Làm thế nào để thuyết trình hay như Tổng thống Obama?
"Đừng ai nói với tôi rằng lời nói không có tác dụng gì" - Tổng thống Mỹ Barack Obama, bấy giờ là Thượng nghị sĩ, đã từng nói như vậy trong chiến dịch tranh cử tại bang Wisconsin năm 2008.
Với bất kì chính trị gia nào, thuyết trình và hùng biện trước đám đông là kỹ năng mềm không thể thiếu. Đại đa số người làm chính trị đều sở hữu khả năng giữ bình tĩnh trước đám đông, nói năng trôi chảy, lưu loát, và có thể ứng biến trong các tình huống bất ngờ.
Tất nhiên, khi ai nói cũng hay, thì công chúng sẽ xét xem ai làm hay hơn. Nhưng trong trường hợp Tổng thống Obama, cái sự "nói hay" của ông có tầm hưởng lớn hơn bình thường, và sẽ không ngoa khi nói rằng, kỹ năng thuyết trình xuất chúng là một trong những lý do chính đưa Obama đến được với chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng mà ông đã giữ vững trong suốt 8 năm qua.
6 bí quyết thuyết trình trước đám đông hiệu quả như Obama
1. Thừa nhận điểm yếu của bản thân
Fast Company đã viết, chúng ta không thể nào phát triển được kỹ năng thuyết trình của bản thân nếu chúng ta không nghĩ rằng chúng ta có điểm yếu cần sửa chữa. Nhận thức được sự thiếu hụt là bước đầu tiên giúp chúng ta hướng tới một người thuyết trình giỏi.
Theo Fast Company, trong những cuộc tranh luận, ông Obama thường thú nhận với đội ngũ của mình rằng ông có nhiều vấn đề: “Tôi vẫn chưa thực sự làm tốt, tôi biết rõ điều đó”.
Nhận thức được những thiếu sót giúp cho ông Obama cùng với đội ngũ của mình có một nền tảng vững chắc cho việc phát triển một bài thuyết trình hấp dẫn hơn.
2. Nói điều mà khán giả muốn nghe
Theo CBS News, khi ông Barack Obama phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ lần đầu tiên, ông đã kể lại một câu chuyện “chung” của tất cả mọi người trước khi đề cập đến câu chuyện "riêng" của mình. Ông nói về những đêm không ngủ, nói về việc học đại học có thể gặp khó khăn như thế nào vì vấn đề tài chính.
Thật tuyệt vời khi bắt đầu buổi thuyết trình bằng những vấn đề như vậy. Nghệ thuật thuyết trình chạm đến trái tim người nghe khi đưa ra các tình huống mà người nghe cũng đang phải đối mặt. Sau khi đã có được sự gật đầu đồng ý từ công chúng, bạn có thể tiến đến mô tả những khó khăn, thách thức.
Hãy bắt đầu từ điều mà khán giả muốn nghe, không cần biết là bạn đang ở đâu, một khi bạn đã gây được sự chú ý từ họ, bạn có thể dẫn dắt người nghe đến bất cứ nơi nào bạn muốn.
3. Làm mọi thứ thật đơn giản
Còn nhớ, trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống lần đầu tiên của mình vào năm 2008, ông Obama đã đưa ra một thông điệp rằng “CHANGE, you can believe in” (tạm dịch: THAY ĐỔI, bạn có thể tin vào điều đó).
Tờ CBS News cho biết, một số chuyên gia đã chế nhạo sự đơn giản, tẻ nhạt của thông điệp kiểu này, nhưng nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách đáng xuất sắc. Thông điệp của ông Obama trở nên rất dễ nhớ và gần gũi hơn đối với bất cứ người dân nào của nước Mỹ.
Điều này cũng luôn đúng đối với những bài thuyết trình trước đám đông về kinh doanh hoặc các chiến dịch về chính trị. Tất cả những bài thuyết trình của ông Obama đều xoay quanh một thông điệp cốt lõi có thể đi được vào lòng người.
Học kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp như Tổng thống Obama
Ông Obama đã sử dụng một thông điệp khiến cho nhiều người tin rằng ông là nhà chính trị của sự thay đổi- một cái gì đó mà người dân Mỹ luôn mong mỏi- và ông kêu gọi mỗi người dân phải có niềm tin về những thay đổi mà ông sẽ làm.
Sau khi chiếm được tình cảm của mọi người thông qua thông điệp cốt lõi, ông có thể dễ dàng nêu lên các ý tưởng của bản thân về những chủ đề như chăm sóc sức khỏe, khủng bố, và sự suy giảm nền kinh tế trong lòng nước Mỹ.
4. Học cách nhấn nhá
Tổng thống Mỹ Obama là bậc thầy về nghệ thuật nhấn nhá. Việc nhấn nhá để cho người nghe có thể bắt kịp với cách ông nói, việc nhấn nhá cũng để cho tiếng nói của ông gây được tiếng vang.
Khi ông Obama tạm từng ở giữa bài thuyết trình, theo một nghĩa nào đấy, để cho người nghe có thể nghỉ ngơi. Việc nhấn nhá, tạm dừng cũng tạo ấn tượng về sự điềm tĩnh và chu đáo.
