Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đóng học phí, đây là trường ĐH tự chủ được phép thu học phí cao.
Với phần lớn phụ huynh, sinh viên, mức tăng như vậy là quá nhanh, nhưng lãnh đạo nhiều trường cho rằng vẫn chưa đủ nếu so với chi phí đào tạo chung nên khó cải thiện chất lượng.
Năm học 2016 - 2017, sinh viên (SV) các trường ĐH công lập đóng học phí (HP) từ 6,7 - 9,7 triệu đồng/năm tùy nhóm ngành nghề. Với lộ trình tăng 10% mỗi năm, HP sẽ lên 9,8 - 14,3 triệu đồng/năm vào năm học 2020 - 2021.
Với phần lớn những người lao động, đặc biệt người dân nông thôn, mức HP này là một gánh nặng.
Chưa đủ mua hóa chất thực tập !
Trong khi đó, lãnh đạo của các trường ĐH công đều cho rằng mức HP như hiện nay hạn chế việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Đại diện một trường ĐH cho rằng HP chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi trả cho giáo dục ĐH, đặc biệt chi phí trả lương cán bộ giảng viên chiếm tới 80% mức thu HP. Người này cho biết có trường tự chủ tài chính trả lương cho giảng viên có học hàm phó giáo sư từ 28 - 32 triệu đồng/tháng, giáo sư khoảng 30 - 35 triệu đồng/tháng, nhưng một trường công chỉ có thể trả 15 triệu đồng/tháng cho chức danh phó giáo sư.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng nhận định mức HP hiện chỉ tương đương với tiền học ở trung tâm ngoại ngữ (khoảng 800.000 đồng/tháng) là không cao. “Khi HP thấp, chúng ta buộc phải chấp nhận có những lớp học khoảng 80 SV, thậm chí ở một số trường và một số môn số lượng này còn cao hơn. Điều này tác động gián tiếp đến chất lượng đào tạo”, tiến sĩ Thông chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng thừa nhận, với nguồn thu hạn hẹp trước khi được tự chủ tài chính, trường không thể đầu tư trực tiếp cho hoạt động dạy học. Chẳng hạn sĩ số tối đa 50 SV/lớp, thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, xây dựng các khu tự học cho SV... “Những điều mà không phải trước đây không nghĩ ra nhưng chưa đủ điều kiện tài chính để thực hiện”, ông Nhựt nhấn mạnh.
Lãnh đạo một trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết có những thời điểm trường phải đưa ra quyết định lấy toàn bộ HP thu từ SV chỉ để mua hóa chất và vật liệu thí nghiệm, nhưng vẫn không đủ đáp ứng yêu cầu thực hành dạy học.
Học phí thấp, người nghèo vẫn không đến trường được
Tháng 5.2015, nhóm Đối thoại giáo dục của GS Ngô Bảo Châu gửi lãnh đạo Bộ GD-ĐT phương hướng cải cách giáo dục ĐH VN. Về cải cách tài chính, nhóm cho rằng một trong những vấn đề mà VN gặp phải là các trường ĐH thiếu kinh phí trầm trọng do mức đầu tư của nhà nước cho các trường ĐH công hiện rất thấp. Theo nhóm này, đầu tư của nhà nước chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/SV/năm cho chương trình đại trà. HP ở các trường công cũng rất thấp. Trừ các trường được tự chủ tài chính, các trường công lập đều thu ở mức 5,5 - 8 triệu đồng/năm trong năm học 2014 - 2015. Nếu chiếu theo mức HP của ĐH Bắc Kinh, trường ĐH hàng đầu Trung Quốc, là 26.000 - 30.000 NDT/năm (tương đương 60 - 70% GDP đầu người của Trung Quốc) thì HP của ĐH ở VN cũng cần tăng lên khoảng 25 - 30 triệu đồng/năm theo thời giá hiện tại.
Trong khi đó, các nguồn thu khác (ngoài ngân sách và HP) chỉ chiếm khoảng 3% tổng nguồn thu của các trường ĐH công hiện nay.
