Các trường đào tạo ngành Thủy văn học gồm: Đại học (ĐH) Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc Gia Hà Nội), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Thủy Lợi...

Mỗi năm, các trường tuyển từ 30 - 50 thí sinh nhưng thường “ế khách”. Năm 2010, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng ít được thí sinh quan tâm, hơn một nửa phải trông chờ vào nguồn NV2.

Theo các chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhóm ngành Khí tượng - Thủy văn - Hải dương học của trường thường khó tuyển nhất.

Học ngành Thủy văn dễ tìm việc làm - Ảnh 1

Hình minh họa

Mục tiêu, kiến thức, kỹ năng

Chương trình được xây dựng trên hệ thống các môn học theo tín chỉ, tạo khả năng cho quá trình dạy và học mang tính chủ động cao, có thể tiệm cận và hội nhập với khu vực và quốc tế; cung cấp cho sinh viên những kiến thức về Toán, Vật lý, Tin học và phương pháp tính toán trong chuyên môn, phục vụ trực tiếp các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải, môi trường... và quản lý tài nguyên nước.

Chương trình được xây dựng theo mục tiêu đào tạo diện rộng, có định hướng chuyên ngành, chú trọng cung cấp kiến thức tin học cần thiết để sinh viên có khả năng tư duy và kỹ năng thực hành khoa học, chính xác và tiếp cận với các công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Ngoại ngữ: khi tốt nghiệp, sinh viên có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn IELTS ≥ 4.0 điểm hoặc tương đương.

Vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có đủ năng lực của một cử nhân ngành thủy văn, có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các trung tâm và sở khoa học và công nghệ các tỉnh trong cả nước; hoặc làm việc tại các trạm thuỷ văn, trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh thành phố, các đài khí tượng thủy văn khu vực. Ngoài ra, có thể làm ở ban phòng chống lụt bão các tỉnh thành, cơ quan khác như sở nông nghiệp phát triển nông thôn, công ty tư vấn thiết kế điện 1, 2, 3 hoặc các nhà máy thủy điện…

Sinh viên có thể tìm việc làm tại các viện nghiên cứu của Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia; các viện, trung tâm nghiên cứu và các đài, trạm của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng cục Dầu khí …

Cả nước có 200 trăm trạm khí tượng thủy văn ở các tỉnh thành đã và sắp hoàn thành. Đồng thời, các sân bay cũng mở thêm những đài quan trắc (trạm đo đạc theo dõi không khí, nhiệt độ, hướng gió…). Vì thế, cơ hội việc làm ngành này rộng mở.

Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, nguồn nhân lực cho các chuyên ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 - 2015 lên đến 45.000 người. Trong đó, các lĩnh lực hiện nay còn thiếu hụt nhiều nhân lực hoặc có ít chuyên ngành đào tạo bậc ĐH, CĐ như: khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu...

 
Đỗ Hợp – Tienphong Online