Tờ CBS News đã lấy một ví dụ về một đoạn văn mở đầu mà Tổng thống Obama đã từng thể hiện: “Nếu bất cứ ai ở đây/ những người mà vẫn còn nghi ngờ/ về việc Mỹ là một nơi mà mọi thứ đều có thể/ những người mà vẫn luôn tự hỏi/ giấc mơ của chúng ta liệu có tồn tại trong thời đại ngày nay/ những người mà vẫn thắc mắc/ về sức mạnh của nền dân chủ/ thì đêm nay/ chính là câu trả lời cho các bạn”.
Chúng ta có thể thấy, trong đoạn văn trên, ông Obama đã ngắt nghỉ nhiều lần. Bạn muốn ngắt nghỉ như thế nào, điều đó tùy thuộc vào bạn. Không có quy tắc thuyết trình chung cho việc này nhưng bạn có thể thử ngắt câu vào mỗi lần đếm đến 3 hoặc bằng khoảng thời gian của một lần hít thở thật sâu.
5. Giữ bình tĩnh
Trang Fast Company cho biết, tất cả những nhà thuyết trình chuyên nghiệp đều hiểu rõ giá trị của việc nghỉ ngơi, thư giãn, nạp lại năng lượng trước khi bước lên bục diễn thuyết.
Nhưng ông Obama cùng đội ngũ của mình đã bỏ qua điều này khi chuẩn bị cho cuộc tranh luận đầu tiên trong lần tranh cử Tổng thống năm 2008. Ông đã kết thúc công việc ở Denver vào lúc rất muộn, ăn tối vội vàng, và chỉ cho cơ thể mình một khoảng thời gian ngắn ngủi để phục hồi. Thậm chí, trước khi đi ngủ, ông đã trở nên mất bình tĩnh, đến mức không thể nói chuyện được qua điện thoại với con gái của mình.
Nhà báo Halperin và nhà báo Heilemann (đồng tác giả cuốn sách “Game change” vết về những chuyện “thâm cung bí sử” của chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008) đã cho biết, vào lúc ấy, “ông Obama có vẻ như quá tải, làm việc quá sức và không được nghỉ ngơi”.
Bởi vậy, trước khi cuộc tranh luận thứ 2, vợ ông Obama, bà Michelle đã nhắc nhở các cộng sự của ông cần lập một thời gian biểu cho các việc ăn uống, làm việc, luyện tập thể thao, ngủ và nghỉ ngơi khoa học, phù hợp.
Sau đó, đội ngũ của ông Obama đã nghiên cứu lại lịch trình, đảm bảo cho ông có thời gian thong thả, thoải mái, tràn đầy năng lượng trước mỗi cuộc tranh luận.
6. Luyện tập không ngừng
Các nhà thuyết trình chuyên nghiệp đều phải luyện tập trước mỗi lần họ nói với công chúng.
Trên thực tế, việc luyện tập diễn thuyết không phải là ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử năm xưa của ông Obama. Bởi vì ông luôn bị mắc kẹt với những lịch trình kín đặc của mình nên đã phải tranh thủ luyện tập bất cứ khi nào có thể.
Nhà báo Halperin và nhà báo Heilemann viết: “Ông Obama đã mang đến một nguồn năng lượng mới và tập trung vào buổi luyện tập của mình. Khi ông ấy trả lời một câu không hoàn hảo, ông sẽ dừng lại một chút và nói “Hãy làm lại việc này một lần nữa”./.
Phong cách thuyết trình của Obama trong chuyến thăm Việt Nam
Tổng thống Mỹ Obama đã có bài phát biểu trước 2.000 trí thức và doanh nhân Việt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Sau 30 phút nghe ông nói chuyện, tất cả mọi người trong khán phòng đều đồng loạt đứng lên, vỗ tay không ngớt, thể hiện niềm thích thú, ngưỡng mộ đối với vốn kiến thức cũng như kỹ năng thuyết trình hiệu quả của ông chủ Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ đã vận dụng triệt để thi ca Việt Nam trong các phát biểu về quan hệ song phương, từ câu tục ngữ, vần thơ được sáng tác hàng trăm năm trước, đến bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay Văn Cao.
Ông dẫn câu thơ đầy hào hùng từ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt để nói về chủ quyền Việt Nam trong lịch sử, dẫn Truyện Kiều của Nguyễn Du nhân lúc bàn về quan hệ hai nước. Mỗi lần Tổng thống Mỹ Obama dẫn thơ ca, khán giả Việt Nam và nước ngoài vỗ tay không dứt.
Trần Khánh, sinh viên K10, Quản trị kinh doanh, Đại học FPT, cho biết điều cậu cảm phục nhất ở ông Obama là sự hiểu biết về lịch sử Việt Nam khi nhắc nhiều đến các nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, các danh nhân như Nguyễn Du, tướng Võ Nguyên Giáp trong khi thế hệ trẻ như cậu không phải ai cũng làm được.
Bạn Mai Thu Hằng, sinh viên Khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, thì đặc biệt ấn tượng với kỹ năng giao tiếp thân thiện và giọng nói trầm ấm của Tổng thống Mỹ.
Rõ ràng, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama đã tạo được tiếng vang và ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí rất nhiều người dân Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông Obama lâu nay đã nổi tiếng là một nhà diễn thuyết xuất sắc.
Tổng hợp
Bài viết thuộc chủ đề: kỹ năng thuyết trình, nghệ thuật thuyết trình, bí quyết thuyết trình hay, thuyết trình như Obama, thuyết trình trước đám đông, phong cách thuyết trình của Obama.