Tuần trước có việc gấp nên tôi gọi taxi để di chuyển (tôi đang học nghiên cứu sinh tại Anh). Trong lúc ngồi trên xe, tranh thủ tán dóc với tài xế, tôi mới biết cậu ta đã có bằng thạc sĩ kinh tế nhưng chưa tìm được việc phải kiếm sống bằng nghề này.
Hơi ngỡ ngàng vì tưởng như câu chuyện thạc sĩ thất nghiệp chỉ xảy ra ở Việt Nam. Tôi cũng nghe anh bạn người Anh của tôi kể rằng, ở các hệ thống siêu thị rộng khắp nước Anh như Tesco, Aldi có hàng nghìn người có bằng cấp đại học, thạc sĩ mà chỉ làm công việc xếp đồ lên kệ hay ngồi ở quầy tính tiền hàng cho khách. Anh nói, cũng chẳng dễ dàng để những người đó được tuyển dụng vì những người quản lý cũng lo lắng là họ sẽ không gắn bó với công ty, đòi hỏi cao và dễ bất mãn trong công việc.
Thế mới biết, bằng cấp cao, ngay cả ở xứ có trình độ phát triển kinh tế tốt như Anh quốc, xin việc cũng chẳng đơn giản. Thị trường lao động sàng lọc gắt gao, phải sở hữu cả bằng cấp lẫn khả năng làm việc tương ứng mới có chỗ đứng trong thị trường ấy.
Vậy mà gần 10 năm làm giảng viên đại học, dạy nhiều trường, nhiều ngành và nhiều hệ khác nhau, tôi nhận thấy dù thị trường việc làm ở Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt, rất nhiều bạn trẻ vẫn chưa nhận thức đúng được giá trị của bằng cấp. Nhiều bạn đã tin rằng, bằng cấp trong nhà trường là vũ khí lợi hại cho sự cạnh tranh trên thị trường lao động, càng nhiều bằng, bằng cấp càng cao hoặc xếp loại càng tốt thì càng được các nơi tuyển dụng chào đón.
Từng giới thiệu việc làm cho sinh viên của mình, tôi cũng gặp nhiều tình huống “dở khóc, dở mếu”. Có em mới tốt nghiệp đại học, tôi thấy khả năng tư duy, xử lý công việc rất ổn, thành tích học tập khá tốt nên cũng giới thiệu vào vài chỗ cũng vừa phải nhưng tôi tin là có hướng phát triển, em thì từ chối từ đầu. Tìm hiểu sâu xa thì tôi được biết em chê mấy chỗ đó không xứng với “hồ sơ sáng chói” của mình, kết quả là lang thang thất nghiệp mãi.
Em khác vào làm mấy bữa thì bạn bè, người quen (chỗ tôi giới thiệu) kêu trời vì thái độ không chịu học hỏi, luôn tỏ ra là mình biết (dù thực sự không biết), quan trọng hơn, thể hiện luôn ý định chỗ này là làm tạm thôi, có chỗ tốt hơn sẽ nhảy việc.
Có em thì mới vô đã bất mãn vì bị sai vặt, không được trân trọng tài năng không được tạo điều kiện để phát huy. Có em chê đồng lương mấy chỗ làm đó “rẻ bèo”, “chết đói”, nên thà thất nghiệp, về quê “ăn bám” bố mẹ chứ không nhận việc vì “mất giá trị tấm bằng”. Lý do thất nghiệp chung của các em này: không có kinh nghiệm làm việc, nhưng ảo tưởng về tấm bằng mình có được nên chẳng nỗ lực trong công việc.
Thực chất, theo tôi bằng cấp chỉ là một tờ giấy thông hành giúp bạn trẻ bước qua cánh cửa hẹp để gặp nhà tuyển dụng chứ nó không bảo đảm rằng chắc chắn họ sẽ đảm nhận tốt công việc được giao bởi vì chương trình đào tạo trong nhà trường chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng nền tảng để chuẩn bị cho bạn tham gia vào các công việc cụ thể trong thực tế. Để đáp ứng yêu cầu cụ thể của các công việc đa dạng trong thực tiễn đó, bạn trẻ cần được chính nơi sử dụng lao động đó đào tạo lại và bản thân cũng cần nỗ lực học việc không ngừng.
Nhiều nhà tuyển dụng tuyên bố rất rõ ràng: nhận một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học hay có bằng thạc sĩ mà không chút kinh nghiệm làm việc gì, họ luôn phải mất ít nhất 3 tháng để hướng dẫn, đào tạo lại sinh viên đó làm những công việc đơn giản nhất ở vị trí mà người đó đang giữ. Ba tháng đó vẫn phải trả lương trong khi họ tốn chi phí đào tạo, chi phí rủi ro (do nhân viên chưa quen việc có thể sai sót), nhiều người khác có thể ảnh hưởng công việc vì sự lúng túng của nhân viên mới….
Vì vậy, ở nước ngoài, việc sinh viên săn tìm các cơ hội thực tập sinh từ trước khi bước vào năm học cuối ở đại học là khá phổ biến. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cũng mở rộng cơ hội này cho sinh viên nhưng đương nhiên họ phải trải qua rất nhiều vòng xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn, kiểm tra trình độ.
Thông thường, làm thực tập sinh, sinh viên chỉ được nhận mức lương “gọi là”, hoặc đơn giản chỉ hỗ trợ tiền ăn trưa, đi lại, có khi hoàn toàn không có khoản tiền nào nhưng các bạn ấy vẫn phải làm đến vắt kiệt sức để có thể được đánh giá tốt vào hồ sơ hoặc có cơ hội nhận được lời đề nghị làm việc (job offer) sau khi tốt nghiệp. Cái bằng của trường đại học danh tiếng cũng có khi chẳng nghĩa lý gì nếu bạn trẻ không thể hiện được bản thân trong các vòng thi và quá trình thực tập.
Nói một cách đơn giản, hiện nay, đa số nhà tuyển dụng cần những người làm được việc, do đó, thay vì chỉ chăm chăm vào việc lấy được bằng cấp, các bạn trẻ nên chú trọng vào việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn và tận dụng mọi cơ hội được tích lũy kinh nghiệm thực tiễn ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường.
Theo VnExpress