Theo Tiến sĩ Phạm Như Nghệ đề xuất, cần siết lại chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học để hướng các em học sinh chọn các trường nghề.
Những bất hợp lý trong phân luồng giáo dục tại nước ta đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng học sinh học nghề. Đây là một trong những mối quan ngại của không ít đại biểu tham dự hội thảo “Các trình độ dạy nghề, liên kết dạy nghề và cơ chế, chính sách thực hiện xã hội hóa dạy nghề” do Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 23/4.

Kỹ sư mỏ làm công nhân hầm lò

Theo một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông một vài năm gần đây có xu hướng giảm trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học, cao đẳng vẫn tăng. Thêm vào đó, thời gian tuyển sinh vào đại học, cao đẳng quá dài nên nguồn tuyển sinh vào học trung cấp chuyên nghiệp gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, khó khăn trong tuyển sinh của các trường trung cấp chuyên nghiệp đã lên tới “đỉnh điểm” khi 33 cơ sở đào tạo không tuyển được học sinh.

Các chuyên gia cho rằng chính vì sự phân luồng đào tạo kém hiệu quả đã dẫn tới tình trạng mất cân bằng trong nguồn nhân lực hiện nay. Hàng năm, nước ta có khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông dự thi vào cao đẳng, đại học nhưng lại chỉ có 5% thì vào các cơ sở giáo dục nghề. Sự chênh lệch này dẫn tới thực tế thất nghiệp hàng loạt của các sinh viên cao đẳng, đại học mới ra trường trong khi một số ngành sản xuất, khai thác lại thiếu hụt nhân sự trầm trọng.

Theo ông Ngô Minh Quang, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, một năm Vinacomin có nhu cầu đào tạo khoảng 8.000 công nhân kỹ thuật, nhưng số lượng học sinh tại 3 trường nghề thuộc Vinacomin đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra. Nếu tình hình này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuẩn bị nhân lực của ngành than khi đang chuyển dần từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò là chủ yếu.

Ông Minh cho biết thêm: “Thực tế, do phân luồng đào tạo kém hiệu quả nên trong các doanh nghiệp ngành than có cơ cấu lao động còn bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp phải tiếp nhận cử nhân ngành nghề ít liên quan đến khai thác mỏ vì thiếu các kỹ sư. Đặc biệt, còn có những doanh nghiệp có nhiều kỹ sư khai thác mỏ hệ chính quy phải làm công nhân khai thác trực tiếp do thiếu trầm trọng công nhân hầm lò.”

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và đào tạo) cho biết: Nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này lên đến gần 400.000 học sinh. Nếu những học sinh này được giáo dục học nghề nghiệp từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn, còn không sẽ rất lãng phí.

Khống chế tỷ lệ

Theo Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, muốn phân luồng đào tạo một cách hiệu quả thì cần phải siết lại chỉ tiêu tuyển sinh vào cao đẳng, đại học từ 70% xuống còn 50-60% để hướng các em học sinh còn lại lựa chọn các trường nghề.

“Chúng ta phải làm cho học sinh, người dân và xã hội hiểu rõ phân luồng học sinh sau trung học phổ thông không phải là ép buộc những học sinh yếu về lực học, hoàn cảnh kinh tế vào những phương thức học tập bất lợi, mà trái lại, là tạo ra phương thức phù hợp, cơ hội học tập có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của họ,” Tiến sĩ Phạm Như Nghệ nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng để có được cơ cấu nhân lực gồm có các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp với tỷ lệ hợp lý thì không thể để học sinh tự do lựa chọn ai muốn học ở đâu cũng được mà phải phân luồng.

“Ở các nước Châu Âu, chính phủ khống chế tỷ lệ vào đại học và kết hợp hướng nghiệp tốt từ trung học phổ thông theo sở trường, năng lực của học sinh để đảm bảo lực lượng học sinh tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp,” ông Lân nói.

Bà Lê Mai Hoa, Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhận định phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở là xu hướng mà nhiều quốc gia đang thực hiện. Từng địa phương khác nhau có những cơ cấu trình độ khác nhau, phân luồng hợp lý sẽ tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của từng ngành sản xuất kinh doanh, của yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhất trí rằng doanh nghiệp nên đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nghề và thay đổi nhận thức về học nghề của học sinh.

Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội thì tại các quốc gia có hệ thống đào tạo nghề tốt, các doanh nghiệp đều gắn kết rất chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề. Các học viên đều được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp để thực hành kiến thức đã học. Thiếu sự kết nối với doanh nghiệp đang là hạn chế trong đào tạo nghề của Việt Nam.

Ông Dương Đức Lân cũng cho rằng các doanh nghiệp phải đóng góp vào quá trình đào tạo nghề và tạo nên những xu hướng tuyển dụng tích cực cho lao động có tay nghề, nhằm khuyến khích học sinh theo học nghề sau khi tốt nghiệp.

 

Bạn cần biết:

Tỉ lệ chọi 2013

Điểm thi tốt nghiệp THPT 2013

 

Kenhtuyensinh

Theo: Vietnam+