Đại học Văn hóa Hà Nội dự kiến dành 70% trong 1.550 chỉ tiêu cho xét tuyển thẳng và dựa vào thi tốt nghiệp THPT trong năm 2022 này.
Theo dự thảo, được Đại học Văn hóa Hà Nội công bố cuối tháng 4, bốn phương thức tuyển sinh của trường gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, xét học bạ, xét tuyển kết hợp học bạ và thi năng khiếu.
Phương thức cuối chỉ dành cho một số chuyên ngành yêu cầu môn năng khiếu là Sáng tác văn học, Biểu diễn nghệ thuật, Tổ chức sự kiện văn hóa (Quản lý văn hóa). Để đủ điều kiện thi năng khiếu, thí sinh phải đạt điểm trung bình môn Văn ba năm THPT từ 5 trở lên.
Chỉ tiêu tuyển sinh Đại học Văn hóa Hà Nội năm 2022
Điểm xét tuyển là tổng điểm thi hai môn năng khiếu và Ngữ văn. Thí sinh sẽ được cộng điểm ưu tiên nếu có các giải về nghệ thuật, học sinh giỏi. Thời gian nộp hồ sơ cho phương thức xét tuyển kết hợp là ngày 20-30/5, thi năng khiếu dự kiến ngày 4-5/6.
Tổng chỉ tiêu được giữ ổn định với năm 2021 nhưng tỷ lệ phân bổ cho các phương thức đã thay đổi. Theo đó, trường dành 30% cho xét học bạ và xét tuyển kết hợp, còn lại cho xét tuyển thẳng và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm ngoái, chỉ tiêu cho hai nhóm này lần lượt là 55-45%.
Điểm sàn với thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT; xét học bạ hoặc xét tuyển kết hợp đều là 15 trở lên.
Điểm chuẩn 2021 của Đại học Văn hóa Hà Nội dao động 15-35,1 cho 20 ngành và chuyên ngành. Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cao nhất - 27,3, giảm nhẹ 0,2 so với năm 2020. Trong khi đó, các chuyên ngành Quản lý nhà nước về gia đình, Tổ chức và quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số chỉ lấy 15, chênh lệch hơn 12 điểm.
Hai ngành xét điểm chuẩn thang 40 là Ngôn ngữ Anh và Du lịch - Hướng dẫn du lịch quốc tế, lần lượt lấy 35,1 và 32,4 điểm, tăng 2-3,3 điểm so với năm 2021.
> Điểm danh các trường hợp được miễn thi tốt nghiệp THPT 2022
> Học chương trình mới, thi tốt nghiệp THPT sẽ ra sao?
Theo VnExpress