Từ phân tích này, nhóm Đối thoại giáo dục cho rằng, hệ quả tất yếu là chất lượng đào tạo suy giảm, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, các trường phải tăng SV và mở rộng các hệ không chính quy, giảng viên quá tải không còn thời gian cho nghiên cứu khoa học.
Theo nhóm Đối thoại giáo dục, cách làm của VN hiện nay là giữ HP thấp để người nghèo có thể tiếp cận là sai lầm và nó có thể dẫn đến bất bình đẳng hơn vì HP thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho SV nghèo, dẫn đến đa số nguồn lực của trường phải dựa vào ngân sách nhà nước. Vì thế, chỉ SV từ gia đình khá giả mới học ĐH được và chi phí đào tạo các SV này lại được nhà nước bao cấp là chủ yếu.
Chính sách hỗ trợ cần hợp lý hơn
Những tranh luận giữa 2 quan điểm HP thấp hay cao dường như không có hồi kết. Tuy nhiên, với những thay đổi trong cuộc sống và giáo dục, tăng HP là một xu hướng của giáo dục ĐH trên thế giới để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Theo các chuyên gia, giải pháp cho vấn đề này là chương trình học bổng và tín dụng cho SV phải hợp lý hơn so với hiện tại.
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhà nước cần phải có chính sách cho vay linh hoạt. Mức vay hiện tại với khoảng trên 12 triệu đồng/năm và chỉ giới hạn một số đối tượng SV là quá thấp. “Nhà nước có thể đặt ra nhiều mức vay khác nhau tùy theo đối tượng SV: 100%, 50% HP, có mức vay gồm HP và sinh hoạt phí. Các trường ĐH thu HP cao cần tập trung chính sách học bổng cho SV giỏi và thu hút sự tài trợ từ bên ngoài dành cho SV có hoàn cảnh khó khăn”, ông Hồng đề xuất.
Tiến sĩ Lê Chí Thông cũng đề nghị chính sách cho vay SV ưu đãi cần áp dụng cho tất cả các đối tượng. Nhà nước cần tạo ra chính sách cho vay tốt, có thể quản lý được người vay và người trả nợ thông qua số thẻ căn cước hoặc mã số thuế (được cấp khi đi làm). Ông Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng đề xuất chính sách vay vốn nên có nhiều mức khác nhau, dao động trong khoảng 1,25 - 3 triệu đồng/tháng. Đặc biệt nên mở rộng đối tượng SV được vay vốn với định mức và lãi suất vay khác nhau.
Ngoài ra, các ý kiến đều cho rằng khi tăng HP, các trường phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội về tài chính và chất lượng đào tạo.
Cần đầu tư 3 bênTheo PGS-TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, để đào tạo một SV cần đầu tư 17,5 - 20,5 triệu đồng/năm (giai đoạn 2015 -2018, không tính khối ngành y dược). Trong đó, mức HP mà SV đóng thường thấp hơn phần ngân sách nhà nước đầu tư. Ở nhiều nước, nguồn thu của một trường ĐH gồm 3 phần bằng nhau: HP, ngân sách nhà nước và tài trợ từ doanh nghiệp. Nhưng với các trường ĐH của VN, nguồn thu từ các doanh nghiệp gần như bằng không, nếu có cũng chỉ ở mức dưới 2%. Theo ông Đức, để SV ra trường có chất lượng, suất đầu tư cho SV phải hợp lý và từ 3 bên: nhà nước, SV và người sử dụng lao động. Trong đó, người sử dụng lao động chính là các doanh nghiệp, cần phải có trách nhiệm đầu tư”. PGS-TS Dương Anh Đức phân tích: “Theo đúng quy luật giá trị, người học đóng 1 đồng để nhận được 10 đồng, nếu bỏ ra 10 đồng sẽ nhận lại 100 đồng. Hiện nay việc đầu tư của nhà nước đã đến ngưỡng, trong khi doanh nghiệp không chịu đầu tư thì chỉ còn cách người học phải chấp nhận bỏ tiền đầu tư ra để trả”. |
Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/hoc-phi-tang-bao-nhieu-la-du-703746.html