. Trước kỳ thi, nhiều phụ huynh “chăm sóc” cô rất tận tình. Ai cũng mong con mình làm bài thi ít ra được 9 điểm. Nếu 8 là thôi rồi, con sẽ bị xếp học lực khá cả năm, và cơ hội xin vào một trường trái tuyến đi tong!”, anh Quang nói.

Câu chuyện của anh Quang cũng là tâm sự chung của nhiều phụ huynh ở Hà Nội. Chị H. (tập thể 16 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), có con học lớp 4 của một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, cho biết: Năm 2010 chị đã “hy sinh” kỳ nghỉ phép để ở nhà chăm con và kèm con học trước khi nhà trường tổ chức kiểm tra định kỳ cuối năm.

“Thằng cu nhà mình thông minh nhưng thiếu tập trung, điểm rất thất thường, 9 – 10 cũng có mà 7 – 8 cũng nhiều nên trước khi thi phải gò. Hơn nữa, nhờ mẹ kiểm soát chặt nên thời gian đó cu cậu ăn ngủ đầy đủ, đúng giờ, sức khỏe tốt, đi thi mới không uể oải”, chị H. cho biết.

Giải tỏa hay tạo áp lực?

Theo giải thích của một cán bộ quản lý Vụ GD Tiểu học, Bộ GD&ĐT mong muốn cách đánh giá mới giúp giải tỏa áp lực học hành cho học sinh và phụ huynh học sinh. Theo vị cán bộ này, cách đánh giá, nhận xét của giáo viên cũng là nguyên nhân khiến học sinh nhiều khi cảm thấy căng thẳng trước áp lực học tập.

Bởi vậy, Bộ yêu cầu giáo viên khi đánh giá cần chú ý đến quá trình tiến bộ của HS, đánh giá cuối năm là quan trọng nhất. Giáo viên ghi nhận xét cụ thể những điểm học sinh đã thực hiện và chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh tự tin trong rèn luyện.

Học tài, thi phận? - Ảnh 2


Tuy nhiên, anh Khoa, một phụ huynh học sinh trường Tiểu học Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội cho rằng, việc chỉ lấy điểm kiểm tra cuối năm làm căn cứ đánh giá học lực môn cả năm đã dồn áp lực của cả năm vào một kỳ thi. Cách đánh giá trước đây giúp phụ huynh vơi dần nỗi lo sau mỗi bài kiểm tra được điểm tốt của con.

Còn hiện nay, dù điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ cả năm con đều 9, 10 phụ huynh vẫn lo bởi trẻ con thì thất thường, nhỡ cháu ốm đúng hôm thi thì sao? “Cô bảo nếu con học tốt thì cho con kiểm tra lại. Chẳng phụ huynh nào thích con mình cứ phải thi lại trong khi các bạn khác đã được chơi”, anh Khoa nói.

Một phụ huynh xin được giấu tên cho rằng, quy định mới là một bước “cải lùi” trong đánh giá học sinh phổ thông theo chuẩn quốc tế: “Tôi rất ngạc nhiên khi cô hiệu trưởng trường con tôi trao đổi về cách đánh giá mà các trường tiểu học đang phải thực hiện.

Tôi cũng là một nhà giáo, và tôi thường xuyên đọc các tài liệu của nước ngoài về phương pháp giảng dạy, đánh giá hiện đại. Gần đây tôi có tham khảo một cuốn tài liệu của trường ĐH Cambridge- Anh, trong đó so sánh cách đánh giá truyền thống và hiện đại ở bậc phổ thông.

Căn cứ vào kết quả cuối cùng theo nội dung chương trình (thường chỉ áp dụng cho bậc đại học) là cách đánh giá truyền thống; còn hiện đại, người ta đánh giá theo quá trình, mục tiêu dạy học”.

 
Quý Hiên -  tienphong.vn