Chỉ cần có chứng chỉ nghề đạt loại trung bình, khá, giỏi, học sinh (HS) được cộng từ 0,5 đến 1,5 điểm trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong khi ở các môn văn, toán, ngoại ngữ, để có được số điểm như trên, HS phải chật vật mới có được. Quy chế ưu tiên cộng điểm khi HS có chứng chỉ nghề trong kỳ thi vào lớp 10 khi xét tốt nghiệp THPT quốc gia khiến nhiều nhà giáo và HS băn khoăn có thật sự công bằng và hiệu quả.

Thiếu công bằng

Hiệu trưởng một trường THCS - THPT ngoài công lập tại TP HCM cho biết trường của bà không tổ chức dạy nghề cho HS lớp 9 và thông báo từ đầu năm cho tất cả phụ huynh bởi nhận thấy việc dạy và học nghề thật sự không hiệu quả mà lại tốn thời gian, tiền bạc. Thế nhưng, khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang đến gần, một vài phụ huynh của trường đã phản ứng dữ dội về chuyện trường làm mất quyền lợi của HS khi thi vào lớp 10 vì không dạy nghề, không có chứng chỉ nghề thì không được cộng điểm. “Dù giải thích với phụ huynh về chuyện nhà trường đã thông báo từ đầu năm, cam kết về chất lượng đào tạo HS nhưng rõ ràng việc cộng điểm nghề khi thi tuyển vào lớp 10 là không công bằng với những HS khác. Việc tổ chức dạy và học tùy điều kiện, mục tiêu mỗi trường nhưng nên bỏ quy định cộng điểm” - vị hiệu trưởng này cho biết.

Học nghề phổ thông chỉ để cộng điểm?Giờ học nghề của học sinh lớp 8 một trường THCS tại TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Phó hiệu trưởng một trường THCS tại quận 3 cho hay trước đây, khi còn duy trì 2 kỳ thi tốt nghiệp THCS và thi vào lớp 10, kể cả thi tốt nghiệp THPT và thi vào ĐH, CĐ tách biệt thì học nghề để được cộng điểm là một lợi thế. Tuy nhiên, khi việc xét tốt nghiệp THCS hiện nay tương đối dễ thì lợi ích của việc cộng điểm này đã bị lu mờ. Nhất là hình thức cộng điểm khi thi vào lớp 10, bình thường khi thi lấy 1 điểm đã khó nhưng chỉ cần có chứng chỉ nghề, HS dễ dàng được cộng từ 0,5 đến 1,5 điểm. Điều này làm tăng khoảng cách giữa HS có học lực giỏi và các loại học lực khác. Cơ hội trúng tuyển vào các trường THPT công lập cũng không thỏa đáng. Chẳng hạn, một HS có điểm vừa phải, may mắn nhờ điểm nghề vào được trường tốp trên và ngược lại, một số trường không dạy nghề, HS dù thi tốt cũng sẽ thiệt thòi vì thiếu điểm cộng. “Lấy ví dụ, TP có 1.000 HS lớp 9 thi vào lớp 10 nhưng các trường công lập chỉ lấy 700 em, 300 bị loại dù đề dễ hay khó. Nhưng trong số 700 trúng tuyển, bao nhiêu em đậu bằng thực lực, bao nhiêu em nhờ đến “cây đũa thần” là điểm cộng nhờ thi nghề và chắc gì xứng đáng hơn số 300 em bị loại” - vị này cho biết.

Học nghề nhưng không ứng dụng

Thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (TP HCM), cho hay khi Chính phủ ban hành chương trình học nghề và việc cộng điểm ở một số kỳ thi là ý tưởng và mong muốn tốt đẹp nhằm khuyến khích HS học nghề. Tuy nhiên, trong quá trình dạy và học, một bộ phận không nhỏ, kể cả người dạy và người học, thờ ơ với môn này khiến mục đích tốt đẹp ban đầu không thành công dù học nghề là một hình thức phân luồng hiệu quả. Ngoài ra, học nghề còn tạo nền tảng ban đầu cho HS học tiếp các bậc học cao hơn hoặc để ứng dụng trong đời sống, chẳng hạn như học về điện…

Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục nhận định ở nhiều địa phương trong nước, họ đã bỏ hẳn việc dạy nghề ở phổ thông vì tốn kém nhưng hiệu quả lại không như mong muốn nhưng không hiểu sao

TP HCM vẫn duy trì. Ở nước ngoài, việc dạy và học nghề xuất phát từ năng khiếu, sở thích của HS. Chính vì điều này, học nghề có tác dụng phân luồng HS sau phổ thông rất hiệu quả. Trong khi ở ta thì ngược lại, tất cả HS, không cần biết năng lực, sở trường như thế nào, đều phải học về điện, nấu ăn… dù đa số em học xong cũng không thể thực hành, ứng dụng trong cuộc sống.

Các trường vẫn phải duy trì vì sợ làm mất quyền lợi của HS nhưng cũng chỉ dạy theo kiểu thờ ơ, đối phó. Chẳng hạn, thay vì phân bổ đều ở các tuần thì có trường dồn đến khi gần thi để cho HS học liên tục. Đó là chưa kể học nghề thì phải gắn với thực hành nhưng cơ sở vật chất của nhiều trường không thể đáp ứng, HS học chay. HS thành phố nhưng học về nông nghiệp, đất đai, phân tích mẫu đất… thì các em cũng chỉ học qua loa.

Ở một góc độ khác, thầy Nguyễn Thanh Triều, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM), đề xuất việc dạy nghề nên thay đổi theo hướng thành lập các câu lạc bộ để phát triển, bồi dưỡng năng khiếu cho HS, cho các em được chọn lựa từng môn theo năng lực, sở trường của mình, qua đó rèn luyện được nhiều kỹ năng cho HS như thành lập các câu lạc bộ nhạc, họa, tiếng Anh…

Mỗi học sinh đóng 22.000 đồng thi nghề

Tại TP HCM, việc tổ chức thi nghề cấp THCS và THPT được tổ chức vào giữa và cuối tháng 5 hằng năm. Đối với cấp THCS, Phòng Giáo dục và Đào tạo báo cáo với UBND quận, huyện kế hoạch tổ chức thi nghề phổ thông, kinh phí chi từ ngân sách nhà nước và khoản được thu của thí sinh dự thi nghề phổ thông để tổ chức thi. Ở cấp THPT: Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM báo cáo với UBND TP kế hoạch tổ chức thi nghề phổ thông, kinh phí chi từ ngân sách nhà nước và khoản được thu của thí sinh dự thi nghề phổ thông để tổ chức thi. Lệ phí thi nghề là 22.000 đồng/HS. Kinh phí làm giấy chứng nhận nghề là 5.000 đồng/HS.

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-nghe-pho-thong-chi-de-cong-diem-20160404222108618.htm