Hiệp sĩ Sainte Hermine - Ảnh 1


Một ngày đầu tháng 6, những cơn mưa đầu mùa làm cho đất trời trở nên ẩm ướt, cảm giác thèm được ngồi bên khung cửa nhìn mưa rơi và đọc 1 cuốn sách hay. Chạy ào vào nhà sách cầm lên cuốn Kiếp sau của Macr Levy, nhân tiện mua lại bộ Những người khốn khổ cho đủ bộ sưu tập. Đang mặc cả với người bán hàng thì một người đàn ông trung niên chen vào “Cô cần phải xem chất lượng in và tùy vào thời điểm mới có giảm giá đấy cô ạ. Bộ Những người khốn khổ chắc sắp được xuất bản lại rồi đấy vì người ta vừa mới tìm thấy chương cuối của nó”. Ồ, thật ngạc nhiên vì có một người am hiểu sách đến thế “Chú là chủ nhà sách ạ” “Không, tôi chỉ thường đến đọc sách ở đây thôi. Cô nên mua cuốn Hiệp sĩ Sainte Hermine, cuốn đó đang giảm 50% đấy. Một cuốn sách nên đọc và đáng để đọc, nhất là đối với những ai đã từng yêu mến Alexandre Dumas. Đây là cuốn sách cuối cùng của ông mà người ta mới tìm thấy”. Nhân duyên đưa tôi đến với Hiệp sĩ Sainte Hermine là vậy. Cầm cuốn sách khổ lớn, dày hơn 700 trang, chữ nhỏ, không nhiều thoại (như những cuốn khác của Dumas khi ông dùng “tiểu xảo” để lấy được nhiều nhuận bút của các tòa soạn báo). Không có nhiều thời gian rảnh mà ôm cuốn này cũng thấy hơi ngại. Thế nhưng cảm giác đó sẽ qua rất nhanh và chúng ta sẽ thấy thật không quá khi nói rằng đây là cuốn sách “hay đến mức không thể tả nổi”. 

Sự thật khi tôi viết những dòng này, tôi chưa đọc xong cuốn sách, thế nhưng những cảm xúc và ấn tượng về cuốn sách mạnh mẽ đến nỗi đã thôi thúc tôi buộc tôi phải viết lên đây cho những ai yêu sách mà chưa biết đến cuốn sách này thì hãy cùng đồng hành với tôi khám phá hết hơn 700 trang sách để thấy hết những nhân vật vừa rất đời, rất thực trong lịch sử, vừa mang sự huyền hoặc của sự hư cấu thêm của thiên tài Dumas. Dựa trên nền tảng lịch sử nước Pháp phong phú mà Dumas đã dày công sưu tầm, ông đã dựng nên cả một nước Pháp đang vặn mình chuyển từ chế độ bảo hoàng sang cộng hòa với bao nhiêu mâu thuẫn trong lòng nó. Lấy bối cảnh lịch sử, chính trị nước Pháp nhưng cuốn sách không hề khô khan mà trái lại người đọc vẫn thấy cảm hứng lãng mạn kiểu Alexandre Dumas xuyên suốt tác phẩm, những chàng hiệp sĩ hào hoa, những nàng tiểu thư đài các, những vũ hội rực rỡ, những chuyện tình say đắm và đầy ngang trái. Đó là nàng tiểu thư Hortense kiều diễm đem lòng yêu chàng cận vệ của cha mình nhưng cuối cùng phải thuận theo ý mẹ lấy người khác. Đó là nàng Claire xinh đẹp tuyệt vời đêm lòng yêu chàng trai rất bí ẩn mang dòng họ Sainte Hermine. Cả hai người con gái trước những xao xuyến của con tim và những lựa chọn của lý trí không biết phải làm sao vì thế hai người đã tìm đến bà bói. 


Bà bói vô cùng kinh ngạc khi cô lật các tờ bài của mình lên và cuối cùng bà chỉ nói với cô 1 câu “Cô sẽ là quả phụ của người sống trong 14 năm, phần đời còn lại là vợ của kẻ đã chết”. Trong ngày cưới của mình với chàng hiệp sĩ Sainte, đến thời điểm đặt bút ký giấy kết hôn, chàng Sainte Hermine có người đến và buộc phải đi,… nàng Claire đau đớn khóc ngất lên “ôi, mẹ ơi, mẹ ơi… thế là lời tiên đoán của thầy bói đã đúng và quãng đời góa bụa của con đã bắt đầu rồi”. …

Khi viết tiếp những dòng này cũng là lúc cuốn sách tôi đọc đã đi về những trang cuối, không thể nói gì hơn ngoài câu “cuốn sách hay một cách không thể tả”. Hiệp sĩ Sainte Hermine đã thể hiện ngòi bút đầy ma lực của Alexandre Dumas trong việc xây dựng những chàng hiệp sĩ làm say đắm lòng người đọc yêu văn ông. 

Hãy đọc và cảm nhận để được đắm chìm vào trong những trang văn mê hồn của Dumas, để được sống với không khí của những vũ hội xa hoa của giới quý tộc, để được phiêu linh trong chuyện tình kinh điển và mạo hiểm cùng với những chuyến đi của chàng chàng hiệp sĩ Sainte Hermine.


Kenhtuyensinh (sưu tầm)