"Mong lắm phụ huynh luôn giữ liên lạc thường xuyên với thầy cô, tạo điều kiện để thầy cô dạy tốt, nhưng xin đừng dùng vật chất để đạt mục đích (hạnh kiểm, điểm số) cho con em mình. Thầy cô có lòng tự trọng thì buồn phiền, thầy cô thực dụng thì thả trôi... Mối quan hệ phụ huynh - thầy cô như thế tựa như kẻ mua và người bán mà thôi!"

Vâng, để dạy tốt cần lắm ở thầy cô mình những phẩm chất tốt đẹp ấy. Nhưng điều kiện để thầy cô thực hiện được những điều ấy là gì? Môi trường làm việc, sự quản lý của ban giám hiệu, chế độ chính sách của ngành giáo dục đào tạo... là rất cần thiết với thầy cô.

Nhưng ở đây, tôi muốn chia sẻ một trong những yếu tố quan trọng, tác động không nhỏ đến chuyện làm nghề của giáo viên - đó chính là mối quan hệ giữa phụ huynh và học sinh với thầy cô.

Hãy tôn trọng và hợp tác với thầy côCô giáo đang dỗ dành, chăm sóc học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường - Ảnh: Như Hùng

Nghề nào cũng có bao buồn vui, trăn trở, cả sự lo lắng, bực dọc. Nhưng với nghề giáo, bây giờ sao những điều ấy xảy ra với tần suất ngày càng dày. Lẽ tất nhiên, thầy cô có chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm dạy học và giáo dục, có lẽ ít đối mặt với những chuyện bất an từ phụ huynh, học sinh.

Song đây là số ít, phần lớn giáo viên hiện nay ít nhiều có mặt này mặt khác luôn phải cố gắng và cần sự hỗ trợ. Vậy, phụ huynh và học sinh nên giúp thầy cô như thế nào?

Thương con, nhưng cần bình tĩnh

Với phụ huynh, xin được nhắc lại rằng các em có tôn trọng thầy cô hay không chính là do cách giáo dục tại gia đình của phụ huynh. Thật khó để các em tôn trọng giáo viên nếu ở nhà phụ huynh cứ gọi thầy cô là "ông này, bà nọ", thậm chí có lúc nặng nề còn gọi cả thầy cô là "thằng ấy, con kia"!

Có một lần, cháu tôi mới vào lớp 1 nói với tôi: “Cô dạy thêm là vì tham tiền”. Tôi hỏi sao con biết? Cháu bảo mẹ nói vậy, vì năm học chưa bắt đầu mà cô đã nhắc nhở chuyện đi học thêm. Khoan nói về những chuyện tiêu cực, nhưng gieo vào đầu các cháu những điều tồi tệ như thế, vậy thì làm sao mà bảo con trẻ tin yêu, tôn trọng thầy cô được?

Cha mẹ thương con, điều đó là đương nhiên, nhưng phụ huynh cần bình tĩnh trước mỗi phản ảnh của con cái về thầy cô ở trường.

Có phụ huynh chỉ mới nghe con kể xấu về thầy cô là lập tức nóng mặt, làm đơn thưa kiện, nặng lời với thầy cô. Có vị phụ huynh còn hùng hổ xông vào cả lớp học mắng mỏ, trách móc thầy cô trước tất cả học sinh. Vì sao ư? Con trẻ nhiều lúc cảm nhận sự việc chưa được đầy đủ, có lúc hời hợt và cũng có khi a dua theo bạn bè.

Đừng sinh ra ỷ lại

Với học sinh, rất mong các em hợp tác cùng thầy cô. Hợp tác trong giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa... Các em hãy nhớ rằng sự tiến bộ, thành đạt của học sinh là hạnh phúc lớn của thầy cô.

Có không ít học sinh mà từ cử chỉ, ánh mắt đến lời nói, các em làm thầy cô chạnh lòng lắm. Tôi có em học sinh du học tại Mỹ, em ấy kể rằng trong lớp em có học sinh Mỹ và học sinh đến từ các nước ở châu Á.

Tuy nhiên thầy cô ở đấy vẫn thích học sinh châu Á hơn, tôi hỏi vì sao, em ấy nói: "Vì học sinh châu Á ngoan, lễ phép, không “tự do” quá như các bạn Mỹ!".

Thầy cô dốc sức hướng dẫn các em, thế nhưng có những học sinh rất thờ ơ. Các em không học bài, không làm bài tập, luôn đi trễ, cúp học, vào lớp là mơ màng, thậm chí ngủ trong lớp. Học sinh giỏi, gia đình có điều kiện, vì thế có em sinh ra ỷ lại, đi học thêm ở những thầy cô khác nên thiếu tôn trọng thầy cô trên lớp.

Trước cảnh học trò coi mình không ra gì, một vài lần thầy cô còn kiềm chế được, thế nhưng nếu cứ tiếp tục như thế thì sao? Đòi hỏi thầy cô kiềm chế lúc này - rất đúng, nhưng không nhiều thầy cô làm vậy được đâu! Tuổi nghề, tuổi đời, trình độ đào tạo, những vui buồn trong tâm trí thầy cô có khi sẽ quyết định thái độ, cách xử sự của thầy cô với học sinh trước những hành vi cứ tạm gọi là “hỗn”.

Với những học sinh quá chây lười, kỷ luật các em thì dễ, nhưng để giúp các em tiến bộ thật quá khó, nếu không có sự hợp tác từ phía học sinh.

Thầy cô ở các trường trung tâm đỡ vất vả, chứ thầy cô dạy tại các trường vùng ven, vùng sâu, vùng khó khăn thiếu thốn cả vật chất lẫn đời sống tinh thần thì thật là quá khổ. Nếu vậy mà còn bị coi thường nữa thì còn đâu tâm huyết với nghề giáo?

Dẫu vẫn biết theo nghiệp gõ đầu trẻ thì phải chấp nhận một cuộc sống thanh cao, còn vật chất khó mà đủ đầy được. Nhưng nỗi buồn, trăn trở, sự man mác vẫn đến với thầy cô một lúc nào đó. Còn lúc nào khỏi ư? Mau hay lâu là tùy từng thầy cô, và cả nghĩa tình của lớp lớp học trò - những vị khách cần có người đưa đò để sang sông.

Sự lắng nghe, thấu hiểu của thầy cô đối với học sinh thật cần thiết, nhưng để thầy cô luôn làm thật tốt điều này thì cần lắm ở phụ huynh, học sinh sự tôn trọng, hợp tác. Mong lắm thay!

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151020/hay-ton-trong-va-hop-tac-voi-thay-co/987880.html